Giá thịt lợn vẫn ở mức cao
Từ tháng 4-2020 đến nay, giá thịt lợn hơi ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam vẫn có xu hướng tăng cao, có thời điểm cán mốc 100.000 đồng/kg và hiện tại vẫn duy trì ở mức hơn 90.000 đồng/kg. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do cung không đủ cầu.
Để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt kéo dài, từ đầu năm 2020 đến nay, 130 doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu 91.703 tấn thịt lợn nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Để thêm nguồn cung cho thị trường, từ cuối tháng 5-2020, Việt Nam chính thức cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, nhưng đến nay giá thịt lợn tại quốc gia này đã tăng hơn 20.000 đồng/kg, nên khi về Việt Nam giá dao động ở mức 81.000 đồng/kg - 84.000 đồng/kg, lãi ít nên doanh nghiệp cũng không “mặn mà”.
Để tăng nguồn cung, phương án đẩy nhanh tốc độ tái đàn đã được tính đến từ lâu, nhưng hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho biết: Đến nay, tổng đàn lợn cả nước là 24,92 triệu con, bằng 79,52% so với trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi (năm 2018). Thời điểm này, việc tái đàn mới tập trung ở 15 doanh nghiệp lớn (chiếm 35% thị phần), còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm 65% thị phần) vẫn e ngại không triển khai.
Về việc tái đàn lợn ở Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Quý I-2020, tổng đàn lợn của thành phố là 1,2 triệu con và hiện nay là 1,3 triệu con, bằng 65,8% so với trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Việc tái đàn rất hạn chế do giá con giống cao và người chăn nuôi lo ngại về bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Là hộ chăn nuôi lợn ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai), bà Phạm Thị Cưa cho biết, giá lợn giống quá cao (hơn 3 triệu đồng/con), trong khi đó bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát nên chưa thể tái đàn. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất lợn giống chủ yếu cung cấp nội bộ và mạng lưới gia công, hạn chế bán ra ngoài nên hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó tiếp cận nguồn giống.
Phân tích thêm nguyên nhân khiến giá thịt lợn cao, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) dẫn số liệu, mỗi quý người tiêu dùng Việt Nam cần 920.000 tấn thịt lợn, nhưng sản xuất và nhập khẩu mới đáp ứng được 810.000 tấn, dẫn đến cung không đủ cầu. Chưa kể, giá thịt lợn cao còn do khâu trung gian "khi chiếm tới 40% giá thành thịt lợn" - ông Dương Thái Trung (Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương) lý giải.
Hóa giải nguồn cung
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi cho rằng, để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu lợn thịt từ các nước lân cận về giết mổ. Mặt khác, có thể nhập khẩu lợn thương phẩm ở các độ tuổi về nuôi làm lợn thịt nếu đáp ứng yêu cầu an toàn dịch bệnh.
Với Hà Nội, để thúc đẩy việc tái đàn lợn ngay thời điểm này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng khẳng định, Hà Nội đang có chủ trương hỗ trợ 5 triệu đồng/nái, các trang trại có đủ điều kiện sẽ được ngành Nông nghiệp hướng dẫn làm thủ tục để tạo thuận lợi cho việc tái đàn và việc này sẽ được triển khai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các địa phương khuyến khích các biện pháp tăng nhanh đàn giống bố mẹ và con thương phẩm để đưa vào nuôi hậu bị, chọn nái bố mẹ, phấn đấu đến cuối năm 2020 tăng nguồn lợn nái lên 170.000 con; đồng thời sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh để người dân yên tâm tái đàn.
Đồng tình với giải pháp này, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết thêm: Để đẩy nhanh tốc độ tái đàn, huyện sẽ triển khai các giải pháp về chính sách tín dụng, mặt bằng, để hỗ trợ người dân duy trì, phát triển sản xuất.
Cùng với những giải pháp trên, để chủ động nguồn cung thịt lợn trong nước, giải pháp an toàn và lâu dài là phải áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh - chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, phát triển các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi lợn để giảm bớt chi phí các khâu trung gian. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) nhận định, việc xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi không chỉ kiểm soát được chất lượng mà còn giảm bớt được các khâu trung gian, làm tăng giá trị sản phẩm 15-20%....
Về lâu dài, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Các địa phương cần từng bước xóa bỏ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, hình thành vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư để đẩy nhanh áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh khâu chế biến, kích cầu tiêu dùng trong nước; tuyên truyền để người dân thay đổi cơ cấu thịt lợn trong bữa ăn hằng ngày.
Những giải pháp trước mắt và lâu dài mà Bộ NN&PTNT cũng như các địa phương đang triển khai không chỉ hướng đến mục tiêu đầu quý IV-2020 bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường, mà còn hướng tới xây dựng, phát triển bền vững ngành chăn nuôi nước ta nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)