Hà Nội: Phát triển chăn nuôi Vịt công nghệ cao
Hà Nội hiện có tổng đàn gia cầm đứng đầu cả nước với khoảng 36 triệu con trong đó: gà khoảng 24,5 triệu con, Vịt khoảng 10, 4 triệu con, ngan ngỗng khoảng 1,1 triệu con.

Chăn nuôi gia cầm những năm qua, nhất là từ nămm 2019 đến nay do diễn biến dịch bệnh trên đàn lợn phức tạp, bệnh dịch tả lợn Châu Phi không có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên người chăn nuôi chuyển hướng sang phát triển chăn nuôi gia cầm. Mặc khác thị trường tiêu thụ với gia cầm rất lớn, nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao do phù hợp với thói quen tập quán, sở thích, tính tiện lợi trong tiêu dùng.

 

Ảnh minh họa

Về phương thức chăn nuôi gia cầm, Hà Nội đã có những vùng chăn nuôi tập trung phát huy tiềm năng về đất đai, tiểu vùng khí hậu, điều kiện tự nhiên. Chăn nuôi gia cầm hiện nay phát triển mạnh ở các huyện có điều kiện về đất đai (như Chương Mỹ, Ba Vì, Thanh Oai, Ứng Hoà ...).

Riêng đối với chăn nuôi vịt, nếu như trước đây phương thức chăn nuôi truyền thống vịt thả đồng, vịt nuôi trong ao, kênh mương để tận dụng nguồn nước thì đến nay phương thức chăn nuôi đã khác, đó chính là chăn nuôi vịt công nghệ cao, chăn nuôi trong chuồng kín (100 % sử dụng hệ thống điện điều hoà nhiệt trong chuồng nuôi) mà không cần ao, hồ, không cần nguồn nước. Điều đặc biệt là người chăn nuôi làm chủ được kỹ thuật, sử dụng nguồn điện, sử dụng một mặt bằng diện tích đất không cần lớn như trước đây để đào ao chứa nước. Trong khi đó năng xuất đạt cao, thu nhập cao nếu xây dựng được thương hiệu và thị trường tiêu thụ. Đây cũng chính là một hướng đi rất mới, tích cực “Chăn nuôi công nghệ cao” mà các hộ chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội đã và đang chuyển đổi để mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi.

Đề có được phương thức chăn nuôi vịt công nghệ cao ngoài vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan truyền thông, xây dựng mô hình cũng phải kể đến vai trò lớn của các Doanh nghiệp Chăn nuôi. Hiện nay Công ty Chăn nuôi CP đã đồng hành cùng người chăn nuôi xây dựng nhiều mô hình trên địa bàn Hà Nội để nhân rộng. Đến nay trên địa bàn Thành phố đã có 28 trang trại chăn nuôi vịt công nghệ cao với quy mô khoàng 5000 - 10.000 con/trang trại.

Về yếu tố kỹ thuật, chăn nuôi vịt công nghệ cao, điều kiện bắt buộc phải có mặt bằng để xây dựng chuồng trại (giống như trang trại chăn nuôi gà, lợn công nghiệp), phải có hệ thống điện đảm bảo 24/24 để điều chỉnh nhiệt trong chuồng nuôi. Điều chỉnh hệ thống trang thiết bị phục vụ cho quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh trong suốt thời gian nuôi. Địa điểm xây dựng trại phải đảm bảo thuận tiện của việc vận chuyển, không bị nước lụt, cơ sở hạ tầng và điều quan trọng là không nằm trong cụm dân cư, được sự chấp thuận của chính quyền địa phương sở tại.

Thuận lợi trong nuôi vịt công nghệ cao là không cần diện tích ao hồ ruộng đồng, kể cả trong chuồng nuôi cũng không cần bể, nguồn nước để vịt bơi, chủ yếu đảm bảo nguồn nước uống và tắm cho vịt hàng ngày. Quy cách của trại và chuồng nuôi theo nguyên tắc “cùng vào, cùng ra”. Vì thế quy cách của trại và chuồng hay số chuồng/trại, phải quan tâm đến sự thuận tiện trong việc xắp xếp số lượng vịt nuôi trong từng đàn. Quy cách của trại, không nên nhiều hơn một đàn hay tuổi của vịt hơn kém nhau dưới một tuần. Về kích thước của chuồng là rộng bằng 12 – 14 cm, dài từ 100 – 120 m, khoảng cách giữa các chuồng nuôi là dưới 25m, vật liệu xây dựng phải đả bảo sự chắc chắn và lâu bền khi sử dụng.

