Hội thi gà Mía Sơn Tây lần thứ nhất năm 2020 nâng tầm giá trị giống gà bản địa của Hà Nội
Xã Đường Lâm, thuộc Giao Châu – Vùng đất cổ nằm bên hữu ngạn sông Hồng vốn là một trong tứ trấn Thăng Long, tục gọi là trấn Tây, xứ Đoài hay trấn Đoài, có bề dày lịch sử kéo dài từ thời Hùng Vương tới nay, cách thị xã Sơn Tây 3 km, cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía tây bắc, tục danh gọi là Kẻ Mía. Là vùng đất lưng tựa vào các quả đồi trung du – những bậc thềm đầu tiên của núi Tản, mặt ngoảnh ra sông Hồng. Đất địa linh nhân kiệt, sinh ra hai vị anh hung dân tộc có vai trò to lớn trong thời kỳ đầu xây dựng đất nước và đánh đuổi giặc ngoại xâm của nhân dân ta, đó là Bố Cái Đại Vương – Phùng Hưng, là lãnh tụ một cuộc nổi dậy chống lại sự đô hộ của nhà Đường thời Bắc thuộc lần thứ ba (602–905) và Tiền Ngô Vương – Ngô Quyền, là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Năm 938, Ngô Quyền là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng, chính thức kết thúc gần một thiên niên kỷ Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Sau chiến thắng này, ông lên ngôi vua, lập ra nhà Ngô, trị vì từ năm 939 đến năm 944.

Mía là vùng đất lắng đọng bao sản phẩm tinh túy vật chất cũng như tinh thần của một cộng đồng cư dân nông nghiệp cổ với những cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình và rất nhiều đình, chùa làng xây bằng gạch đá ong và gỗ kết hợp với các vật liệu có sẵn ở địa phương. Trải qua nhiều thế kỷ, vùng đất này vẫn còn giữ được bao nét văn hóa đặc sắc, trong đó, không thể không nhắc đến những giá trị cả về mặt tinh thần và vật chất liên quan đến giống gà Mía.

Gà Mía là một giống đặc sản có nguồn gốc ở xã Phùng Hưng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây xưa, nay thuộc làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Giống gà Mía xưa kia nổi tiếng khắp vùng bởi đặc điểm hình dáng và chất lượng thịt thơm, ngon. Gà mái có màu lông đẹp, vóc dáng nhỏ xinh xắn, còn gà trống nổi trội với “mào đơn, đầu công, mình cốc, cánh trai, ngắn quản, dài đùi, diều vịt, mã lĩnh, chúng phảng phất có nét của loài chim công”. Theo các bậc cao niên trong làng thì một chú gà trống đủ phẩm chất được chọn theo tiêu chuẩn: Đầu công (đầu chim công nhỏ), mình cốc (mình như chim cốc hình bồ đựng muối), cánh trai (hai cánh như hai con trai trai ốp gọn bên mình), mã lĩnh hoàn toàn (màu vải lĩnh đen tía) long mã ngũ sắc rực rỡ, mỏ màu vàng, mào cờ đỏ chót và lúc nào cũng thẳng đứng. Những chú gà trống trưởng thành nhìn rất oai vệ, cùng với đôi chân thanh mà không cao (ngắn quản), vững vàng mà không thô (dài đùi). Ở má ngoài chân gà trống có một vệt màu đỏ rõ nét từ trên xuống đến ngón chân trông giống như sợi chỉ đỏ. Với vẻ đẹp bên ngoài cùng với chất lượng thịt thơm, ngon nên gà Mía là sản vật được người dân kẻ Mía lựa chọn để dâng tiến vua và để tế lễ, cầu cho quốc thái dân an, mọi nhà no ấm. Nét đẹp văn hóa ấy đang được người dân nơi đây gìn giữ và trân quý.

 

Hình ảnh gà mía trưởng thành

Giống gà Mía đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống gốc quốc gia. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nôi đã có nhiều chủ trương, chính sách để bảo tồn và phát triển chăn nuôi gà Mía. Đến nay, giống gà Mía đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và ngày 8/3/2015 Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học- Công nghệ cấp Chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “gà Mía Sơn Tây”.

