Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội: Một giải pháp tái cấu trúc ngành Chăn nuôi (25/09/2013)
Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi theo quy mô lớn ngoài khu dân cư của TP Hà Nội đang dần khẳng định cách làm đúng, kinh nghiệm hay trong việc tái cấu trúc ngành chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững. Thêm vào đó, việc xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm, được xem như giải pháp đột phá khắc phục những khó khăn cho người chăn nuôi.

 

Nở rộ mô hình sản xuất hiệu quả

Những năm qua, chăn nuôi Hà Nội đã chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu quan trọng. Mặc dù còn những khó khăn chồng chất mà ngành chăn nuôi phải gánh chịu, nhưng kết quả đạt được từ đầu năm đến nay, theo đánh giá, ngành Chăn nuôi vẫn duy trì và phát triển hiệu quả. Điều này thể hiện ở chỗ, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng đàn gia súc, gia cầm, với tổng đàn trâu, bò đạt gần 240 nghìn con (gần 137.300 con bò thịt, hơn 12.500 con bò sữa), đàn lợn gần 1,4 triệu con, gia cầm gần 19 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng 380-390 nghìn tấn/năm, đáp ứng 60-65% nhu cầu thị trường Hà Nội, sản lượng chứng đạt 870 triệu quả, sữa bò 17 nghìn tấn. Giá trị sản xuất ngành Chăn nuôi đặt trên 51% GDP trong cơ cấu nông nghiệp.

Nét đặc trưng của chăn nuôi Hà Nội là phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm. Đến nay, thành phố đã xây dựng và phát triển ổn định 12 xã chăn nuôi bò sữa ở các xã Phượng Cách (Quốc Oai), Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hoà, Minh Châu (Ba Vì), Dương Hà, Phù Đổng, Trung Màu, Đặng Xá (Gia Lâm), Phương Đình (Đan Phượng), Vĩnh Ngọc (Đông Anh), Xuân Phú (Phúc Thọ). Hình thành 15 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm tại các xã Lệ Chi, Văn Đức (Gia Lâm), Tự Lập (Mê Linh), Bắc Sơn, Minh Trí (Sóc Sơn), Thuỵ Hương, Lam Điền (Chương Mỹ), Kim An (Thanh Oai), Đông Yên (Quốc Oai), Tòng Bạt, Minh Quang, Minh Châu (Ba Vì), Thượng Cốc (Phúc Thọ), Đồng Tâm (Mỹ Đức), Sơn Công (Ứng Hoà). Tại các địa phương này, hàng trăm hộ gia đình chăn nuôi 5-10 con bò thịt.

Thành phố đã quy hoạch được 4 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm tại các huyện Ứng Hòa, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây với tổng đàn gần 206 nghìn con/148 hộ; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm ở Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Ứng Hòa… với hơn 222 nghìn con/1.192 hộ; 6 khu chăn nuôi lợn tập trung tại 4 huyện, thị xã với tổng đàn 27.637 con/32 hộ. Trong chăn nuôi gia cầm, thành phố đã hình thành và phát triển 6 vùng chăn nuôi gà tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư tại các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Đông Anh, Quốc Oai, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây, quy mô gần 3 triệu con/975 hộ; 2 vùng chăn nuôi vịt quy mô lớn tại Ứng Hoà, Phú Xuyên, quy mô gần 369 nghìn con/305 hộ; phát triển chăn nuôi gia cầm ở 29 xã chăn nuôi trọng điểm trên địa bàn 6 huyện, thị xã với tổng số 1.223 trại/gần 3,5 triệu con, trong đó có 21 xã chăn nuôi gà trọng điểm và 8 xã chăn nuôi vịt trọng điểm...

Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có 722 trang trại chăn nuôi lợn ngoài khu dân cư, diện tích bình quân 1,1ha/hộ; 2.147 trại chăn nuôi gia cầm, diện tích bình quân 8.800m2/trại; 9 HTX hoạt động sản xuất chăn nuôi, trong đó một số HTX chăn nuôi hoạt động hiệu quả như: HTX Dịch vụ và Chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây) có 197 hộ với tổng đàn lợn 140 nghìn con, HTX Chăn nuôi Hoà Mỹ (Ứng Hoà) với tổng đàn lợn 35.225 con/33 hộ, HTX Chăn nuôi Mỹ Hà (Mỹ Đức) có có 24 hộ nuôi 9.125 con lợn... cho giá trị thu nhập cao.

Liên kết tiêu thụ sản phẩm, hướng phát triển bền vững

Qua điều tra, trên địa bàn thành phố có 1.042 chợ liên quan hoạt động kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm nhưng ý thức chấp hành quy định của pháp luật về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y của người kinh doanh còn hạn chế. Một số vì lợi ích trước mắt đã sử dụng sản phẩm kém phẩm chất, không bảo đảm điều kiện theo quy định. Trong đó có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương chưa xử lý nghiêm vi phạm. Quá trình kiểm tra, kiểm soát, cơ quan chức năng của thành phố đã phát hiện 60% trường hợp kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không giấy tờ chứng nhận kiểm dịch, không được kiểm tra, kiểm soát giết mổ. Trong 60% trường hợp trên, có khoảng 25-30% sản phẩm gia súc, gia cầm được giết mổ bằng phương pháp thủ công ở các tỉnh lân cận chuyển về Hà Nội tiêu thụ, tương tự con số này tại Hà Nội khoảng 30-35%.

Vấn đề đặt ra, Hà Nội cần đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi để phát triển một cách bền vững các vùng chăn nuôi. Có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, vay vốn tín dụng tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch chăn nuôi của từng địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi lớn ngoài khu dân cư. Có chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp, hỗ trợ liên kết chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cũng như xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi. Cần tăng sản xuất giống chất lượng, tuyển và lựa chọn công nghệ để đưa vào sản xuất...

Từ thực tế cho thấy, việc hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm sẽ khắc phục được những khó khăn của ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay. Và cùng với việc xây dựng các xã chăn nuôi trọng điểm, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư sẽ là những giải pháp đột phá trong việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Hà Nội, qua đó thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập cho nông dân...

                                                                                                                                                                   Theo HANOI PORTAL
 

 


BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4525
Tổng lượng truy cập: 22200523