Hiện nay, thời tiết thất thường, độ ẩm cao… khiến sức đề kháng của vật nuôi suy giảm, dẫn tới nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm. Điều cần thiết lúc này là các hộ chăn nuôi không được lơ là trong phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch cúm gia cầm nói riêng, trong đó cần chú trọng khâu tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi…
Thời điểm này, tại nhiều địa phương, các hộ gia đình đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Yên ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) vừa nhập khoảng 500 con gà giống để nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, do dịch cúm gia cầm đang lây lan ở một số địa phương khiến gia đình bà Yên khá lo lắng…
Còn gia đình ông Đào Đức Đại ở xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên) đang nuôi 4.000 vịt đẻ và vịt thương phẩm, dù đã chủ động thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn vịt, vệ sinh chuồng trại trước khi nuôi, nhưng do dịch cúm gia cầm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp nên trang trại luôn đề cao cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Đông ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) vừa nhập 2.000 gà giống về nuôi thương phẩm đã thực hiện phun khử trùng, tiêu độc, rắc vôi bột toàn bộ khu vực chuồng trại; đồng thời tiêm vắc xin cho toàn bộ gia cầm trong trang trại.
Nhận định về nguy cơ của dịch bệnh cúm gia cầm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 4 ổ dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N6 ở huyện Chương Mỹ với tổng số gia cầm tiêu hủy của 7 hộ chăn nuôi là 11.706 con. Dịch bệnh có nguy cơ bùng phát rất cao bởi thời tiết vẫn mưa phùn, lạnh, ẩm ướt... khiến sức đề kháng vật nuôi giảm, mầm bệnh có điều kiện phát sinh. Mặt khác, Hà Nội có tổng đàn gia cầm lớn (37,5 triệu con), thời gian nuôi gia cầm thương phẩm ngắn, dao động 50-60 ngày/lứa xuất bán. Như vậy, tần suất trung bình mỗi năm, người dân nuôi 4-5 lứa cũng là nguyên nhân khiến nguy cơ dễ xảy ra dịch bệnh…
“Chưa kể, Hà Nội có nhiều tuyến đường quốc lộ chạy qua, lại là địa bàn trung chuyển, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm lớn từ các tỉnh đổ về… nên việc kiểm soát dịch bệnh gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60%); nhận thức của một bộ phận người dân về chăn nuôi an toàn và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm hạn chế...”, ông Nguyễn Đình Đảng nhấn mạnh.
Trước thực trạng trên, nhiều địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Xuyên Phùng Văn Tảo, huyện yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, chỉ đạo thú y cơ sở giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi; phát hiện sớm, báo cáo và tham mưu xử lý kịp thời khi có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra, không để lây lan diện rộng; phát hiện và xử lý quyết liệt tình trạng vứt xác gia cầm xuống các kênh mương, gây ô nhiễm môi trường…
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm nói riêng, dịch bệnh động vật nói chung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, các địa phương cần bố trí lực lượng phối hợp với cán bộ thú y tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia cầm; kiên quyết ngăn chặn việc đưa gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm bệnh... vào giết mổ. Các xã có dịch cần lập chốt kiểm dịch, tránh tình trạng vận chuyển gia cầm đi nơi khác tiêu thụ; làm tốt công tác tuyên truyền để người chăn nuôi chủ động phòng dịch, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để dịch bệnh xảy ra.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)