Nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội: Hướng đến phát triển bền vững
Với nhiều lợi thế, thời gian qua, ngoài mở rộng các vùng chuyên canh tập trung, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản. Song song với những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn cần sớm được tháo gỡ để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Với nhiều lợi thế, thời gian qua, ngoài mở rộng các vùng chuyên canh tập trung, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản. Song song với những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn cần sớm được tháo gỡ để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Theo tổng hợp, đến nay, trên địa bàn thành phố có 30.840ha mặt nước có thể phát triển nuôi trồng thủy sản gồm ao, hồ, sông, ruộng trũng... Trong đó, tổng diện tích mặt nước đã đưa vào nuôi trồng thủy sản là 22.900ha; ước tính sản lượng đạt 124.200 tấn/năm với giá trị sản xuất ước đạt 4.347 tỷ đồng. Ông Tạ Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, điều kiện tự nhiên của Hà Nội rất thích hợp cho phát triển thủy sản, đặc biệt là hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch của thành phố tập trung ở các huyện: Ba Vì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Trì…

Qua tìm hiểu, ngoài 4.327ha hồ chứa mặt nước lớn, Hà Nội còn có các sông chạy qua, như: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Tích, sông Bùi… rất thuận lợi để khai thác thủy sản tự nhiên và phát triển nuôi cá lồng bè. Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, trong đó, nổi bật là mô hình “sông trong ao”.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, “sông trong ao” là mô hình nuôi cá sạch theo công nghệ của Mỹ, thời gian qua được ngành Nông nghiệp Hà Nội triển khai thực hiện ở nhiều địa phương như: Thường Tín, Phú Xuyên, Quốc Oai… Quy trình nuôi được kiểm soát chặt chẽ từ nguồn nước, thức ăn, cách chăm sóc. Đặc biệt là tạo được dòng chảy trong ao, vì vậy, cá khỏe, thịt rắn chắc. Chu kỳ nuôi ngắn, năng suất cá cao hơn so với cách nuôi truyền thống. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, cho phép thả con giống ngay mà không cần phải xử lý ao nuôi. Vì thức ăn dư thừa và phân cá đã được thu gom ra bên ngoài, nên môi trường nước không bị ô nhiễm…

Đáng chú ý, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đã triển khai nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học ứng dụng công nghệ Biofloc, được thực hiện tại nhiều vùng sinh thái trên địa bàn thành phố. Theo bà Vũ Thị Hương, mô hình này cho năng suất trung bình lên tới 20 tấn/ha (cao hơn 2 lần so với cách thức nuôi truyền thống). Qua đó, giúp tăng giá trị kinh tế trên 30% cho người nuôi trồng thủy sản…

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nhờ tích cực phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, đến nay, toàn thành phố có khoảng 9.700ha sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước trong nuôi trồng thủy sản. Đáng nói, các mô hình ứng dụng công nghệ biofloc ngày càng nở rộ, nhất là ở những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản như: Ba Vì, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên… Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã, cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất. Các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường; sử dụng thiết bị làm giàu ô xy, máng ăn tự động... qua đó, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Vượt rào cản để phát triển

Những thành tựu trong phát triển nuôi trồng thủy sản của Hà Nội là rất lớn, khó có thể đong đếm. Song bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn, đơn cử như vùng nuôi trồng thủy sản chủ yếu tập trung ở nơi thấp trũng, hạ tầng vùng nuôi chưa đồng bộ nên khó khăn cho việc tiêu thoát nước nhanh, gây úng ngập cục bộ thường xuyên vào mùa mưa. Chất lượng nước tại một số vùng nuôi trồng thủy sản có dấu hiệu bị ô nhiễm, rất dễ phát sinh dịch bệnh cho thủy sản. Nguồn nước bảo đảm chất lượng để phục vụ thay định kỳ trong quá trình nuôi thủy sản còn hạn chế, vì vậy, khó khăn trong việc nâng cao mật độ nuôi và năng suất...

Các đối tượng thủy sản nuôi trên địa bàn thành phố chủ yếu là tiêu thụ nội địa, giá trị chưa cao nên việc đầu tư sản xuất quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao chưa được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm. Kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho mô hình nuôi thủy sản theo công nghệ cao đòi hỏi chi phí lớn và kỹ thuật cao, trong khi đó các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao của thành phố chưa nhiều. Theo Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND, ngày 08/7/2015, của HĐND thành phố Hà Nội về “Một số chính sách thực hiện chương chính phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020” quy định hỗ trợ 50% giống, hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng cho một mô hình thủy sản; hay Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND, ngày 05/12/2018, của HĐND thành phố Hà Nội về “Một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội” quy định hỗ trợ một lần 50% kinh phí mua thiết bị làm giàu ô xy vùng nước nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ tối đa không quá 15 triệu đồng/ha và giao cho ngân sách cấp huyện hỗ trợ sau đầu tư nên chưa khuyến khích được người nuôi trồng thủy sản đầu tư công nghệ cao vào sản xuất thủy sản…

Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao phát triển thủy sản theo hướng bền vững, gia tăng giá trị, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả nhiều giải pháp. Trước hết là quan tâm đến xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản cho phù hợp, tránh nguy cơ gây ô nhiễm về nguồn nước và dịch bệnh, từ đó kéo theo tăng năng suất thủy sản; cùng với đó, đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ đầu tư hạ tầng, nâng cấp các máy móc thiết bị chế biến hiện đại, các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và đầu tư kho lạnh bảo quản để bảo đảm chất lượng thủy sản; hỗ trợ tập trung đầu tư hạ tầng cho các chợ cá đầu mối để thay thế các chợ tạm hiện hạn; hỗ trợ hạ tầng, trang thiết bị cho các cơ sở kinh doanh thủy sản tươi sống tại các chợ dân sinh; thực hiện đồng bộ các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm thủy sản…

Từ thực tiễn sản xuất, các sở, ngành liên quan sớm xem xét tham mưu thành phố tăng thêm kinh phí hỗ trợ lần đầu cho các mô hình ứng dụng công nghệ cao, mức hỗ trợ có thể từ 500 triệu đồng/mô hình trở lên. Ngoài ngân sách cấp huyện hỗ trợ, các sở, ngành liên quan cũng nên xem xét tham mưu thành phố bổ sung thêm đối tượng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá trắm đen, cá lăng, bỗng, lóc, ếch… vào đối tượng nuôi được hưởng các chính sách khuyến khích khi áp dụng nuôi công nghệ cao…

Thanh Bình

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 16263
Tổng lượng truy cập: 25479348