Để chăn nuôi gia súc phát triển bền vững
Những năm gần đây, các mô hình chăn nuôi gia súc (trâu, bò) ít xảy ra dịch bệnh và nguồn tiêu thụ rất ổn định, cho thu nhập cao. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các địa phương cần chú trọng xây dựng thương hiệu và nuôi theo hướng an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...
 
                                   Ông Trần Văn Năm ở xã Viên Nội (huyện Ứng Hòa) chăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là người duy trì mô hình chăn nuôi bò 7 năm nay, ông Hoàng Văn Sáng ở xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) cho biết, gia đình ông có tổng đàn 9 con bò. Sau khi được các ngành chức năng hướng dẫn xây dựng chuồng trại hợp lý và phổ biến khoa học kỹ thuật từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của đàn bò sinh sản nên mỗi năm, gia đình ông thu hàng chục triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống.

Còn theo ông Trần Văn Năm ở xã Viên Nội (huyện Ứng Hòa), trang trại của ông nuôi khoảng 260 con trâu, bò thịt. Theo ông Năm, chăn nuôi gia súc lợi nhuận không cao bằng chăn nuôi lợn, nhưng ổn định vì trâu, bò ít xảy ra dịch bệnh, dễ chăm sóc mà vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Với tổng đàn như hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng…

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, từ đầu năm 2020 đến nay, chăn nuôi trâu, bò ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra, đàn bò thịt có xu hướng tăng do nhu cầu lớn. Hiện, tổng đàn trâu của thành phố là 24.500 con, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 130.000 con, tăng 0,8%. Trên địa bàn thành phố đã hình thành 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm tại các huyện: Thanh Oai, Quốc Oai, Ba Vì, Gia Lâm, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ứng Hòa…

Tuy chăn nuôi trâu, bò mang lại hiệu quả nhưng vẫn gặp khó khăn do quy mô nhỏ lẻ, các hộ nuôi vẫn theo hình thức bán chăn thả, chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp nên việc chuyển đổi sang chăn nuôi công nghiệp rất khó. Mặt khác, người dân khó đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, đạt chuẩn do thiếu vốn và thiếu quỹ đất trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi…

Để phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo hướng hiệu quả, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông, trên cơ sở quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, định hướng 2030, huyện Ba Vì phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn với đàn trâu, bò 36.000 con. Huyện cũng phê duyệt quy hoạch vùng trọng điểm chăn nuôi bò thịt tại 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã ven sông; đưa các giống bò cao sản như: Lai Sind, BBB... có năng suất, chất lượng cao vào chăn nuôi.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng khẳng định: Để chăn nuôi gia súc phát triển bền vững, người dân yên tâm duy trì sản xuất tại những xã trọng điểm, Hà Nội hỗ trợ 30% kinh phí cho một con bò cái để làm bò giống (lai Sind; Brahman, Angus, BBB...) - mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/con; 30% kinh phí cho một con bò đực nuôi thành bò thịt (18-24 tháng) các giống BBB, Drouhtmaster… với mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/con.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu thịt bò Hà Nội và chuỗi liên kết ổn định đầu ra; phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản thịt bò sau giết mổ, đa dạng sản phẩm thịt bò qua chế biến, đóng gói, có tem nhãn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận an toàn thực phẩm… Về phía các địa phương, cần quy hoạch, dành diện tích thâm canh trồng cỏ kết hợp bảo quản thức ăn thô xanh, đáp ứng nhu cầu thức ăn quanh năm cho vật nuôi; khuyến khích chăn nuôi công nghiệp; phát triển chăn nuôi trang trại; giảm chăn nuôi thả rông… nhằm dần hình thành những vùng chăn nuôi gia súc tập trung, quy mô lớn.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 21268
Tổng lượng truy cập: 25453877