Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thời điểm giao mùa
Hiện nay, đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột là điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Để bảo đảm sức khỏe cho đàn vật nuôi, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra.


Nông dân huyện Ứng Hòa chủ động nuôi nhốt gia súc trong thời điểm giao mùa để phòng, chống dịch bệnh

Nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao

Sau thời gian khống chế thành công bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), người chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội tập trung tái đàn lợn để cùng với thành phố Hà Nội đạt được mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp năm 2020 là 4,12%. Tuy nhiên, bệnh DTLCP lại tiếp tục phát sinh ở một số hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Mới đây (ngày 4/9/2020) đã xảy ra ổ dịch tại một hộ chăn nuôi lợn ở huyện Chương Mỹ. Tiếp đến ngày 10/9/2020, xuất hiện thêm ổ bệnh DTLCP của một hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Đông Anh. Tại 2 ổ dịch này, đã làm chết và tiêu hủy 64 con lợn với trọng lượng tiêu hủy 4.874kg. Lũy kế, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố bệnh DTLCP xảy ra tại 15 hộ chăn nuôi ở 7 huyện, thị xã.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội thông tin, từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra ở phạm vi rộng và có nguy cơ tăng cao vào các tháng cuối năm 2020 không chỉ riêng ở Hà Nội mà còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Riêng bệnh cúm gia cầm xảy ra ở phạm vi các tỉnh, thành phố đã tăng gấp 4 lần so với năm 2019. Tại Hà Nội, trong 3 tháng (3, 4 và 5/2020), dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại 7 xã thuộc các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa với tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 35.091 con. Còn bệnh DTLCP xảy ra tại 982 lượt xã của 44 tỉnh, thành phố; bệnh lở mồm long móng gia súc xảy ra tại 17 tỉnh, thành phố. Trong đó, Hà Nội là một trong những địa phương nguy cơ cao có thể xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là vào các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, hiện nay, đang là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, lúc nắng lúc mưa, nhiệt độ về đêm và sáng sớm lạnh. Ðó là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn lưu trong môi trường, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Kết quả giám sát chủ động cũng cho thấy các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường và ở quần thể gia súc, gia cầm. Trong khi đó, tổng đàn vật nuôi, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, đàn lợn đang được tái đàn, tăng đàn. Thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi. Việc gia tăng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật để phục vụ nhu cầu vào dịp cuối năm cũng là một trong những nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đáng ngại, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố khá cao, trên 60%, ngoài ra Hà Nội có gần 740 cơ sở giết mổ nhưng có tới 673 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công trong khu dân cư khó kiểm soát cũng là một trong những nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong thời điểm hiện nay.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là bệnh DTLCP đang tái phát tại một số địa phương hiệu quả, ngoài tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND, ngày 10/9/2020, về phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2020-2025, Sở NN&PTNT đã ban hành Công văn số 2918/SNN-CNTY, ngày 11/9/2020, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường phòng, chống bệnh DTLCP. Theo đó, các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh, đặc biệt tại các xã, phường, thị trấn có tổng đàn lợn lớn, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không chủ động khai báo… Tại các địa phương có dịch, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP hiệu quả ngay từ đầu; xử lý dứt điểm các ổ dịch, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng…

Ý thức được trong thời điểm giao mùa, các loại dịch bệnh nguy hiểm như: Bệnh DTLCP, lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm có thể tái phát, gây hại cho vật nuôi bất cứ lúc nào, song song triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường và vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đợt sau tiêm phòng đại trà đợt 2/2020, Sở NN&PTNT cũng đã hướng dẫn người chăn nuôi tại các địa phương chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng vệ. Trong đó, yêu cầu người chăn nuôi tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi, chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi. Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, bệnh DTLCP…, phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở và chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh. “Trong thời điểm giao mùa hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được người dân đặc biệt quan tâm. Đây là tiền đề rất quan trọng bảo đảm để ngành chăn nuôi Hà Nội phát triển an toàn, ổn định”, ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.



Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 13839
Tổng lượng truy cập: 25435431