Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm), xã có 226ha rau an toàn, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường 30-40 tấn rau các loại. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, nếu rau không được tưới đủ nước rất dễ cháy lá, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, có thể giảm năng suất 20-30% so với thời tiết bình thường. “Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, Hợp tác xã đã khuyến cáo người dân tích cực chăm sóc rau, hộ nào có điều kiện thì làm nhà lưới hoặc làm vòm che bằng ni lông chống nóng cho rau”, ông Nguyễn Văn Minh cho biết thêm.
Tại những vùng trồng cây ăn quả, nông dân cũng đang nỗ lực bảo vệ cây trồng trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Bà Hoàng Thị Nhung, xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) cho biết: “Gia đình tôi có 2ha trồng bưởi Diễn đang đậu quả, thời tiết nắng nóng kéo dài, nếu không chăm sóc, bảo vệ tốt, bưởi sẽ bị rám vỏ, rụng quả, lá khô cháy. Vì vậy, tôi đang mua vật liệu để bọc quả kết hợp hằng ngày tưới nước 2 lần vào sáng sớm và chiều mát”.
Tương tự, với các hộ chăn nuôi, việc chống nóng cho đàn vật nuôi cũng được đặc biệt ưu tiên. Theo ông Nguyễn Hưng Thỉnh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ), để chống nóng cho đàn lợn thương phẩm 200 con, Hợp tác xã đã đầu tư lại hệ thống mái chuồng bằng tôn lạnh, trồng thêm cây xanh tạo bóng mát. Ngoài ra, Hợp tác xã còn lắp quạt thông gió, yêu cầu công nhân thường xuyên rửa chuồng nuôi, tắm cho đàn lợn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều.
Ông Nguyễn Mạnh Hà ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cho biết, gia đình ông đang nuôi 17 con bò sữa. Đàn bò là sản nghiệp của cả gia đình ông nên những ngày nắng nóng cao điểm, việc chăm sóc đàn bò được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh việc chủ động nguồn thức ăn xanh, thức ăn tinh, gia đình ông đầu tư thêm hệ thống phun sương, tạo độ mát cho chuồng trại.
Để hạn chế tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng đến các loại cây trồng, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khuyến cáo: Đối với cây rau màu, người dân nên phủ rạ mặt ruộng, làm giàn che lưới đen; thường xuyên duy trì nước trong rãnh giữa các luống để làm mát đất. Đối với cây ăn quả, cây công nghiệp, cần tiến hành tưới nước ẩm hằng ngày hoặc ít nhất 2-3 ngày/lần. Khi tưới nước, nông dân cần thực hiện vào sáng sớm hoặc chiều mát, tuyệt đối không tưới cây giữa trưa nắng vì cây có thể bị chết do chênh lệch nhiệt hoặc khúc xạ nhiệt.
Nhằm bảo vệ vật nuôi trong những ngày nắng nóng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân cải tạo chuồng trại, che phủ mái bằng vật liệu chống nắng, tạo thoáng mát cho chuồng trại, sử dụng quạt làm mát, thông gió, lắp đặt hệ thống phun sương tạo độ ẩm; thường xuyên cung cấp đủ nước sạch cho đàn gia súc, gia cầm; giảm thức ăn giàu năng lượng, tăng thức ăn có nhiều vitamin, khoáng chất, điện giải. Đối với đại gia súc cần tăng lượng thức ăn thô xanh. Không chăn thả gia súc, gia cầm, trong thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao... Đây là những biện pháp hữu hiệu để bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả như mong muốn.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)