Kết quả bước đầu xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại Hà Nội
Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc gia cầm ở tốp đứng đầu cả nước với tổng đàn bò toàn Thành phố là 149.799 con, trong đó bò thịt 137.294 bò sữa 12.505, đàn lợn 1.394.063 con. Tổng đàn gia cầm 18.838.393 con, trong đó gà 13.608.449 con, vịt, ngan, ngỗng 5.229.944 con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại sản xuất 380-390 ngàn tấn/ năm đáp ứng 60- 65% nhu cầu của nhân dân Thành phố. Sản lượng trứng đạt 870 triệu quả. Sản lượng sữa 17.000 tấn. Giá trị sản xuất chăn nuôi đạt trên 51% GDP nông nghiệp.

      Nét nổi bật của chăn nuôi Hà Nội những năm qua là tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Chăn nuôi bò sữa hiện tập trung tại 12 xã ( tập trung ở Ba Vì và Gia Lâm) với tổng đàn là 10.195 con/2.517 hộ, chiếm 81,5% tổng đàn bò sữa toàn Thành phố. Đàn bò thịt tập trung ở 15 xã  với 22.691 con/12.304 hộ nuôi chiếm 16,5% tổng đàn bò toàn Thành phố. Chăn nuôi lợn hiện tập trung ở 4 vùng  trọng điểm (tại huyện Ứng Hòa, Thạch Thất, Thanh Oai, Sơn Tây) với tổng đàn 205.777 con/148 hộ; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với 222.285 con/192 hộ; 6 khu chăn nuôi lợn tập trung với tổng đàn 27.637 con/32 hộ. Chăn nuôi gia cầm tập trung ở 06 vùng (Ba Vì, Chương Mỹ, Đông Anh, Sơn Tây, Quốc Oai Đông Anh, Sóc Sơn) với 2.986.795 con/975 hộ; 02 vùng chăn nuôi vịt quy mô lớn (Ứng Hòa, Phú Xuyên) với 368.930 con/305 hộ.

     Về kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm, hiện có 1.042 chợ có hoạt động kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm bao gồm cả chợ cóc, chợ tạm và 417 siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm động vật. Có 4.194 cơ sở tiêu thụ sản phẩm gia súc gia cầm như nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể có sử dụng và bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm tươi sống.

     Để chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững, những năm qua Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã giao Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội tập trung xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là một yêu cầu tất yếu vừa để chăn nuôi phát triển ổn định vừa đảm bảo cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Sau thời gian triển khai thực hiện, các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gia súc gia cầm bước đầu có hiệu quả được các cấp các ngành ghi nhận, người chăn nuôi đồng thuận cao. Về chuỗi tiêu thụ sữa, năm 2008, do ảnh hưởng của Melamine trong sữa, nhiều vùng chăn nuôi bò sữa của các tỉnh lân cận chịu tác động rất mạnh. Trung tâm Phát triển chăn nuôi đã phối hợp, tư vấn cho Công ty Cổ phần sữa Quốc tế (IDP), Công ty Cổ phần sữa Ba Vì làm việc với các địa phương có chăn nuôi bò sữa trên địa bàn và tổ chức ký kết, hợp tác bao tiêu sản phẩm cho hộ chăn nuôi, đồng thời các Công ty này còn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Đến nay, chăn nuôi bò sữa của Thủ đô phát triển ổn định, bền vững, đàn bò sữa từ 8.470 con năm 2008 đến tháng 8/2013 là 12.505 con (tốc độ tăng đàn đạt bình quân 147%/năm).

      Chăn nuôi gia cầm, chuỗi liên kết trứng gà sạch mang thương hiệu “Tiên Viên” của anh Đặng Đình Tiên (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) là một điển hình. Khởi sự từ năm 2010 là chương trình chăn nuôi theo mô hình VAC, đến nay đã xây dựng được 8 trại chăn nuôi khép kín, thiết bị chăn nuôi hiện đại. Quy mô chăn nuôi hàng năm là  trên 45 ngàn gà, hàng ngày cung cấp ra thị trường trên 20.000 quả  trứng. Từ trang trại được mở rộng quy mô, tiêu thụ sản phẩm, đã thành lập công ty  để hoạt động và thu hút trang trại xung quanh trên địa bàn. Đến nay công ty đã liên kết với 15 trại chăn nuôi vệ tinh của các hộ chăn nuôi tại địa phương hàng ngày tiêu thụ khoảng 30.000 quả trứng. Công ty đã mở 4 kênh tiêu thụ chính trong đó  cung cấp cho 7 doanh nghiệp chế biến thực phẩm chiếm 33% số lượng trứng sản xuất ra; một nhà phân phối cho 72 cửa hàng bán lẻ chiếm 32%; 8 gian hàng siêu thị chiếm 18%; 18 bếp ăn, nhà hàng, khách sạn chiếm 17% số lượng trứng sản xuất ra. Sản lượng tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi tăng liên tục, tới nay mức tiêu thụ trứng bình quân đạt 7 vạn quả trứng/ngày. Điều quan trọng hơn là bước đầu đã hình thành chuỗi chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm khép kín, các hộ trong chuỗi đều cam kết chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGHAP, đảm bảo sản phẩm đến người tiêu dùng đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong chăn nuôi lợn, trang trại Bảo Châu của ông Nguyễn Đại Thắng (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) lại hình thành chuỗi liên kết với đặc thù riêng là chỗi liên kết lợn sinh học. Khởi nghiệp từ năm 2008, đến nay quy mô chăn nuôi của trang trại với 3.000 con lợn thương phẩm/năm, hiện tại Trang trại  mở rộng 17.000 m2, với hơn 3.000 m2 chuồng trại chuyên chăn nuôi lợn, gà thương phẩm và trồng rau hữu cơ theo công nghệ EM - Nhật Bản. Trang trại đã tập trung phát triển và xây dựng Chuỗi liên kết lợn sinh học với phương châm cung cấp cho thị trường thịt và các sản phẩm từ thịt lợn an toàn, khép kín từ sản xuất tới tiêu dùng. Do tính an toàn cao, chất lượng tốt nên thịt lợn sinh học đã được nhiêu người tiêu dùng biết đến. ưa chuộng, sẵn sáng mua với mức giá cao hơn thịt lợn thường từ 30 - 40%.

