Ba Vì: Tập trung phát triển vùng chăn nuôi bò, gà đồi
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, do đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn, vừa có buổi đi kiểm tra tại huyện Ba Vì.

Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, do đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn, vừa có buổi đi kiểm tra tại huyện Ba Vì.

Trước khi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cùng đoàn kiểm tra đã đến thăm, kiểm tra mô hình nuôi đà điểu tại trang trại của anh Ngô Quang Nam, thôn Hòa Trung, xã Vân Hòa, có quy mô nuôi trên 4.000 con đà điểu. Cùng với phát triển ngành chăn nuôi bò sữa, bò thịt đã trở thành “thương hiệu” của Ba Vì, trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện cũng đang phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi đà điểu, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, toàn huyện có hơn 200 hộ nuôi đà điểu, quy mô hàng chục nghìn con, tập trung nhiều nhất tại các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Ba Trại…

Nhận định đây là mô hình rất phù hợp với đặc thù, lợi thế của địa phương và đem lại giá trị kinh tế cao, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị lãnh đạo huyện Ba Vì khuyến khích, tạo điều kiện nhân rộng mô hình này trên địa bàn gắn với kế hoạch, quy hoạch bài bản từ hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm thịt đà điểu, chăn nuôi gắn với chế biến, phát triển dịch vụ ăn uống, vui chơi, du lịch trên địa bàn...

Báo cáo với Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và đoàn kiểm tra về kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU trên địa bàn huyện Ba Vì, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Mạnh Hưng cho biết, tính đến nay, toàn huyện có 18/30 xã hoàn thành xây dựng NTM. Năm 2020, huyện phấn đấu có thêm 5 xã về đích NTM, 7 xã còn lại dự kiến hoàn thành trong năm 2020-2021. Đối với tiêu chí của huyện NTM, đến nay Ba Vì có 6 tiêu chí đạt (quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, an ninh trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng NTM) và 3 tiêu chí cơ bản đạt (y tế, văn hóa, giáo dục; sản xuất; môi trường).

Về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến hết năm 2019, huyện Ba Vì có 9 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó, có 6 sản phẩm đạt 4 sao. Năm 2020, với mục tiêu có từ 16-20 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, huyện Ba Vì đã tích cực chỉ đạo thực hiện nội dung này, đến nay có 11 chủ thể với 20 sản phẩm đã đăng ký, xếp hạng.

Kết luận buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận quyết tâm của huyện trong công tác xây dựng NTM. Mặc dù kinh tế còn khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ, lại có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy, những kết quả về xây dựng NTM, huy động nguồn lực, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế... là sự cố gắng lớn của huyện.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của 18 huyện thì Ba Vì còn phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, huyện cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhất là chăn nuôi bò thịt, bò sữa, đà điểu, gà đồi... để tận dụng tiềm năng, thế mạnh của huyện. Cùng với đó, rà soát, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giá trị kinh tế cao. Đồng chí gợi ý, ngoài cây trồng truyền thống là cây chè, huyện cần rà soát để phát triển thêm các loại cây công nghiệp, cây ăn quả ở vùng đồi gò.

Huyện cũng cần duy trì, giữ vững đối với 18 xã đã đạt chuẩn NTM; tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 5 xã hoàn thành NTM trong năm nay. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng cho rằng, Ba Vì là địa phương có thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, do vậy, huyện cần đăt mục tiêu cao hơn, phấn đấu có từ 25-30 sản phẩm OCOP được công nhận trong năm nay.

Trưởng đoàn kiểm tra cũng đặc biệt lưu ý Ba Vì tập trung công tác rà soát quy hoạch, trên cơ sở đó hình thành các vùng sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn gắn với quy hoạch, phát triển ngành du lịch của huyện. Cùng với đó, làm tốt công tác quản lý sau quy hoạch, nhất là quản lý đất đai, quản lý rừng. Huyện cũng phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân; quan tâm vấn đề môi trường, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sạch, đẹp. Đặc biệt, tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ; quan tâm đến những hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.



Nhóm PV

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9592
Tổng lượng truy cập: 25479348