Mô hình chăn nuôi vịt gia công theo hướng công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Doãn Nguyên ở Hoàng Diệu, Chương Mỹ. Ảnh: Phương Nga |
Chuyên nghiệp hóa chăn nuôi
Chăn nuôi gia cầm nhiều năm nhưng chị Trần Thanh Huyền, xã Thụy An, huyện Ba Vì luôn lo lắng vì đầu ra và giá cả thị trường bấp bênh. Tuy nhiên, cách đây hơn 1 năm, gia đình chị chuyển sang chăn nuôi gia công vịt thịt công nghệ cao cho Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam. Tham gia vào chuỗi gia công, gia đình chị được cung cấp từ con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là bao tiêu đầu ra. Theo chị Huyền, cái được lớn nhất khi tham gia vào chuỗi chăn nuôi gia công là người chăn nuôi được tiếp cận với phương thức chăn nuôi hiện đại, chuyên nghiệp. Nếu như trước đây nuôi vịt theo phương thức truyền thống thả đồng, vịt nuôi trong ao, kênh mương... thì nay vịt được nuôi trong chuồng kín, có quạt điều hòa. Thời gian nuôi từ lúc nhập vịt (1 ngày tuổi) đến xuất chuồng khoảng 47 - 50 ngày, chi phí thức ăn khoảng 7,5 - 8kg cám. Trọng lượng vịt xuất chuồng bình quân khoảng 3,5 - 3,8kg. “Với diện tích 1.200m2, gia đình tôi đầu tư 2 dãy chuồng, mỗi năm nuôi được 5 lứa vịt, mỗi lứa 10.000 con, thu nhập của gia đình cũng được trên dưới 1 tỷ đồng” – chị Huyền tiết lộ.
Cũng ký hợp đồng chăn nuôi vịt thịt công nghệ cao với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam từ năm 2017, anh Nguyễn Doãn Nguyên ở xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ) có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm. Theo anh Nguyên, mô hình chăn nuôi gia công cho các công ty có tính ổn định cao, nhất là trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Với sự hướng dẫn kỹ thuật của công ty, người chăn nuôi sẽ hạn chế được rủi ro dịch bệnh và biến động thị trường, thu nhập ổn định hơn.
Hướng đi bền vững
Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, chăn nuôi vịt công nghệ cao là một hướng đi rất mới, tích cực, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để đi theo hướng chăn nuôi này, ngoài cơ quan quản lý Nhà nước, cũng phải kể đến vai trò lớn của các DN chăn nuôi. Trên địa bàn Hà Nội hiện nay đã có các công ty chăn nuôi đầu tư, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật theo phương thức chăn nuôi gia công. Đây là phương thức chăn nuôi phù hợp, đôi bên cùng có lợi. Người chăn nuôi cần có diện tích, nhân lực, vốn ban đầu và tuân thủ nghiêm các quy trình chăn nuôi. Công ty hỗ trợ hoàn toàn kỹ thuật, giống và tiêu thụ sản phẩm.
Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội Bùi Tuấn Khải cho rằng, nhược điểm lớn nhất của ngành chăn nuôi nước ta hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, rời rạc. Mỗi khâu trong chuỗi chăn nuôi từ sản xuất con giống, thức ăn, thuốc... cho đến thương lái hay bán lẻ đều cố tình tìm mọi cách để có lợi nhuận. Điều này khiến ngành chăn nuôi yếu, không có sức cạnh tranh, chưa kể các tồn tại như an toàn thực phẩm, tồn dư kháng sinh... Do đó, phải hình thành các tập đoàn lớn phát triển chuỗi chăn nuôi hoàn chỉnh và thành lập các trang trại vệ tinh theo hình thức gia công. “Nhìn từ câu chuyện khủng hoảng giá thời gian vừa qua có thể thấy rằng, đây là thời điểm ngành chăn nuôi tự sàng lọc để chuyển hướng sang quy mô nuôi công nghiệp, theo hướng bền vững. Việc hợp tác với DN sẽ giúp cho các hộ chăn nuôi đi đúng định hướng phát triển chăn nuôi của TP” – ông Bùi Tuấn Khải nhấn mạnh.
Hà Nội hiện có tổng đàn gia cầm đứng đầu cả nước với khoảng 36 triệu con, trong đó gà 24,5 triệu con, vịt 10,4 triệu con, ngan ngỗng 1,1 triệu con. Đến nay, trên địa bàn TP đã có 28 trang trại chăn nuôi vịt công nghệ cao với quy mô khoảng 5.000 – 10.000 con/trang trại. |
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)