Đẩy mạnh bảo tồn phát triển đa dạng sinh học trong nuôi trồng thủy sản
Do nhiều nguyên nhân khiến đa dạng sinh học bị suy giảm, nhiều hệ sinh thái và môi trường sống bị thu hẹp diện tích và nhiều loài, dưới loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn phát triển đa dạng sinh học trong lĩnh vực thủy sản và bước đầu thu được những kết quả khả quan.

Bảo tồn nguồn gen quý hiếm

Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn ở các tỉnh, thành phố phía Bắc. Toàn thành phố có 30.840ha mặt nước có thể phát triển nuôi trồng thủy sản, gồm: ao, hồ, ruộng trũng. Ngoài ra, Hà Nội còn có các sông hồ chảy qua như: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Tích, sông Đáy, sông Cà Lồ… rất thuận lợi để phát triển nuôi cá lồng bè. Đến nay, thành phố có 22.900ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt 115.000 tấn/năm, năng suất trung bình đạt 5,1 tấn/ha.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn, với điều kiện tự nhiên như vậy nên mức độ đa dạng loài thủy sản của Hà Nội khá cao. Kết quả khảo sát điều tra, thu mẫu tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh, trong 2 năm (2018-2019) đã xác định được danh sách các loài cá quý hiếm có giá trị. Trong đó, có 7 loài được ghi nhận có giá trị bảo tồn theo Danh mục Sách Đỏ IUCN 2019 (danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động thực vật trên thế giới. Danh sách này được giám sát bởi Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) bao gồm 4 loài xếp hạng giá trị bảo tồn bậc VU (Dầu sông thân mỏng, trôi mrigali, cá chép, cá ngạnh thon), 3 loài bậc NT (mè trắng Trung Quốc, trôi ta, rô phi đen). Theo Sách Đỏ VN 2007, có hai loài có giá trị bảo tồn, chiếm 5,71%, một loài bậc EN (cá chuối hoa), một loài bậc VU (cá lăng chấm).

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 2 loài thuộc nhóm II, Phụ lục II Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản đó là cá lăng chấm. Đặc biệt, cơ quan chuyên môn đã ghi nhận có ít nhất một cá thể rùa Hoàn Kiếm, thuộc nhóm động vật nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, giá trị bảo tồn theo IUCN bậc cực kỳ nguy cấp - mang một giá trị bảo tồn đặc biệt của Hà Nội.

Để duy trì và bảo vệ đa dạng sinh học trong lĩnh vực thủy sản, song song với công tác tuyên truyền rộng rãi nâng cao hiểu biết của người dân, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, nhiệm vụ về bảo tồn đa dạng sinh học đưa ra các giải pháp ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái, suy giảm các loài như phát động toàn dân tham gia thả giống thủy sản nhằm tái tạo, khôi phục phát triển nguồn lợi thủy sản; nghiêm cấm việc phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại...

Đáng chú ý, từ năm 2018-2020, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã thực hiện đánh giá nguồn lợi thủy sản tại các hồ: Đồng Mô, Xuân Khanh, Suối Hai, Đồng Sương nhằm thu mẫu, phân loại các loài động, thực vật thủy sinh trong hồ; điều tra, thu thập thông tin từ chủ hồ, người dân khai thác thủy sản, người dân sinh sống xung quanh hồ, cán bộ quản lý hồ… Đồng thời, có báo cáo đánh giá trữ lượng thủy sản tại các hồ, thành phần loài và sản lượng các loài cá quý, hiếm, thủy sinh vật ngoại lai tại các hồ. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài thủy sinh bản địa, loài ngoại lai và các loài có giá trị kinh tế cao, đề xuất các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Chi cục cũng đã thực hiện các biện pháp ngăn ngừa kiểm soát, diện trừ các loài sinh vật ngoại lai xâm hại…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, thông qua các hoạt động trên, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố.

Duy trì và phát triển

Mặc dù triển khai nhiều hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng thành phần loài thủy sản trên địa bàn thành phố hiện đang tiếp tục bị suy giảm do sự thay đổi của điều kiện môi trường như ô nhiễm nguồn nước, không khí, biến đổi khí hậu. Cùng với đó là dư lượng thuốc trừ sâu sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nước thải công nghiệp, làng nghề, sinh hoạt không được xử lý trước khi thải ra sông, kênh mương, ao, hồ. Việc sử dụng xung điện để khai thác thủy sản cũng là một trong những mối đe dọa nguy hiểm làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Mặt khác, công tác quản lý các thủy vực gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc phần lớn vào ý thức của người dân địa phương sinh sống gần sông, ao, hồ, kênh mương… Trong khi, lực lượng cán bộ của Chi cục Thủy sản Hà Nội còn thiếu, các trạm liên huyện chỉ có 1 cán bộ quản lý từ 3-4 quận, huyện; trang thiết bị cũng chưa đầy đủ nên chưa đáp ứng được yêu cầu khảo nghiệm, đánh giá khả năng xâm hại của loài ngoại lai trên địa bàn thành phố.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, trước những nguy cơ và thách thức trên, đòi hỏi cần có những giải pháp và hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo tồn đa dạng sinh học trong lĩnh vực thủy sản như: Tăng cường và đa dạng hóa công tác thông tin tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ theo quy định của pháp luật; nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý về đa dạng sinh học... rà soát, hỗ trợ phương tiện tuần tra cho địa phương cấp xã để góp phần ngăn chặn việc đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt xảy ra tại các con sông, hồ lớn...

Được biết, trong định hướng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2021-2030, bên cạnh đề xuất thực hiện bảo tồn quỹ gen đối với một số đối tượng thủy sản quý hiếm, Chi cục Thủy sản Hà Nội cũng sẽ triển khai các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học như: Điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường số của các loài thủy sản; hành động bảo tồn các cá thể rùa Hoàn Kiếm; thực hiện kiểm soát và diệt trừ các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn thành phố…

“Cùng với thể chế, chính sách, dự án bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chắc chắn sẽ tạo bước chuyển mạnh trong bảo tồn đa dạng sinh học trong lĩnh vực thủy sản của Hà Nội”, ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 6359
Tổng lượng truy cập: 22002747