VAI TRÒ, HIỆU QUẢ MẠNG LƯỚI THÚ Y CƠ SỞ TẠI HÀ NỘI

Là Thủ đô song Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm lớn luôn đứng tốp đầu của cả nước. Đàn gia cầm hiện có khoảng 36 triệu con; đàn lợn khoảng trên 1,3 triệu con (trước khi xảy ra DTLCP có 1,87 triệu con); đàn trâu, bò 153 nghìn con, đàn chó mèo khoảng 470 ngàn con. Đến nay chăn nuôi, thủy sản chiếm 54 % tỷ trọng trong nông nghiệp Hà Nội.

Có được kết quả là sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp các ngành song cũng phải kể đến những đóng góp không nhỏ của mạng lưới thú y cơ sở (thôn, xã, phường, thị trấn …). Hiện tại Hà Nội vẫn giữ nguyên hệ thống thú y xã, phường (kể cả hệ thông thú y thôn, bản) với 579 cán bộ thú y phụ trách xã, phường, 2.181 cán bộ thú y thôn, bản. Hệ thống này trực thuộc quản lý hoạt động chuyên môn theo ngành dọc qua Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố.

 

Cán bộ Thú y cơ sở thực hiên công tác Kiểm soát giết mổ lợn

Vai trò, hiệu quả của mạng lưới thú y cơ sở được thể hiện rõ nét với những nhiệm vụ cụ thể:

Một là: Chủ động tham mưu chính quyền địa phương tổ chức, triển khai và quản lý tốt tình hình dịch bệnh, an toàn thực phẩm trên địa bàn và công tác phát triển chăn nuôi trên địa bàn quản lý. Hàng năm, Thành phố có kế hoạch về phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh thì hệ thống thú y xã phường sẽ là người trực tiếp tham mưu, cụ thể hóa kế hoạch của Thành phố để triển khai có hiệu quả tại địa phương.

Hai là: Hàng ngày trực tiếp giám sát dịch bệnh gia súc gia cầm tại cơ sở, trường hợp phát hiện bệnh trên đàn gia súc gia cầm, cán bộ thú y phải khẩn trương báo cáo ngay chính quyền địa phương, đồng thời tham mưu, đề xuất các giải pháp để khống chế, ngăn chặn dịch bệnh không để lan rộng. Đây là công việc thường nhật của người chuyên môn, ở những nơi có số lượng gia súc gia cầm lớn, việc giám sát dịch gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, số hộ chăn nuôi lớn. Có trường hợp người chăn nuôi thiếu ý thức khi có gia cầm chết không thực hiện tốt việc khai báo, thậm trí mang xác gia súc, gia cầm chết vứt ra kênh, mương, bãi rác thì cán bộ chuyên môn lại trực tiếp ra tay xử lý, chôn hủy. Cũng do tập quán, thói quen, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, người chăn nuôi chưa có thói quen khai báo chăn nuôi nên việc thống kê, nắm bắt các thông tin, quản lý chăn nuôi trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Ba là: Trực tiếp thực hiện thống kê đàn gia súc gia cầm, số lượng hộ chăn nuôi để cặp nhật thông tin, xây dựng kế hoạch giúp cho chính quyền địa phương. Trực tiếp triển khai tiêm phòng số gia súc gia cầm hiện có (kể cả tiêm phòng đại trà, tiêm phòng bổ sung). Tổng tẩy uế môi trường, khám chữa bệnh cho đàn gia súc gia cầm tại địa phương. Tùy thuộc số lượng đàn gia súc, địa hình, địa bàn, có xã ở vùng sâu, vùng xa, phương tiện đi lại không thuận tiện, cán bộ thú y phải kéo dài đợt tiêm phòng vài ngày đến vài tuần. Những vùng sâu, vùng xa, tập quán chăn nuôi còn lạc hậu phải vận động người dân thực hiện việc tiêm phòng để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Việc giam sát, xác định dịch bệnh cũng là việc khó khăn đối với mỗi cán bộ kỹ thuật cơ sở do điều kiện phương tiện kỹ thuật, dụng cụ lấy mẫu chưa được trang bị đầy đủ, kịp thời.

Bốn là: Khi có dịch, cán bộ thú y cơ sở trực tiếp áp dụng các biện pháp vừa chống dịch, vừa áp dụng ngay những biện pháp ngăn chặn không để dịch lây lan rộng. Cùng lực lượng thú y cấp trên lấy mẫu gửi cơ quan xét nghiệm, chẩn đoán bệnh, đồng thời hướng dẫn tiêu hủy ngay số gia súc gia cầm bệnh, khi có kết quả xét nghiệm thì tổ chức các phòng bệnh hoặc tiêu hủy theo quy định. Tham gia làm thành viên Ban chỉ đạo, tổ tiêu hủy, tổ giúp việc thì cán bộ thú y sẽ là người trực tiếp và chịu trách nhiệm về chuyên môn (xác định vị trí tiêu hủy, đào hố, chuẩn bị vôi bột, hóa chất, thuốc sát trùng, phương tiện vận chuyển phục vụ cho tiêu hủy …). Giám sát số lượng, trọng lượng, loại gia súc, gia cầm chết để hỗ trợ người dân theo chính sách của nhà nước đúng quy định, tránh thất thoát, lợi dụng chính sách của nhà nước để trục lợi.

Hướng dẫn, tham gia thực hiện ngay các biện pháp khống chế, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng như tổ chức tiêm phòng bao vây xung quanh ổ dịch, vùng dịch cho đàn gia súc gia cầm khỏe mạnh, lập chốt kiểm dịch, tổng tẩy uế môi trường toàn khu vực.

