Khai thác địa hình trũng thấp ở Ứng Hòa
Huyện Ứng Hòa đã hình thành vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản, cho giá trị vượt trội so với trồng lúa, khi khai thác địa hình trũng thấp. Tuy nhiên, để giá trị nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi trong giai đoạn 2020-2025 chiếm 80% giá trị kinh tế nông nghiệp như mục tiêu đặt ra của huyện, Ứng Hòa cần phải nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi.

 

Nuôi trồng thủy sản đang trở thành thế mạnh của huyện Ứng Hòa.

Là hộ có thâm niên gần 20 năm nuôi trồng thủy sản, ông Lê Văn Tín ở thôn Ngọc Động, xã Phương Tú chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn một héc ta ao nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi đơn tính… Mỗi năm, gia đình tôi thu khoảng 20 tấn cá, lợi nhuận đạt gần 300 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa...”.

Tương tự gia đình ông Lê Văn Tín, 250 hộ dân ở xã Phương Tú cũng đã chuyển 218ha đất trũng thấp, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, tạo thành vùng chuyên canh lớn của huyện Ứng Hòa.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phương Tú Nguyễn Văn Cường, nuôi trồng thủy sản đang là thế mạnh của địa phương, đóng góp hơn 60% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã. Thời gian tới, nếu huyện và thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, xã sẽ chuyển toàn bộ diện tích đất trũng còn lại sang nuôi trồng thủy sản...

Không riêng Phương Tú, các xã: Tảo Dương Văn, Hòa Lâm, Đại Hùng, Đông Lỗ, Đại Cường, Kim Đường, Trung Tú, Đồng Tân, Trầm Lộng... cũng đã quy hoạch và chuyển đổi 3.418ha diện tích trũng thấp, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, thâm canh kết hợp chăn thả vịt.

Theo đánh giá của đại diện Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, so với các lĩnh vực canh tác khác thì nuôi trồng thủy sản cho giá trị cao nhất (trung bình mỗi héc ta trồng lúa, rau màu cho giá trị 104 triệu đồng, trồng cây ăn quả 308 triệu đồng, còn nuôi trồng thủy sản đạt tới 470 triệu đồng). Hiện, Ứng Hòa còn hơn 1.000ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả có thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản, song do khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất nên huyện chưa thể triển khai.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, Ứng Hòa có hai dòng sông Nhuệ và Đáy chảy qua. Đây là những công trình thủy lợi quan trọng làm nhiệm vụ tiêu úng và cấp nước phục vụ sản xuất trên địa bàn. Tuy nhiên hiện nay, nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nghiêm trọng, không đủ điều kiện phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, các hộ nuôi trồng thủy sản phải đầu tư hệ thống xử lý nguồn nước sông Nhuệ trước khi đưa vào ao nuôi... Cũng do sông Nhuệ thường xuyên thiếu nước vào mùa kiệt nên các hộ nuôi trồng thủy sản ở đây buộc phải khoan giếng để cấp cho ao nuôi. Thực tế này làm tăng chi phí sản xuất và tạo ra các nguy cơ cao ô nhiễm nguồn nước ngầm...

Khắc phục tình trạng trên, huyện Ứng Hòa đã đề xuất Sở NN&PTNT tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình đầu mối và hệ thống kênh dẫn nước Trạm bơm Thái Bình; cải tạo, nạo vét một số tuyến kênh dẫn nước từ sông Đáy cấp cho diện tích nuôi trồng thủy sản, thay thế nguồn nước sông Nhuệ...

Để khắc phục, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Sở đã hoàn thành công tác khảo sát, lập dự án và được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, bố trí hơn 61 tỷ đồng thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình thủy lợi do huyện Ứng Hòa đề xuất. Dự kiến, tháng 9-2020, Sở sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, phấn đấu trong năm 2021 hoàn thành dự án này
Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9584
Tổng lượng truy cập: 25479348