Việc phòng chống dịch bệnh, yếu tố rất quan trọng để đảm bảo chăn nuôi an toàn, đây cũng chính là yếu tố chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Có thể làm vệ sinh và khử trùng thuận tiện và ở trong môi trường thích hợp không chật chội, có thể phòng ngừa được dịch bệnh hay ở những nơi chưa từng xảy ra dịch bệnh. Nguồn nước, đảm bảo sạch, có thể là giếng khoan hay nước trên mặt đất, chọn sao đảm bảo lượng nước trong quá trình chăn nuôi có thể giữ nước sử dụng được cả năm, cả nước cho uống và rửa chuồng trại.

Về hệ thống điện, yếu tố quyết định trong chăn nuôi công nghệ cao, địa điểm xây dựng trại phải có hệ thống điện cao thế đi qua hay vị trí có thể mở rộng khu vực được mà không lãng phí. Việc quản thiết bị quản lý về đồ nghề và dụng cụ trang thiết bị làm việc trong trại phải thiết kế sao cho phù hợp, thuận tiện trong việc quản lý chăm sóc nuôi dưỡng chặt chẽ.

Bên cạnh thuận lợi để chăn nuôi, một số khó khăn trong chăn nuôi vịt công nghệ cao là phải đầu tư vốn để xây dựng chuồng trại, phải đảm bảo có điện và đặc biệt phải thực hiện nghiêm quy trình về chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng theo hướng nuôi công nghiệp (thức ăn chế biến công nghiệp) và vệ sinh phòng bệnh nghiêm ngặt về chuồng trại và các loại vắc xin. Chăn nuôi theo phương thức này cũng không thể tận dụng thức ăn dư thừa trong sản xuất nông nghiệp như phương thức chăn nuôi truyền thống. Mặt khác phải gắn kết việc liên kết chuỗi để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi. Hiện tại các trang trại nuôi vịt đều đảm bảo tiêu thụ vịt thương phẩm thuận lợi, đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi vịt công nghệ cao là rất lớn vì chủ động được kỹ thuật, hạn chế thấp nhất rủi ro do dịch bệnh gây ra. Thời gian nuôi từ lúc nhập vịt (1 ngày tuổi) đến xuất chuồng khoảng 47- 50 ngày, chi phí thức ăn trong thời gian nuôi khoảng 7,5- 8kg cám. Trong lượng xuất chuồng bình quân khoảng 3,5-3,8 kg. Giá vịt thương phẩm tùy từng thời điểm, giao động từ 35- 45 ngàn đồng/kg. Hiện nay nhu cầu sử dụng thịt vịt cũng rất lớn do đặc thù thịt thơm ngon, mềm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đây cũng chính là một thị trường lớn để các công ty, các nhà chăn nuôi cũng có thể đầu tư phát triển chăn nuôi vịt theo hướng công nghệ cao để có thu nhập ổn định.

Hiện nay các hộ chăn nuôi Vịt công nghệ cao đã được các Công ty chăn nuôi (như công ty chăn nuôi Cp) đầu tư, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuận theo phương thức chăn nuôi gia công. Đây là phương thức chăn nuôi phù hợp đôi bên cùng có lợi, cùng mang lại hiệu quả, người chăn nuôi cần có diện tích, nhân lực, vốn ban đầu và tuần thủ nghiêm về các quy trình chăn nuôi. Công ty hỗ trợ hoàn toàn kỹ thuật, giống và tiêu thụ sản phẩm. Phương thức hơp tác này sẽ giúp cho người chăn nuôi yên tâm đầu tư để có sản phẩm. Định hướng trong thời gian tới của công ty là tiếp tục hợp tác với các hộ để mở rộng sản xuất, nhất là các huyện có điều kiện phát triển chăn nuôi quy mô lớn (như Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hoà …). Với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã và đang tăng cường công tác quản lý, định hướng cho các cơ sở hộ chăn nuôi đảm bảo phát triển chăn nuôi vịt đúng hướng. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, hướng dẫn điều kiện, quy trình chăn nuôi, kiểm tra các quy trình kỹ thuật về xử lý môi trường, chất thải chăn nuôi để công ty, người chăn nuôi thực hiện đúng việc phát triển chăn nuôi tuân thủ theo Luật Chăn nuôi (có hiệu lực từ 01/01/2020). Đồng thời làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để tăng số hộ đầu tư cho chăn nuôi vịt công nghệ cao, kể cả các hộ chăn nuôi lợn do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu phi để tận dụng hệ thống chuồng trại đã có. Hợp tác với công ty chăn nuôi để giúp cho các hộ chăn nuôi đi đúng định hướng phát triển chăn nuôi của Thành phố. Gắn kết với các công ty, cơ sở giết mổ, tiêu thụ sản phẩm để tạo chuỗi liên kết, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nâng số người sử dụng thịt vịt nhiều hơn để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm giúp cho người chăn nuôi vịt đảm bảo đầu ra hiệu quả, bền vững.

Chắc chắn với sự quan tâm của các cấp, các ngành chăn nuôi vịt công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội sẽ phát triển mạnh hơn nữa./.

Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 13875
Tổng lượng truy cập: 25435431