Mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao giống wagyu tại Ba Vì, Hà Nội
Hà Nội có điều kiện tự nhiên đa dạng với khoảng 150 nghìn héc ta diện tích đất đồi gò, 125 nghìn héc ta đất bãi phù sa, đất ven sông và 35 nghìn héc ta đất đồng bằng, rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò.

Hà Nội có điều kiện tự nhiên đa dạng với khoảng 150 nghìn héc ta diện tích đất đồi gò, 125 nghìn héc ta đất bãi phù sa, đất ven sông và 35 nghìn héc ta đất đồng bằng, rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò. Hiện nay, tổng đàn bò toàn thành phố trên 130 nghìn con, sản lượng đạt khoảng 12 nghìn tấn/năm, song mới chỉ đáp ứng gần 20% nhu cầu thịt bò của người tiêu dùng. Dự kiến, thời gian tới nhu cầu thịt bò tiếp tục gia tăng, đặc biệt là dòng sản phẩm chất lượng cao. Những năm qua, Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách để khuyến khích phát triển chăn nuôi. Trong đó, công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò bằng việc áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo được đặc biệt quan tâm.  Chất lượng đàn bò ngày càng được cải thiện và nâng cao, trọng lượng bình quân bò trưởng thành năm 2000 là 265 kg/con (bò cái) và 365 kg/con (bò đực), đến năm 2010 là 350 kg/con (bò cái) và 450 kg/con (bò đực) và đến năm 2020 là 405 kg/con (bò cái) và 590 kg/con (bò đực). Trình độ chăn nuôi bò lai của nông dân Hà Nội tiến bộ vượt bậc, nổi bật nhất là việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc lai tạo giống, chăm sóc nuôi dưỡng để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngày nay chăn nuôi bò lai đã và đang trở thành ngành sản xuất hàng hoá mang lại lợi nhuận cao.

Hình ảnh: Đồng chí Nguyễn Huy Đăng – PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đi thăm mô hình chăn nuôi bò lai F1 Wagyu vỗ béo tại Tòng Bạt – Ba Vì – Hà Nội

Với chuyên ngành đào tạo là chăn nuôi thú y, năm 2007 anh Đỗ Văn Xuất tham gia khóa đào tạo thụ tinh nhân tạo bò do Trung tâm Phát triển chăn nuôi tỉnh Hà Tây (nay là Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội) tổ chức và được tham gia vào hệ thống dẫn tinh viên từ năm 2008, hàng năm phối giống từ 1.200 đến 1.500 lượt bò cái sinh sản trên địa bàn huyện Ba Vì. Song song với việc làm công tác chuyên môn thì nhà anh Xuất cũng tổ chức chăn nuôi bò và vỗ béo bò thịt từ bê giống sau cai sữa thu mua của các hộ chăn nuôi, sản phẩm bê giống cũng là kết quả phối giống của anh trước đó. Anh Đỗ Văn Xuất cho biết vào năm 2019 anh thu mua và nuôi 10 con bê giống F1 lai Wagyu (đây là giống bò đen nổi tiếng có nguồn gốc của Nhật Bản với thương hiệu bò “Kobe”) để thử nghiệm và theo dõi khả năng sinh trưởng, tính thích nghi của giống bò này trên địa bàn huyện Ba Vì, đến thời điểm tháng 6/2020, 10 con bò F1 Wagyu trên có độ tuổi từ 18 – 22 tháng tuổi, trọng lượng đạt từ 520 – 590 kg (tăng trọng bình quân 800 gram/con/ngày, chỉ sau F1BBB). Với kết quả qua quá trình nuôi và vỗ béo giống bò lai Wagyu của gia đình nhà anh Xuất bước đầu cho thấy giống bò này có khả năng sinh trưởng phát triển tốt tại Hà Nội, đặc biệt thích nghi điều kiện nóng ẩm ở Việt Nam. Theo đánh giá, bò Wagyu có chất lượng thịt ngon, thơm nhẹ, vị béo quyện, mỡ chứa nhiều Omega 3 rất tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy, giá thịt bò Kobe Nhật rất cao, lên tới 5,5 – 8 triệu đồng/kg, trong khi giá thịt bò Kobe sản xuất tại Mỹ, Australia khoảng 2,5 triệu đồng/kg thịt loại 1. Ở Việt Nam, bò lai F1 Wagyu nuôi tại tỉnh Lâm Đồng hiện có giá từ 0,5 - 2,7 triệu đồng/kg.

 
 

Hình ảnh: Trang trại chăn nuôi bò thịt lai F1 Wagyu vỗ béo của hộ gia đình anh Đỗ Văn Xuất

Tuy nhiên, để mô hình vỗ béo bò thịt lai F1 Wagyu mang lại hiệu quả cao hơn, bên cạnh việc tuân thủ quy trình chăn nuôi, người dân cần cải tạo chất lượng giống bò cái nền, khuyến khích nhân giống lai để nâng cao tầm vóc và sản lượng thịt.

Để phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi về con giống và bò thịt chất lượng cao nhất là giống bò Wagyu trên địa bàn Hà Nội, động viên, khuyến khích người dân tăng quy mô đàn, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản suất, thời gian tới Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước để chuẩn hóa quy trình nuôi giống bò lai Wagyu. Trung tâm định hướng xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ thịt bò Wagyu, đồng thời xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá giới thiệu, chuyển giao kỹ thuật đến với người chăn nuôi và người tiêu dùng trong và ngoài thành phố Hà Nội. Chắc chắn, trong tương lai không xa, người tiêu dùng Thủ đô sẽ có cơ hội được thưởng thức món thịt bò Kobe “made in Hà Nội” với giá rẻ hơn so với sản phẩm nhập khẩu./.


Hoàng Kim Vũ - Trung tâm Phát triển Nông nghiệp

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 19719
Tổng lượng truy cập: 25453877