Về vấn đề này, bà Đặng Thị Tươi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết, ngay sau khi có ổ dịch cúm gia cầm, huyện đã chỉ đạo các đơn vị quyết liệt xử lý nhanh gọn, không để dịch lây lan diện rộng; đồng thời, chính quyền địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn vịt đẻ, gà đẻ tại các khu chuồng nuôi tách biệt, nếu có biểu hiện ốm, chết nghi do cúm gia cầm thì lập tức tiêu hủy. "Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã cấp 200kg hóa chất Hankon WS và 100.000 liều vắc xin để huyện bao vây và phun khử trùng tiêu độc ổ dịch", bà Tươi thông tin.
Nhận định về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trong thời gian tới, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Nguy cơ tái phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất cao do ảnh hưởng của thời tiết; việc tái đàn, tăng đàn lợn, đàn gia cầm ở các hộ dân đang gia tăng. Các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra nhỏ lẻ, hầu hết xảy ra trên đàn gia cầm thương phẩm...
Hiện nay, tổng đàn gia cầm của thành phố rất lớn (33,5 triệu con), chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao (chiếm hơn 60% tổng số hộ chăn nuôi). Ngoài ra, nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm còn hạn chế… Mục tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2020 đạt từ 4,12% trở lên, trong đó lĩnh vực chăn nuôi đạt mốc tăng trưởng 7,47%. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng đó là làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Theo ông Nguyễn Duy Đáng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thạch Thất: Hiện tổng đàn gia cầm của huyện là 1,1 triệu con; đàn lợn 70.305 con; đàn trâu, bò 7.458 con. Để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, huyện đã tổ chức 3 đợt tổng vệ sinh tiêu độc môi trường, phòng, chống dịch bệnh và phun thuốc diệt ruồi, côn trùng mùa nắng nóng. Huyện cũng yêu cầu các xã giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý, bao vây, khống chế, không để dịch lây lan; quản lý chặt chẽ việc tái đàn lợn; áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh để hạn chế dịch bệnh...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở tiếp tục chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội phối hợp với các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong mùa hè, nắng nóng; đôn đốc kiểm tra, giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm, báo cáo, khoanh vùng và xử lý kịp thời khi có ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra. Các huyện triển khai tốt đợt tiêm phòng đại trà và bổ sung hằng tháng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 80% tổng đàn trở lên và lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng để đánh giá hiệu quả tiêm phòng; giám sát lưu hành của vi rút; triển khai công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường… nhằm hạn chế mầm bệnh phát sinh.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)