Hiện nay thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt ở thời điểm trước trong và sau tết Nguyên đán lưu lượng vận chuyển lưu thông động vật và sản phẩm động vật rất lớn nên nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm rất cao trong đó có bệnh Lở mồm long móng (LMLM). Thời gian vừa qua theo thông báo của Cục Thú y đã có một số tỉnh, thành đã xảy ra bệnh LMLM gia súc, khác với mọi năm bệnh LMLM năm nay xảy ra chủ yếu trên đàn trâu bò. Hơn nữa bệnh thường ghép với bệnh Tụ huyết trùng trâu bò và viêm phổi nên gây chết trâu bò nhất là ở bê, nghé.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh LMLM trên đàn trâu bò, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện một số giải pháp như sau:
1. Chú ý nghe các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày để chủ động che chắn chuồng trại không để bò sữa bò thịt bị rét, bị mưa nhiễm lạnh. Những ngày có gió, rét đậm, rét hại cần che chắn kín chuồng trại và thay chất độn chuồng giữ ấm cho con vật. Tuyệt đối không để con vật bị ướt do nước mưa, không để nền chuồng bị đọng nước, đặc biệt đối với chuồng nuôi bê nghé.
2. Tiêm phòng vác xin LMLM, đây là biện pháp nhằm tạo miễn dịch chủ động cho con vật, hiện nay mạng lưới thú y cơ sở đã và đang phát động đợt tiêm phòng vác xin LMLM kể cả tiêm phòng đại trà cũng như tiêm phòng bổ sung, người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vác xin LMLM cho đàn đàn bò, tuyệt đối không chủ quan lơ là. Tiêm phòng vác xin không làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa, sản lượng sữa nên cần phải tiêm phòng ngay theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Lưu ý khi tiêm phòng xong cần cho con vật nghỉ ngơi và cho ăn uống tốt để nâng cao sức đề kháng cho bò và nâng cao hiệu lực của vác xin phòng bệnh. Đối với bê, nghé đủ một tháng tuổi là thực hiện việc tiêm vác xin để tạo miễn dịch.
Tiêm phòng vác xin tụ huyết trùng để chống kế phát vì trên thực tế bò sữa bò thịt rất rễ khi bị bệnh LMLM thì ghép với bệnh Tụ huyết trùng hoặc ngược lại khi bị bệnh Tụ huyết trùng ghép với bệnh LMLML.
3. Vệ sinh tiêu độc chuồng nuôi, dụng cụ, vật dụng chuồng nuôi hàng ngày, đây là điều kiện bắt buộc đối với người chăn nuôi nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập. Để đảm bảo hiệu lực của các loại thuốc sát trùng, thực hiện vệ sinh cơ giới trước sau đó thực hiện phun phòng trên diện rộng cả khu vực xung quanh chuồng nuôi và trong chuồng nuôi, kể cả khi đang có gia súc trong chuồng nuôi. Một số loại thuốc sát trùng sử dụng có hiệu quả (như Virkons, Han-Iodine, …) trong quá trình sử dụng thuốc sát trùng nên đổi thuốc để tránh hiện tượng nhờn thuốc sát trùng. Những ngày thời tiết ẩm thấp, mưa phùn, ẩm thấp mầm bệnh phát triển nhanh nên cần tăng cường thời lượng phun thuốc sát trùng. Những ngày hanh khô nếu có ánh nắng còn tranh thủ đem các dụng cụ, vật dụng chuồng nuôi (như máng ăn, máng uống, bình đựng sữa …) ra nơi có ánh nắng để làm sạch, phơi khô để diệt mầm bệnh xâm nhập.
Một số kinh nghiệm khi phun phòng, phun nền chuồng, xung quanh chuồng nuôi có thể dùng nước Javen để phun (2 ngày 1 lần trong 1 tháng), cách pha 1 lít javen cho 18 - 20 lít nước phun cho 100 m2 chuồng trại. Những tháng sau 10 ngày làm 1 lần. Hoặc có thể dùng phèn chua với liều 2kg phèn chua (đun sôi) hòa vào 10 đến 12 lít dấm chua nguyên chất phun chuồng nuôi, có thể phun vào cơ thể bò (lưu ý phun vào khu vực mồm bò, chân bò), phun vào nền chuồng (10 -12 lít hỗn hợp cho 60 m2 chuồng trại và 20 con bò) ngày 1 lần vào buổi sáng trong 10 ngày liên tục sau đó cứ 3 ngày làm lại 1 lần.
4. Tổng vệ sinh môi trường, đây là một biện pháp nhằm diệt và ngăn chặn mầm bệnh đang lưu hành ngoài môi trường, đặc biệt ở những ngày có thời tiết mưa phùn, ẩm độ cao. Biện pháp này cần được thực hiện đồng bộ từ đường làng ngõ xóm, đến các hộ gia đình, khu vực chuồng nuôi. Cần chú ý làm tốt việc tổng tẩy uế, phun thuốc sát trùng ở các khu vực có nguy cơ mắc bệnh cao như ở các chợ, các điểm bán động vật và sản phẩm động vật, nơi có ổ dịch cũ, khu vực chứa rác thải …
Dùng vôi bột để rắc khu vực xung quanh chuồng nuôi, hệ thống cống rãnh thoát nước thải nhằm ngăn chặn mầm bệnh và côn trùng, chuột mang mầm bệnh từ nơi này sang nới khác.
5. Tăng cường dinh dưỡng cho bò sữa, bò thịt bằng giải pháp cho con vật ăn uống tốt hơn để nâng cao sức để kháng giúp cho vật nuôi chủ động chống lại mầm bệnh xâm nhập. Cần cho ăn đủ lượng thức ăn thô xanh kèm theo thức ăn tinh và bổ sung thêm các loại khoáng, premix, vitamin hàng ngày. Chủ động ủ thức ăn để đáp ứng đủ lượng thức ăn cho bò, nhất là bò sữa, hơn nữa cho bò ăn thức ăn ủ (ủ chua, ủ xanh ..) giúp cho bò có thêm năng lượng nhất là trong điều kiện thời tiết ẩm thấp.
6. Với chăn nuôi bò sữa, cần đảm bảo các quy trình chăn nuôi và vệ sinh các loại dụng cụ vắt sữa, thùng chứa, vận chuyển đến nơi nhập sữa. Khi đi nhập sữa đảm bảo vệ sinh, bò bị bệnh không được nhập sữa, tách riêng để sử dụng làm thức ăn qua chế biến. Bệnh LMLM có thể lây qua vật chủ trung gian (kể cả người chăn nuôi) vì vậy chú ý vệ sinh để tránh làm bệnh LMLM lây qua người đi nhập sữa.
7. Khi phát hiện con vật có những triệu chứng không bình thường, như ở trâu bò thấy con vật bỏ ăn, không nhai lại, nước dãi nhiều và trắng như bọt xà phòng, ở miệng, vành móng có vết loét, con vật đi lại khó khăn báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở đến để có biện pháp can thiệp kịp thời. Dừng ngay việc chăn thả để không để lây lan bệnh ra xung quanh, tách riêng con vật ra một khu riêng để theo dõi và có hướng điều trị thích hợp. Trường hợp thấy bò sốt cao phải dùng ngay kháng sinh, thuốc hạ sốt để tiêm cho bò phòng chống bệnh ghép với Tụ huyết trùng, viêm phổi và tiến hành truyền nước sinh lý cho con vật để con vật nhanh trở lại trạng thái bình thường, ngăn chặn nguy cơ chết do bệnh ghép với LMLM.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)