Số liệu trên là kết quả rà soát 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 4/3/2005, của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố có 30.840ha mặt nước có thể phát triển nuôi trồng thủy sản gồm ao, hồ, sông, ruộng trũng... Trong đó, tổng diện tích mặt nước đã đưa vào nuôi trồng thủy sản là 22.900ha; ước tính sản lượng đạt 124.200 tấn/năm với giá trị sản xuất ước đạt 4.347 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, điểm sáng trong áp dụng công nghệ mới trên địa bàn thành phố đó là: Ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo các đối tượng cá nuôi bằng cách sử dụng kích dục tố như HCG, LRHa, Dom... giúp chủ động được con giống, nâng cao sản lượng cá giống. Ứng dụng công nghệ vi sinh trong quá trình xử lý môi trường nước trong ao nuôi giúp hạn chế thay nước như trước đây, tránh được nguy cơ tiềm ẩn về lây lan phát tán dịch bệnh nguy hiểm. Đồng thời, giảm chi phí cho vụ nuôi, giảm và dẫn tới hạn chế tối đa sử dụng thuốc, hóa chất xử lý môi trường, ngăn ngừa triệt để tồn lưu dư lượng kháng sinh trên sản phẩm thủy sản.
Cũng theo ông Nguyễn Huy Đăng, những mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong lĩnh vực nuôi trồng thủy được các ngành chức năng đánh giá hiệu quả, làm cơ sở để người dân nhân rộng trong nuôi trồng thủy sản về lâu dài. Trong đó, đáng chú ý là công nghệ sử dụng máy quạt nước trong các ao nuôi làm tăng hàm lượng ô xy trong ao đã được áp dụng trên 2.500ha nuôi thủy sản giúp cá nuôi ổn định về sức khỏe, giảm thiệt hại do việc thiếu ô xy hòa tan trong ao nuôi.
Ngoài ra, một số mô hình phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ sinh học như: Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản để hạn chế thay nước; ứng dụng công nghệ lọc sinh học (biofloc) trong nuôi thâm canh; nuôi thâm canh thủy sản ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ nước chảy, công nghệ chọn lọc giới tính; nuôi theo VietGAP, hữu cơ; nuôi kết hợp cá - lúa, tôm - lúa... hỗ trợ thông qua kênh khuyến nông được triển khai thường xuyên và ngày càng phát triển. Trong đó, giai đoạn 2010-2015, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 518,6ha mô hình nuôi thâm canh cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, chiếm 5% diện tích có khả năng nuôi thâm canh là 9.634ha, gồm 502ha nuôi cá thâm canh cá truyền thống tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín; còn lại là các mô hình nuôi các đối tượng đặc sản như: Cá trắm đen, trắm giòn, chép giòn, diêu hồng. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 21 mô hình tiêu biểu với tổng diện tích 56ha với các loại cá: Trắm cỏ, rô phi, vược, lăng, chép và một số loại thủy sản khác như ba ba, tôm càng xanh, ếch…
Thanh Bình
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)