Thành phố Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi bò. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 7/2020, tổng đàn bò trên địa bàn Hà Nội là 130 nghìn con, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 6284 tấn. Với mong muốn đem đến cho người tiêu dùng Thủ đô sản phẩm thịt bò chất lượng, có hàm lượng dinh dưỡng cao, những năm qua, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã lựa chọn các giống bò chất lượng để xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao. Do có ưu điểm nổi trội, giống bò Wagyu của Nhật Bản được ngành Nông nghiệp Hà Nội lựa chọn để lai tạo.
Là người có công đầu tiên trong việc đưa giống bò Wagyu về Hà Nội, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, ông Nguyễn Huy Đăng chia sẻ, trong quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi, việc phát triển đàn bò theo hướng chất lượng cao là xu hướng tất yếu. Từ năm 2017, Sở Nông nghiệp đã giao Trung tâm Phát triển nông nghiệp triển khai lai tạo giống bò Wagyu với mục đích đẩy mạnh phát triển chăn nuôi một số giống bò thịt cho năng suất, chất lượng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện năng lực cạnh tranh ngành hàng thịt bò trên thị trường.
Được biết, giống bò Wagyu có nguồn gốc từ dòng họ bò Wagyu Okutani - Nhật Bản. Đây là một trong những giống đứng số một tại Nhật Bản về chỉ số chất lượng thịt. Bò Wagyu cân bằng về mặt di truyền, kết hợp giữa mỡ giắt, thăn vai và sự tăng trưởng, tỷ lệ thịt xẻ cao.
Bò Wagyu có 4 giống bò chính là bò lông đen, bò lông nâu, bò sừng ngắn, bò không sừng. Tuy nhiên, giống bò được lai tạo phổ biến và cho chất lượng tốt nhất là giống bò lông đen. Giống bò này có khối lượng sơ sinh 30-35 kg, ở 24 tháng tuổi: 420-480 kg, ở 36 tháng tuổi: 550-680 kg, ở 5-6 năm tuổi: 750-850 kg. Theo đánh giá, bò lai Wagyu phù hợp với điều kiện chăn nuôi của các nông hộ, trang trại và doanh nghiệp. Giống bò này có sức đề kháng tốt, không bị dịch bệnh. Thịt giống bò này nổi tiếng nhờ các vân mỡ trong thớ thịt, mềm, có mùi vị thơm ngon đặc trưng. Đặc biệt mỡ của giống bò này có hàm lượng chất béo Omega 3 và Omega 6 cao hơn các loại thịt bò khác.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã thành công trong việc cải tiến đàn bò cái nền lai Sind, Zebu và đã lai tạo ra giống bò có năng suất, chất lượng thịt cao. Số liều tinh bò Wagyu đã sử dụng để phối giống cho đến nay là 12.000 trên đối tượng là đàn bò cái lai Zebu có độ tuổi sinh sản từ 1 - 5 lứa, trọng lượng từ 250kg trở lên, có khả năng sinh sản tốt, đã được chọn lọc, giám định, bình tuyển. Nhờ đó, đến nay, Hà Nội đã có khoảng 10.000 bê lai Wagyu được sinh ra, tập trung chủ yếu tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh. Để giúp các hộ chăn nuôi nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, vệ sinh phòng bệnh, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại các vùng, xã trọng điểm cho các tổ chức, cá nhân tham gia chăn nuôi.
Qua quá trình theo dõi khả năng sinh trưởng, phát triển và khả năng sinh sản của bò lai Wagyu cho thấy: khối lượng sơ sinh từ 24 - 28kg, khối lượng khi 24 tháng tuổi từ 550 - 650 kg. Khả năng tăng trọng của bò lai F1Wagyu đạt từ 500 - 800g/ngày. Hiện nay, trên địa bàn xã Minh Châu (Ba Vì) đã có 2 con bê F2 Wagyu 5 tháng tuổi, khối lượng khoảng 150 kg. Bê sinh ra có ngoại hình đẹp, dễ nuôi, khỏe mạnh, phàm ăn, sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện chăn nuôi tại Hà Nội.
Về phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần T&T 159 tổ chức kết nối thu mua 5 đợt bê lai Wagyu tại 3 huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh với giá bình quân 17 triệu đồng/con. Việc thu mua bê được doanh nghiệp tiến hành công khai, minh bạch thông qua ký kết hợp đồng, cân trọng lượng bê và thanh toán tiền mặt cho người chăn nuôi. 100% bê bán cho Công ty cổ phần T&T 159 đều được Trung tâm Phát triển nông nghiệp cấp giấy chứng nhận nguồn gốc và gắn số tai. Đây là phương thức thu mua mới, đảm bảo tính minh bạch, không qua trung gian và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi từ 3 - 5 triệu đồng/con. Trong những năm qua, Trung tâm cũng đã phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Thái để xây dựng dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao và xây dựng chuỗi khép kín tiêu thụ sản phẩm thịt bò Wagyu tại xã Minh Châu (Ba Vì).
Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội tổ chức mổ khảo sát bò lai F1 Wagyu tại Công ty TNHH Phát triển thương mại Thắng Lợi |
Nhằm đánh giá năng suất, chất lượng thịt bò và tính thích nghi của giống bò lai Wagyu được chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã tổ chức mổ khảo sát bò lai F1 Wagyu. Cá thể bò lai F1 Wagyu được tiến hành mổ khảo sát là bò đực, 24,5 tháng tuổi, được chăn nuôi tại xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, có trọng lượng là 619 kg. Theo quy trình mổ khảo sát, bò để nhịn đói 24 giờ trước khi giết mổ. Việc mổ khảo sát để xác định tỷ lệ thịt xẻ, tỷ lệ thịt tinh, đánh giá chất lượng thịt thông qua các chỉ tiêu lý hóa của thịt bò lai F1 Wagyu và so sánh với một số giống bò thịt khác đang chăn nuôi hiện nay. Kết quả mổ khảo sát bò lai F1 Wagyu cho thấy: Tỷ lệ thịt xẻ đạt 70,77%, tỷ lệ thịt tinh đạt 48,54 %. Đặc biệt, bò lai Wagyu có tỷ lệ xương thấp (4,6%).
Qua kết quả mổ khảo sát, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: “Cá thể bò được mổ dù quy trình chăn nuôi chưa được chuẩn nhưng đã biểu hiện có mỡ giắt trong thịt. Chúng tôi sẽ gửi mẫu sang Viện Dinh dưỡng để kiểm nghiệm chuyên sâu về hàm lượng dinh dưỡng. Trong thời gian tới, mô hình bò lai Wagyu tiếp tục được nhân rộng theo hướng chuyên thịt chất lượng cao. Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ chỉ đạo Trung tâm phát triển nông nghiệp tiếp tục lai tạo tinh bò Wagyu trên nền đàn bò cái nền lai Sind, Zebu, Senepol, xây dựng quy trình chăn nuôi chuẩn về bò sinh sản, bò thịt. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi trong đó có chăn nuôi bò thịt lai Wagyu tại xã Minh Châu - Ba Vì.
Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, bò lai Wagyu có tiềm năng lớn để phát triển trên địa bàn Hà Nội. Theo đánh giá cảm quan, thịt bò có màu đẹp, đã có tỷ lệ mỡ giắt. Các cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá thêm về hàm lượng dinh dưỡng của giống bò này. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng sẽ hoàn thiện lại quy trình chăn nuôi bò thịt để nâng cao chất lượng thịt phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của ngành Nông nghiệp, trong thời gian tới, mô hình chăn nuôi bò lai Wagyu sẽ được nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng cao phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô cũng như trên cả nước./.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)