      Phát huy lợi thế về chăn nuôi tại các vùng đồi gò, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, năm 2013 tiếp tục triển khai 8 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm về gia súc gia cầm mang tính đặc thù từng vùng miền (vật nuôi bản địa). Gồm gà đồi Ba Vì; gà đồi Sóc Sơn; vịt cỏ Vân Đình; trứng vịt Liên Châu; vịt Đại Xuyên; gà Mía Sơn Tây; thịt lợn hữu cơ Bảo Châu; thịt bò Hà Nội. Để đưa các sản phẩm có nguồn gốc đến người tiêu dùng Thủ đô, Trung tâm đã tư vấn, phối hợp với Sàn giao dịch rau quả & thực phẩm an toàn Hà Nội đưa một số sản phẩm chăn nuôi của 07 đơn vị gồm Trang trại Bảo Châu, Công ty cổ phần thực phẩm sạch 3F; Trang trại 729 Ba Vì; Công ty Cổ phần Giang Sơn – Bắc Giang; Công ty cổ phần Tiên Viên; Công ty Cổ phần Tư vấn dịch vụ và thương mại nông sản thực phẩm nông thôn (Ruralfood); Công ty Cổ phần ứng dụng phát triển công nghệ sinh học (ADB) tiêu thụ qua các điểm phân phối của Sàn giao dịch rau quả & thực phẩm an toàn Hà Nội (sanbanbuon.com). Hiện tại các đơn vị đã tiêu thụ sản phẩm qua Sàn ở 78 điểm phân phối tại các cơ quan, khu dân cư bước đầu ổn định, đạt hiệu quả được người tiêu dùng đánh giá cao. Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã thực hiện việc ký kết hợp tác với các Doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm chăn nuôi như với Công ty TNHH dịch vụ thuơng mại Quốc tế Victory Asian (Mr.Sạch) xây dựng vùng nguyên liệu có nguồn gốc xuất sứ, an toàn. Đi đôi với việc xây dựng chuỗi liên kết, Trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội gồm trứng gà sạch Tiên Viên; trứng gà 729 của trại Nguyễn Hữu Phú (xã Yên Bài - Ba Vì). Đang tập trung thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ đăng ký 08 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc thù của Thủ đô. Gồm có “gà đồi Ba Vì”; “gà đồi Sóc Sơn”; “vịt Vân Đình”; “trứng vịt Liên Châu”; “vịt Đại Xuyên”; “gà Mía”; “thịt lợn hữu cơ Bảo Châu”; “thịt bò Hà Nội”. Người tiêu dùng trên địa  bàn Hà Nội khi sử dụng các sản phẩm gia súc gia cầm khi có nhãn hiệu, thương hiệu trên sẽ rất yên tâm vì các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

      Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng chuỗi liên kết hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn do chăn nuôi trên địa bàn hiện vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán. Giá thức ăn, giá nguyên liệu đầu có nhiều biến động, nhận thức về nhãn hiệu thương hiệu của người tiêu dùng chưa cao, chưa tạo thói quen cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất sứ động vật sản phẩm động vật. Những giải pháp trong thời gian tới về việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm gia súc gia cầm từ các cơ sở có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng. Tạo điều kiện để các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, giết mổ tiêu thụ sản phẩm gia súc gia cầm trực tiếp ký kết với các trang trại, hộ chăn nuôi đảm bảo đầu ra. Xây dựng điểm tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng,  hình thành các chợ đầu mối kinh doanh, hệ thống phân phối động vật, sản phẩm động vật; Đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, đây cũng chính là việc đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi.

      Để đạt được như vậy, ngành Nông nghiệp Hà Nội rất cần sự quan tâm đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến Thành phố. Sự tham gia vào cuộc của các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sự thay đổi nhận thức, thói quen và chung tay xây dựng của mỗi người tiêu dùng thông thái. Có như vậy, chăn nuôi của thành phố mới phát triển ổn định bền vững, những thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh mới thực sự trở thành nguồn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe cộng đồng và trở thành sản phẩm “sạch” mang thương hiệu Thủ đô.

 Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội

Trung tâm PTCN Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4835
Tổng lượng truy cập: 22313801