Thay vì làm ruộng, gia đình anh Lê Xuân Hữu ở thôn Kiện Vũ (xã Trầm Lộng) đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá. Hiện nay, gia đình anh có gần 2ha, nuôi các loại cá: Trắm, chép, trôi... “Gia đình tôi thu 3 lứa cá trong 2 năm. Do nuôi kéo dài thời gian nên cá có trọng lượng lớn khoảng 4-5kg/con, chất lượng cá khá tốt. Ước tính mỗi lứa cá gia đình thu được 30 tấn với giá trị khoảng 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí...”, anh Hữu chia sẻ.
Trước đây, những cánh đồng trũng “chiêm khê, mùa thối” bất lợi cho sản xuất nông nghiệp thì nay đã trở thành vùng nuôi thủy sản cho hiệu quả cao. Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng Đinh Quang Lĩnh thông tin, cả xã có 412 hộ nuôi cá với diện tích nuôi 448ha. So với độc canh cây lúa, nuôi thủy sản hiệu quả cao gấp 3 lần, giá trị canh tác bình quân đạt trên 300 triệu đồng/năm.
Không riêng xã Trầm Lộng, nuôi trồng thủy sản cũng là thế mạnh của xã Phương Tú. Hiện toàn xã có hơn 200ha và khoảng 200 hộ nuôi thủy sản. Hằng năm, nuôi trồng thủy sản đã đóng góp tới 60% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Dương Hồng Điệp, toàn huyện có khoảng 4.000ha nuôi thủy sản, tập trung chủ yếu ở các xã: Đồng Tân, Trầm Lộng, Trung Tú, Tảo Dương Văn, Phương Tú... Với diện tích nuôi thủy sản nêu trên, mỗi năm sản lượng cá của huyện Ứng Hòa ước đạt 36.100 tấn; giá trị thu nhập bình quân canh tác ước đạt 400 triệu đồng/ha/năm...
Mặc dù là “vựa cá” lớn của Hà Nội nhưng người nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Ứng Hòa vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Công (thôn Ngọc Động, xã Phương Tú) cho biết: Các hộ nuôi thủy sản mong muốn được thành phố và huyện hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp để tạo chuỗi liên kết bền vững.
Xác định có điều kiện tự nhiên phù hợp nuôi trồng thủy sản nên Ứng Hòa coi đây là thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài hỗ trợ của thành phố, những năm gần đây, Ứng Hòa có hỗ trợ riêng cho vùng nuôi thủy sản. Từ cuối năm 2018, Ứng Hòa có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện - giai đoạn 2018-2020. Trong đó, có hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân xây dựng mô hình nuôi cá “sông trong ao”. Cụ thể, mức hỗ trợ 70 triệu đồng/mô hình “sông trong ao” hoặc không quá 100 triệu đồng/ha ao nuôi; mỗi hộ được hỗ trợ 1 lần/diện tích đã thực hiện xây dựng “sông trong ao”.
Tháo gỡ khó khăn về nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, từ cuối năm 2019, thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án xây dựng trạm bơm, đưa nước từ sông Đáy vào vùng nuôi trồng thủy sản thuộc huyện Ứng Hòa, dự án do Sở NN&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư, đang thực hiện các bước triển khai trong năm 2020... Hy vọng, khi dự án hoàn thành sẽ tạo đà cho vùng nuôi trồng thủy sản Ứng Hòa thuận lợi hơn trong khai thác tiềm năng đặc thù vùng chiêm trũng. Qua đó, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)