Năm là: Thực hiện và phối hợp thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn. Đây là những công việc gặp không ít khó khăn, gian nan với nghề bởi đặc thù công tác kiểm soát giết mổ phải thực hiện vào ban đêm (thường từ 22h hôm trước đến 5h sáng hôm sau), cho dù thời tiết khí hậu khắc nghiệt đến đâu (mưa, rét, gió, bão …) vẫn phải thực hiện để đảm bảo cho người dân, người tiêu dùng có sản phẩm động vật sử dụng hàng ngày. Hà Nội giáp với nhiều tỉnh thành, số lượng gia súc gia cầm giết mổ lớn để cung cấp thực phầm cho trên 10 triệu người dân nên lượng cán bộ thú y cơ sở chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này lớn, với hàng trăm người hàng ngày.

Những năm qua ngành thú y Hà Nội nói chung, mạng lưới thú y cơ sở nói riêng đã thông tin, phối hợp tốt với hệ thống thú y các tỉnh thành phố trong công tác kiểm dịch vận chuyển, đảm bảo việc xuất, nhập gia súc gia cầm đều có sự kiểm soát, những trường hợp vi phạm đã được xử lý kip thời.

Sáu là: Tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, một công việc chuyên môn đơn thuần nhưng làm thế nào để nâng cao nhận thức cho người dân về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh thì không đơn giản chút nào do tập quán, thói quen, phương thức chăn nuôi hiện còn nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ còn cao (khoảng 60 %); Đòi hỏi người cán bộ thú y phải chắc chuyên môn, có thực tế để tuyên truyền người dân rễ nghe, rễ hiểu, thậm trí thực hiện phương pháp “cầm tay chỉ việc” để người dân ứng dụng có hiệu quả. Đến nay việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đi đôi với công tác phòng chống dịch bệnh đã được mạng lưới thú y cơ sở chuyển giao tốt được người dân tin tưởng.

Hiện nay việc tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm, Luật Thú y, Luật Chăn nuôi (có hiệu lực từ 01/01/2020) đã và đang được mạng lưới thú y cơ sở đẩy mạnh bằng nhiều hình thức vào thực tiễn sản xuất góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi phát triển,

Bảy là: Trực tiếp quản lý chăn nuôi, quản lý dịch bệnh trên địa bàn quản lý, cập nhật thông tin, báo cáo với ngành dọc và chính quyền địa phương. Tham gia quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tham gia cùng các ngành liên quan, các đoàn kiểm tra về sản xuất nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Đối với các quận nội thành hiện nay việc nuôi chó cảnh, thú cảnh nhiều thì lực lượng thú y các phường đang tích cực tham gia cùng chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong công tác quản lý chó nuôi, ngăn ngừa bệnh dại, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại.

Tuy nhiên mạng lưới thú y cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, vất vả do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ. Toàn thành phố có tới 738 cơ sở, diểm giết mổ, trong đó chỉ có 07 cơ sở giết mổ công nghiệp, 58 cơ sở bán công nghiệp; 673 cơ sở giết mổ thủ công đỏi hỏi lực lượng thú y trong đó có lực lượng thú y xã, phường, thị trấn phải thực hiện. Nhiệm vụ nay vừa vất vả vửa trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe nếu chủ quan lơ là không thực hiện tốt các biện pháp phòng hộ sẽ rất dễ lây nhiệm bệnh giữa người va động vật. Trang thiết bị, bảo hộ công lao động hiện tại đã được Thành phố quan tâm song chưa đáp ứng với yêu cầu công việc. Ở một số địa phương lãnh đạo chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, giao phó cho cán bộ thú y thực hiện thiếu kiểm tra đôn đốc nên hiệu quả hoạt động chuyên môn còn thấp. Một số thú y cơ sở chưa thật sự tâm huyết, gắn bó với nghề, thụ động trọng công việc, tay nghề yếu phần nào ảnh hưởng đến kết quả chung. Bên cạnh đó trên địa bàn cả nước thời gian qua, hệ thống thú y có nhiều biến động, bị thay đổi nhanh, mạnh và không đồng bộ, nhất là tại cấp tỉnh, huyện, xã, thôn bản. Chế độ đãi ngộ, công, phụ cấp cho người lao động chưa ổn định nên hệ thống thú y cơ sở cũng chưa thật sự yên tâm để cống hiến, gắn bó, tâm huyết với nghề. Những khó khăn, bất cập trên cũng chính là nguyện vọng, đề xuất của cán bộ thú y cơ sở với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thành phố quan tâm chỉ đạo.

Dự báo thời gian tới dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh truyền lây giữa người và động vật xu thế gia tăng, nguy cơ bùng phát cao (như Cúm gia cầm; Tai xanh, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi, Dại, Liên Cầu khuẩn ở Lợn, Cúm A/H7N9, Cúm lợn …) càng đòi hỏi lực lượng cán bộ thú y cơ sở phải sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ. Phát huy kết quả đạt được thời gian tới ngành Thú y Hà Nội tiếp tục tham mưu Thành phố giữ nguyên hệ thống mạng lưới thú y cơ sở, đồng thời nâng cao năng lực chuyên ngành. Tiếp tục đề xuất Thành phố tăng cường đầu tư trang thiết bị chuyên ngành để mạng lưới thú y cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu tốc độ phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn Thành phố./.

Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 20477
Tổng lượng truy cập: 25453877