Hà Nội là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với 36,5 triệu con gia cầm, 1,3 triệu con lợn, 158.267 con trâu, bò. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát tốt; trong đó đàn trâu, bò chủ yếu mắc bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi… tỷ lệ trâu, bò ốm chiếm 0,42%/tổng đàn. Đàn lợn chủ yếu mắc các bệnh phó thương hàn, tụ huyết trùng, tiêu chảy, tỷ lệ ốm chiếm 0,5%/tổng đàn. Đàn gia cầm mắc các bệnh tụ huyết trùng, Newcastle… tỷ lệ ốm chiếm 0,11%/tổng đàn…
Tuy nhiên, vật nuôi trên địa bàn thành phố vẫn mắc một số bệnh nguy hiểm như bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Từ ngày 4-9 đến nay, bệnh xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Thường Tín, Đông Anh… buộc tiêu hủy 157 con lợn với tổng trọng lượng 10.765,5kg.
Nhận định về tình hình dịch bệnh thời gian tới, ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội) cho biết: Hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn rất cao do trên địa bàn thành phố còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý. Người chăn nuôi chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh; thời tiết mưa, nắng thất thường cũng tạo điều kiện cho mầm bệnh truyền nhiễm phát sinh. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cuối năm của người dân tăng cao nên việc vận chuyển gia súc, gia cầm tương đối lớn cũng tiềm ẩn phát sinh dịch bệnh…
Để hạn chế dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát vào dịp cuối năm, ông Bạch Văn Nghị ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho biết, gia đình ông vừa nhập hơn 100 con gà về nuôi để chăm sóc và bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Gia đình ông đã chủ động tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm; trước khi nuôi, tiến hành tổng vệ sinh môi trường chuồng trại và nhập con giống rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cũng về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khuyến cáo các địa phương cần đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc xin đạt tỷ lệ từ 80% tổng đàn trở lên để tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Cùng với đó là thực hiện tổng tẩy uế môi trường, giảm sự lây nhiễm mầm bệnh ở các cơ sở chăn nuôi; thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh tại các cơ sở, chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở thực hiện tốt việc giám sát tại các thôn, xóm có chăn nuôi; tăng cường kiểm tra các bãi rác, kênh mương, kịp thời xử lý xác gia súc, gia cầm chết trôi nổi, không rõ nguồn gốc; kịp thời phát hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để có biện pháp ngăn chặn; lấy mẫu làm các xét nghiệm để dự tính, dự báo dịch bệnh, nhất là các cơ sở chăn nuôi lớn, vùng chăn nuôi tập trung…
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, các địa phương cần chỉ đạo các xã tăng cường giám sát biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, giết mổ, bán gia súc, gia cầm mắc bệnh; làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm xảy ra; duy trì 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố để kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn thành phố; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật/sản phẩm động vật bất hợp pháp vào thành phố.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)