Xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn) lắp đặt các bảng hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại nhà văn hóa thôn để người dân tìm hiểu, thực hiện
Cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo tại Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 05/7/2024 của Chủ tịch UBND Thành phố về việc tăng cường phương thức tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa công dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp qua nền tảng “Công dân Thủ đô số” - iHaNoi, trong tháng 5 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã ban hành 2 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, yêu cầu các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố. Vì vậy, đến hết ngày 30/7, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc Sở gương mẫu đã hoàn thành việc cài đặt và tạo tài khoản cá nhân trên ứng dụng iHaNoi.
Sở cũng tích cực chỉ đạo, quán triệt cán bộ đầu mối được phân công của đơn vị thực hiện việc tải ứng dụng iHaNoi, đăng nhập tài khoản đã được cấp, đồng thời nghiên cứu hướng dẫn đã gửi trên nhóm hỗ trợ qua Zalo để tiếp nhận và tham mưu giải quyết triệt để các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiến độ theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, 100% phòng, đơn vị trực thuộc Sở đã phân công, cung cấp danh sách cán bộ đầu mối gồm 1 lãnh đạo, 1 chuyên viên để thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đề được tiếp thu, giải quyết kịp thời.
Việc người dân, doanh nghiệp được tăng cường tương tác trực tuyến qua nền tảng “Công dân Thủ đô số” - iHaNoi đã góp phần tạo phong cách làm việc mới, khoa học, hiệu quả, minh bạch trong ngành Nông nghiệp Hà Nội. Quan trọng hơn, thông qua việc tăng cường tương tác qua nền tảng ứng dụng iHaNoi góp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ, nông dân, doanh nghiệp trong việc giải đáp các cơ chế, chính sách, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, nông dân còn được tiếp thu kiến thức trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại trong giai đoạn mới.