Sóc Sơn tập trung tái đàn lợn có kiểm soát
Hiện nay, huyện Sóc Sơn đã khống chế được bệnh Dịch tả lợn châu Phi; việc tái đàn, khôi phục sản xuất đang được nhiều hộ chăn nuôi triển khai. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với các hộ chăn nuôi lợn ở Sóc Sơn là thực hiện tái đàn trên cơ sở kiểm soát nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Đến nay, đã hơn 4 tháng trên địa bàn xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn) không còn phát sinh ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Để ổn định sản xuất, tạo nguồn cung cho thị trường, các hộ chăn nuôi ở đây đang tập trung tái đàn lợn. Ông Hoàng Văn Thành ở thôn Xuân Đoài (xã Phù Linh) cho biết, trước đây, do ảnh hưởng bệnh Dịch tả lợn châu Phi khiến gia đình ông phải tiêu hủy 116 con lợn nái, gần 500 con lợn thương phẩm, thiệt hại gần 3 tỷ đồng. Đầu năm 2020, khi dịch được khống chế, gia đình ông Thành mới chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, thực hiện khuyến cáo của Phòng Kinh tế huyện, ông Thành chỉ thực hiện tái 40% công suất chuồng trại.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Vinh ở thôn Lương Phúc (xã Việt Long) cũng là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề bởi bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Ông Vinh cho biết, được huyện hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng, gia đình đã trả một phần nợ ngân hàng và thực hiện tái đàn vật nuôi, tuy nhiên, ông khá thận trọng khi khôi phục đàn lợn. Ngoài việc tổng vệ sinh, rắc vôi bột, khử trùng chuồng trại, thời điểm nhập lợn giống cũng được gia đình ông lựa chọn kỹ, bảo đảm rõ nguồn gốc, con giống không bị nhiễm dịch bệnh...

Cũng đủ điều kiện tái đàn như các hộ dân ở xã Phù Linh và Việt Long, hiện nay trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã có 1.138/6.113 hộ thực hiện tái đàn lợn với gần 20.000 con, nâng tổng số đàn lợn lên 60.000 con (bằng 50% tổng đàn lợn của huyện trước khi bị ảnh hưởng bởi bệnh Dịch tả lợn châu Phi). Việc tăng đàn chủ yếu tập trung tại các gia trại, trang trại lớn có thể chủ động nguồn con giống. Bên cạnh việc tái đàn lợn, huyện Sóc Sơn cũng khuyến khích các hộ dân phát triển những mô hình chăn nuôi mới: Nuôi ếch, ong lấy mật, chim bồ câu, chim cút, gà ta thương phẩm... nhằm mang lại giá trị kinh tế cao và đa dạng sản phẩm nông nghiệp.

Tái đàn sau dịch bệnh là giải pháp quan trọng khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, để hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững, ngay sau khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, huyện Sóc Sơn đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn người dân thực hiện tái đàn vật nuôi. Ông Hoàng Chí Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, huyện khuyến cáo người dân thực hiện tái đàn có kiểm soát kết hợp tuân thủ quy trình phòng, chống dịch bệnh. Trước khi tái đàn, người chăn nuôi phải vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại ít nhất 2 lần/tuần. Sau khi nuôi được khoảng 30 ngày, các hộ phải lấy mẫu xét nghiệm cho đàn lợn, nếu tất cả mẫu đều âm tính với bệnh Dịch tả lợn châu Phi mới tiếp tục tăng đàn. Đặc biệt, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lập sổ theo dõi 100% số hộ tái đàn, kiểm soát chặt chẽ quy trình chăn nuôi, nguồn gốc con giống... để xử lý kịp thời nếu dịch bệnh xảy ra.

Ngoài ra, huyện Sóc Sơn còn xây dựng kịch bản tái đàn, quy trình chăn nuôi, kiểm soát chất lượng con giống rất nghiêm ngặt, sẵn sàng khôi phục và phát triển sản xuất khi có điều kiện thuận lợi. Mục tiêu của huyện đến hết năm 2020, tái đàn lợn đạt 70% tổng đàn, nâng số lợn lên 90.000 con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 8.500 tấn/năm, góp phần tăng nguồn cung thịt lợn trên thị trường và nâng cao giá trị kinh tế cho người chăn nuôi...

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 16108
Tổng lượng truy cập: 25479348