Tiếp sức cho chăn nuôi trang trại
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã tác động lớn đến sản xuất của các trang trại chăn nuôi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung thịt lợn trên thị trường biến động thời gian qua.

Quy mô đàn lợn giảm 30 – 50%

Tính đến tháng 5/2020, cả nước có 9.924 trang trại chăn nuôi lợn (bằng 25% tổng số trang trại nông nghiệp trên toàn quốc). Từ năm 2017 đến nay, chăn nuôi lợn quy mô trang trại chịu tác động của một chuỗi các khủng hoảng, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. Số trang trại chăn nuôi lợn hiện nay đã giảm 4.557 trang trại (30,8%). Trong tổng số 9.924 trang trại còn duy trì chăn nuôi lợn, quy mô đàn qua rà soát cũng đã giảm từ 30 - 50%.

Chăn nuôi trang trại thường có quy mô đàn trung bình cao gấp từ 4 - 6 lần loại hình chăn nuôi gia trại. Chính vì vậy, sự giảm sút về quy mô đàn lợn của các trang trại đã khiến gia tăng tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trên thị trường kéo dài trong suốt thời gian qua.

 

Chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Phạm Hùng

Cũng theo tính toán, một trang trại có quy mô trung bình 100 nái và 700 - 1.000 đầu lợn thịt/năm đã phải chịu tổn thất từ 2 – 3 tỷ đồng từ chuỗi các khủng hoảng kéo dài từ năm 2017 đến nay. Có thể kể tới một số nguyên nhân tác động chính như: Giá lợn sụt giảm, ảnh hưởng của dịch tả châu Phi và mới đây nhất là dịch Covid-19. Tình trạng nợ thức ăn chăn nuôi, công lao động và lãi vay tín dụng… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của chăn nuôi lợn quy mô trang trại.

Hướng tới chăn nuôi bền vững

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nguy cơ dịch tả lợn châu Phi hiện còn rất cao. Thêm vào đó, trải qua các khủng hoảng, 70 - 80% các trang trại hiện thiếu vốn trầm trọng để tái sản xuất. Nợ tín dụng chưa trả được nên không vay mới được ở các ngân hàng, trong khi nhu cầu vay trung bình để phục hồi sau dịch tả lợn châu Phi trung bình lên tới 1 tỷ đồng/trang trại.

Mặc dù các trang trại đang đứng trước nhiều khó khăn, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, khủng hoảng cũng là cơ hội để các trang trại chăn nuôi lợn rà soát, đánh giá lại điểm mạnh, điểm yếu. Từ đó, có định hướng, cấu trúc lại sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả và phát triển bền vững.

Để vực dậy chăn nuôi lợn trang trại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, TP tiếp tục tạo điều kiện để các trang trại thụ hưởng các gói chính sách hỗ trợ vượt qua dịch bệnh của Chính phủ. Trong đó, tập trung vào khoanh, giãn nợ; miễn thuế và tiếp cận tín dụng.

Cùng với đó, hệ thống chăn nuôi, thú y, khuyến nông, chính quyền cơ sở ở các địa phương cần thắt chặt kiểm tra và hỗ trợ an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Khuyến cáo các trang trại áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn để hạn chế lây nhiễm dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, chăn nuôi lợn quy mô trang trại chiếm thị phần cung đáng kể sản phẩm ra thị trường, đáp ứng nhu cầu sản lượng thịt trong nước. Do đó, việc tập trung hỗ trợ khu vực kinh tế này tái đàn hiệu quả, gắn với cơ cấu lại chăn nuôi theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, an toàn dịch bệnh đóng vai trò hết sức quan trọng đối với mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi lợn hiệu quả, bền vững.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 155 xã thuộc 20 tỉnh, TP. Tổng đàn lợn bị tiêu hủy khoảng 4.000 con. Trước diễn biến trên, Bộ đã có công văn đề nghị các tỉnh, TP tập trung nguồn lực để thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống; tránh tình trạng chủ quan, lơ là khiến dịch bệnh tái phát, lan rộng.

Báo Kinh tế đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9929
Tổng lượng truy cập: 25479348