Chăn nuôi an toàn sinh học: Hướng đến phát triển bền vững
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học không chỉ kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, mang lại lợi ích cho người chăn nuôi mà còn góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Thủ đô năm 2020 đạt hơn 4,2%. Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi an toàn sinh học một cách bền vững thì cần hướng tới việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học góp phần mang lại lợi ích bền vững cho người chăn nuôi. Ảnh: Cao Thắng

Lợi ích đã rõ nhưng chưa thể nhân rộng

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh có khả năng gây hại đến con người, gia súc, gia cầm và môi trường nuôi. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 100 trang trại, doanh nghiệp triển khai theo hướng này; mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn thịt lợn, hàng trăm nghìn tấn thịt gà an toàn.

Bà Cấn Thị Quy, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm ở xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: "Từ khi áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, dịch bệnh đã không xảy ra với đàn gà (trong đó có hơn 1.000 con gà thương phẩm) tại trang trại của tôi. Mỗi năm, trang trại bán hơn 60 tấn thịt gà cho các cửa hàng tiện ích, siêu thị trên địa bàn thành phố... Số còn lại, thương lái thu mua với giá ổn định, 80.000-90.000 đồng/kg".

Còn ông Nguyễn Hồng Nhiên ở xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh) cho biết, với quy mô 200 con lợn nái và 2.000 con lợn thương phẩm, trung bình mỗi tháng trang trại của gia đình ông xuất bán 200 con lợn thịt ra thị trường và 1.000 con lợn giống cho các hộ dân trên địa bàn. “Trong thời điểm bùng phát bệnh Dịch tả lợn châu Phi, trang trại của gia đình tôi chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học nên không bị tác động, mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường”, ông Nguyễn Hồng Nhiên nói.

Đánh giá về mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hà Tiến Nghi cho rằng, áp dụng mô hình này giúp kiểm soát được dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, chất thải chăn nuôi cũng được xử lý hiệu quả hơn thông qua chế phẩm sinh học, góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, ông Hà Tiến Nghi thừa nhận một thực tế là, chăn nuôi an toàn sinh học ở Hà Nội chưa mang lại kết quả như mong muốn. Bởi, chăn nuôi nông hộ vẫn manh mún, nhỏ lẻ nên mới triển khai ở dạng các mô hình, chưa thể nhân rộng, phát triển quy mô lớn. Trong khi đó, người chăn nuôi vẫn nếp làm việc theo thói quen, kinh nghiệm đã có nên không tích cực tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khi bị “khép” vào những quy trình, quy định bắt buộc thì tỏ ra lúng túng...

Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, từ xây dựng chuồng trại khép kín đến khu xử lý môi trường... Đồng thời, việc tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến giá cả, tiêu thụ sản phẩm làm ra… Điều này gây khó khăn cho việc nhân rộng, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Xây dựng những vùng chăn nuôi an toàn

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn xây dựng chuồng trại đồng bộ, khép kín sẽ góp phần phát triển chăn nuôi an toàn. Ảnh: Sơn Hà

Thực tế cho thấy, Hà Nội là một thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn nên dư địa cho phát triển chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học còn rất lớn. Việc quan trọng là các địa phương cần xác định lợi thế để có định hướng phát triển phù hợp, tránh làm ồ ạt.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, có hai việc được huyện đặc biệt quan tâm trong thời gian tới là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn xây dựng chuồng trại đồng bộ, khép kín; thúc đẩy xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm.

Còn dưới góc độ người chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Hưng, chủ trang trại chăn nuôi an toàn sinh học ở xã Vân Tảo (huyện Thường Tín) kiến nghị, các cấp, ngành liên quan cần có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi; tạo điều kiện cho nông dân đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi cũng như tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn, bền vững.

Ở góc nhìn tổng thể hơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn phức tạp, Hà Nội cần thực hiện tốt việc quản lý chăn nuôi. Tiếp đến là thúc đẩy tái cơ cấu ngành chăn nuôi; loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, từng bước xây dựng các vùng chăn nuôi theo hướng tập trung, có khả năng bảo đảm các quy trình kỹ thuật, vệ sinh thú y...

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thông tin: Nhằm hạn chế phát sinh mầm bệnh và kiểm soát chất lượng sản phẩm, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học, phấn đấu đến cuối năm nay có thêm 10-15 cơ sở chăn nuôi theo hướng này. Đặc biệt, thành phố sẽ từng bước hình thành vùng chăn nuôi an toàn tập trung, quy mô lớn để kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển đàn gia súc, gia cầm một cách bền vững.

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học không chỉ góp phần tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt mục tiêu hơn 4,2% trong năm 2020, mà còn phù hợp với xu thế phát triển của chăn nuôi hiện đại; đồng thời mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9547
Tổng lượng truy cập: 25479348