Trang trại nuôi cá, kết hợp nuôi vịt của gia đình ông Lê Văn Trẻo ở thôn Châu Mai (xã Liên Châu) là một trong những mô hình điểm của Hà Nội về ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản. “Năm 2013, tôi bắt đầu vay vốn đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi vịt, cá, đến nay đã có quy mô gần 10ha. Từ việc đầu tư công nghệ chăn nuôi khép kín với hệ thống máy sục oxy, máy trộn thức ăn, các loại chế phẩm sinh học xử lý chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải… trang trại phát triển ổn định, mỗi năm bán ra thị trường hơn 4 triệu quả trứng vịt và gần 100 tấn cá các loại, trừ các khoản chi phí, thu về hơn 700 triệu đồng”, ông Lê Văn Trẻo chia sẻ. Ngoài ra, mô hình của gia đình ông Trẻo còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ với thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Theo Chủ tịch UBND xã Liên Châu Đào Quang Huệ, xã đã chuyển đổi hơn 120ha ruộng trũng ở các thôn: Từ Châu, Châu Mai sang phát triển các mô hình trang trại kết hợp thả cá, chăn vịt, trồng cây ăn quả. Hiện nay, Liên Châu có đàn thủy cầm lớn nhất huyện (hơn 80.000 con). Riêng thôn Châu Mai, hơn 100 hộ chăn nuôi vịt, có trang trại nuôi tới 5.000-6.000 con vịt đẻ. Năm 2017, sản phẩm “Trứng vịt Liên Châu” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Hiện tại, các trang trại nơi đây đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với hệ thống chuồng, trại hiện đại, xử lý môi trường an toàn...
Tương tự, tại xã Cao Dương, theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Cao Dương, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thời gian qua, UBND xã Cao Dương đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên diện tích 18ha. Hiện toàn xã có 12 trang trại phát triển mô hình nuôi thủy sản tập trung. Nhiều trang trại được xây dựng quy mô lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng… Ngoài ra, xã còn có dự án lai tạo bò BBB với hơn 300 con bò giống. “Bê lai BBB sinh ra có trọng lượng to hơn bê lai Sind, dễ nuôi, tăng trọng nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao. Sau khi nuôi 12 tháng, giá bán bò BBB cao hơn bò lai thông thường từ 8 đến 10 triệu đồng/con” - bà Nguyễn Thị Nhung ở xã Cao Dương cho biết.
Ngoài những mô hình nêu trên, nhờ tích cực chuyển đổi, đến nay, Thanh Oai đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình nuôi cá trắm, cá chép lai theo công nghệ vi sinh không thay nước ở các xã: Thanh Mai, Tân Ước, Liên Châu; mô hình nuôi cá chép theo hướng hữu cơ ở xã Hồng Dương; mô hình nuôi cá rô phi đồng nguồn gốc Philippines ở xã Thanh Thùy... Các mô hình chăn nuôi này cho thu nhập trung bình từ 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/mô hình.
Nhằm tiếp tục nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn, huyện căn cứ vào quy hoạch cụ thể từng vùng để xây dựng các mô hình. Đặc biệt, huyện tiếp tục chuyển đổi vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản… Để tạo tiền đề cho các vùng phát triển, Thanh Oai tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, dành quỹ đất xây các nhà máy sơ chế/chế biến nông sản.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)