Tiềm năng nuôi trồng thủy sản của Hà Nội rất lớn với 30.840ha diện tích mặt nước, trong đó diện tích hồ chứa 4.327ha thuộc 4 huyện Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Hiện các hồ chứa này mới chủ yếu khai thác thủy lợi phục vụ nông nghiệp. Trong khi các hồ chứa có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm khá phù hợp với nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các loài cá có giá trị kinh tế cao. Vì thế, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình nuôi cá lồng hồ chứa an toàn sinh học tại hồ Suối Hai, Ba Vì với quy mô 2.160m3 lồng, nhằm tạo ra sản phẩm thủy sản an toàn, tạo thêm môi trường sản xuất cho người dân xung quanh khu vực hồ chứa. Mô hình được triển khai từ tháng 4-2012, chọn 15 hộ thuộc xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì sinh sống xung quanh hồ để nuôi 3 loại cá là rô phi, cá chép, cá điêu hồng. Con giống được chọn lựa rất kỹ, do Trung tâm thiết kế, tư vấn và chuyển giao công nghệ (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) cung cấp. Sau khi thả cá, tốc độ tăng trưởng bình quân của các loại cá tốt, năng suất đạt 42kg/m3, tỷ lệ sống đạt trên 70%, cá không có dịch bệnh. Ngoài việc hỗ trợ 100% con giống, các hộ còn được 30% thức ăn công nghiệp và chế phẩm sinh học, thuốc phòng bệnh cho cá. Trung tâm tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, cử cán bộ kỹ thuật giám sát hướng dẫn các hộ thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, ghi chép đầy đủ để hạch toán sản xuất và rút kinh nghiệm nuôi sau này.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, định kỳ hằng tháng cá được kiểm tra tốc độ tăng trưởng bằng phương pháp cân mẫu. Mỗi loại cá chọn ngẫu nhiên 30 con để cân mẫu lấy kết quả trung bình. Hiện mô hình nuôi cá lồng các tỉnh đang thực hiện (năng suất bình quân chỉ đạt 40-45kg/m3) thì mô hình nuôi cá lồng hồ chứa Suối Hai cho năng suất cao, sau 5 tháng nuôi, chi phí đầu tư cho 1m3 lồng khoảng 1.450.000 đồng, năng suất đạt trên 50kg/m3, lợi nhuận 1m3 khoảng 323.000 đồng. Ông Cao Xuân Tý, hộ tham gia mô hình cho biết, năng suất nuôi của 1m3 đạt trên 54kg/m3, trong đó cá chép đạt 84kg/m3, rô phi đạt 42kg/m3, điêu hồng đạt 37kg/m3. Mô hình đã tạo công việc ổn định, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Từ kết quả mô hình đã mở ra xu hướng nuôi mới cho người dân khu vực hồ chứa, thay đổi tập quán canh tác quảng canh sang nuôi thâm canh tạo nguồn thu lớn cho nông dân. Trung tâm Khuyến nông đề nghị các địa phương tiếp tục xây dựng các hệ thống nuôi cá lồng trên hồ Suối Hai cũng như trên các hồ chứa khác trên địa bàn Hà Nội nhằm nhân rộng mô hình. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Duy Tâm yêu cầu, các huyện có nhiều hồ chứa cần quy hoạch vùng nuôi cụ thể, tránh phát triển ồ ạt, tự phát gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi của người dân cũng như hệ sinh thái của các hồ chứa. Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện lập dự án, bàn biện pháp và cơ chế để nhanh chóng đưa 4.327ha mặt nước vào khai thác, tạo nguồn thực phẩm sạch cho thị trường.
Nguyễn Văn Hữu theo Hànộimới online
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)
Gỡ khó cho các dự án giết mổ gia súc, gia cầm tập trung(22/10/2012)