Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay, các loại dịch bệnh động vật đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Cụ thể, cả nước đã có 34 ổ dịch cúm gia cầm do vi rút cúm A/H5N1 và A/H5N6 gây ra tại 10 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 100.000 con gia cầm. Các chủng vi rút cúm này có khả năng lây nhiễm và gây tử vong ở người. Có hơn 100 ổ dịch lở mồm long móng xảy ra tại 9 tỉnh, thành phố làm hàng nghìn con gia súc mắc bệnh và hàng trăm con gia súc bị chết. Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra rất trầm trọng vào năm 2019 gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng và làm ảnh hưởng lớn chỉ số CPI…
Để khẩn trương kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, đặc biệt không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút corona (Covid-19) trên người đang diễn ra hết sức phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các địa phương đang có dịch bệnh động vật (cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh Dịch tả lợn châu Phi…) tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, kéo dài. Trường hợp các ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng, các địa phương cần công bố dịch, tổ chức chống dịch bệnh theo quy định; khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin bao vây ổ dịch và phòng, chống bệnh cho toàn bộ đàn gia cầm có nguy cơ; thành lập các đoàn công tác đến nơi có dịch để chỉ đạo tổ chức chống dịch.
Bên cạnh đó, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch, rà soát kịp thời tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dại…, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ cao.
Các tỉnh, thành phố kịp thời bố trí kinh phí, các nguồn lực cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh; trong đó có kinh phí triển khai các chương trình, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo thực hiện.
Hướng dẫn, bảo đảm tổ chức tái đàn lợn thành công, không để dịch bệnh tái phát
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung các nguồn lực để tổ chức hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra các địa phương trong việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh Dịch tả lợn châu Phi; hướng dẫn, bảo đảm tổ chức nuôi tái đàn lợn thành công, không để dịch bệnh tái phát. Đồng thời, chỉ đạo bảo đảm các nguồn vắc xin để cung ứng đủ và kịp thời cho công tác tiêm phòng, tổ chức giám sát, đánh giá lưu hành các loại mầm bệnh; kiểm nghiệm, khảo nghiệm đánh giá các loại vắc xin để kịp thời có được các loại vắc xin phù hợp, hiệu quả nhất cho công tác phòng bệnh.
Chỉ thị cũng nêu rõ, Bộ Công Thương có trách nhiệm tăng cường quản lý thị trường, chủ động phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối, các điểm thu gom động vật, sản phẩm động vật.
Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1, A/H5N6…, phát hiện sớm trường hợp người mắc bệnh, cách ly khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan diện rộng; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người.
Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện điều tra ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc, động vật, sản phẩm động vật bán chạy, nghi bán chạy từ ổ dịch theo quy định của pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo hệ thống thông tin báo chí trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)