 

Chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “gà Mía Sơn Tây”

Xác định chăn nuôi gà Mía không chỉ nhằm bảo tồn giống gà quý của địa phương mà còn giúp người dân phát triển kinh tế, những năm qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cùng với chính quyền địa phương đã tập trung khôi phục, hỗ trợ tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu “gà Mía Sơn Tây” và thúc đẩy phát triển chăn nuôi giống gà quý này trở thành thương hiệu hang hoá có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi, đồng thời góp phần vào tái cấu trúc ngành chăn nuôi Hà Nội, giúp địa phương xây dựng thành công nông thôn mới.

Với mục đích bảo tồn, phát triển và tôn vinh các đơn vị, cá nhân chăn nuôi giống gà Mía bản địa, được sự nhất trí của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Uỷ ban nhân dân thị xã Sơn Tây tổ chức “ Hội thi gà Mía Sơn Tây lần thứ nhất, năm 2020”. Hội thi được tổ chức, thực hiện từ tháng 01/2020 với vòng thi Sơ khảo đã tuyển chọn ra 11 đội tham dự vòng thi Chung khảo tại 9 thôn của xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (01 đội thi/1 thôn), đội số 10 là Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây và độ isố 11 là Xí nghiệp chăn nuôi gia cầm Sơn Tây thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico). Trước ngày diễn ra hội thi Chung khảo 11 đội đều đã sẵn sàng, ai cũng mang theo tinh thần phấn khởi, tự tin. Gà dự thi được các đội chỉnh chu, coi sóc, là đại diện của những chú gà, cặp gà mang các đặc điểm nổi bật, đặc trưng của giống gà Mía, đồng thời gửi gắm vào chúng những tâm tư, tình cảm niềm say sưa, đam mê và niềm tự hào của người dân Đường Lâm quê hương của giống gà quý này.

 

Đội gà tham dự Hội thi gà Mía Sơn Tây lần thứ nhất, năm 2020

Vòng Chung khảo và trao giải “Hội thi gà Mía Sơn Tây lần thứ nhất năm 2020” sẽ được tổ chức 2 ngày tại nhà khách, khu đền thờ Vua Ngô Quyền xã Đường Lâm, thị xã SơnTây:

Ngày 28/9/2020 thi và chấm điểm, gồm 2 nội dung: Chấm điểm cặp gà (01 gà trống, 01 gà mái) và đơn trống (01 gà trống); Thi kiến thức nhận biết và kỹ thuật chăn nuôi gà Mía.

Ngày 30/9/2020 tổ chức công bố điểm, trao giải cho các đội dự thi.

Cơ cấu giải thưởng, gồm: 01 giải đặc biệt, 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 04 giải khuyến khích và các giải phụ.

Với sự dày công chuẩn bị, Hội thi gà Mía Sơn Tây lần thứ nhất năm 2020 không chỉ làm sống lại niềm đam mê của người dân Đường Lâm về chăn nuôi gà Mía mà đây còn là dịp để thị xã Sơn Tây cũng như ngành chăn nuôi Hà Nội giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng các tỉnh thành trong cả nước về giống gà đặc sản gắn liền với những thăng trầm của lịch sử cùng những tinh hoa văn hóa của một làng quê Bắc Bộ. Hội thi được tổ chức vừa tạo sân chơi bổ ích, tái hiện lại những giá trị văn hóa truyền thống vừa là dịp thông tin tuyên truyền, tạo tiền đề phát triển chuỗi sản xuất, cung cấp sản phẩm gà Mía Sơn Tây theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Qua đó, góp phần đưa gà Mía trở thành thương hiệu hàng hoá có sức cạnh tranh, lan tỏa trên thị trường, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển chăn nuôi giống gà Mía.

Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền cùng sự tham gia nhiệt tình của người dân, thương hiệu “Gà Mía Sơn Tây” ngày càng nổi tiếng và đặc sản gà Mía của xứ Đoài với vị thơm ngọt, giòn sẽ là sản phẩm nông nghiệp sạch được nhiều người tiêu dùng biết đến để lựa chọn mỗi khi đến thăm mảnh đất Sơn Tây nói chung và làng cổ Đường Lâm nói riêng./.

Hoàng Kim Vũ - Trung tâm Phát triển Nông nghiệp

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 13523
Tổng lượng truy cập: 25435431