Hà Nội có diện tích tự nhiên là 3.323,6 km2 gồm 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 18 huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp; 24 quận huyện còn chăn nuôi. Dân số Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu người, cùng trên 2 triệu khách các tỉnh thường xuyên nên nhu cầu sử dụng động vật và thủy sản là rất lớn; Thịt gia súc, gia cầm khoảng 320 ngàn tấn/năm (gần 900 tấn/ngày); trong khi đó sản xuất chăn nuôi của Thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 60%, thủy sản khoảng 240.000 tấn/năm (hơn 600 tấn/ngày) trong khi đó sản xuất Nuôi trồng thủy sản của Thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 43%, còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. Riêng đối thịt lợn, nhu cầu tiêu thụ khoảng 660 - 700 tấn thịt lợn/ ngày tương đương 240 ngàn tấn/năm, đáp ứng được 60% nhu cầu tiêu dùng. Đối với sản phẩm thịt bò, sản lượng sản xuất ra của thành phố khoảng 10 nghìn tấn/năm, mới chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu thịt bò và ước tính nhu cầu thịt bò tăng trong thời gian tới.
Những năm qua việc phát triển chăn nuôi và nuôi trông thủy sản được Thành phố tập trung quan tâm chỉ đạo đã có kết quả nổi bật. Cụ thể đã có quy hoạch, tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng miền. Như phát triển chăn nuôi bò sữa tập trung ở huyện Ba Vì, Gia Lâm, phát triển chăn nuôi bò thịt tập trung ở Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì; Phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm chủ yếu ở Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Thanh Oai. Nuôi trồng thủy sản hình thành rõ nét theo chuyên canh tập trung ở một số vùng như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì. Đặc biệt Hà Nội đã có nhiều chính sách để thúc đẩy chăn nuôi, thủy sán phát triển như chính sách về phát triển giống gia súc gia cầm; đưa những giống mới có hiệu quả cao vào thực tế sản xuất (như đưa tinh phân ly giới tính trên bò sữa, giống bò BBB, Wagyu, Angus ... trên bò Yorkshire, Landrace ...trên lợn, Sasso, Ross 208, Brown, Ai Cập …trên gà). Chính sách hỗ trợ xử lý môi trường cho các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, giết mổ, sử dụng công nghệ làm hầm Biogas bằng nhựa Composite, nhựa HDPE và máy ép phân vừa xử lý chất thải, vừa tạo ra khí đốt phục vụ sinh hoạt.
Đã hình thành chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi để chăn nuôi phát triển bền vững đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay đã có 52 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hàng ngày cung cấp cho thị trường khoảng 60 tấn thịt các loại; 300 nghìn quả trứng và 78 tấn sữa. Các chuỗi đã thu hút được gần 3.000 hộ chăn nuôi và hàng nghìn chủ thể sản xuất và dịch vụ tham gia. Thành phố đã đầu tư xây dựng hệ thống cán bộ chuyên môn về chăn nuôi thú y từ cấp thành phố đến xã, phường, thị trấn, đến tận thôn bản để chủ động giám sát dịch bệnh. Tổ chức phòng chống dịch bệnh ngay từ cơ sở. Có chính sách đầu tư các loại vật tư hóa chất, vác xin đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trang thiết bị để chủ động phòng chống dịch bệnh đàn gia súc gia cầm và thủy sản.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đó là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi do không có Vắc xin, không thuốc đặc trị nên khó kiểm soát, nguy cơ tái dịch cao. Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lớn, đặc biệt là chăn nuôi lợn, tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi tận dụng còn cao (khoảng 60 %). Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được kiểm soát trong khu dân cư còn lớn làm cho nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Chăn nuôi tự phát, chưa được quản lý chặt chẽ, công tác quản lý giống chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa đồng bộ. Hạ tầng vùng nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung chưa được đầu tư đúng mức; bên cạnh đó nguồn nước phục vụ cho nuôi trồng nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm ảnh hưởng đến tình hình dịch bệnh, năng suất và chất lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản. Các cơ sở nuôi nuôi trồng thủy sản đa số là nhỏ lẻ nên khó khăn trong công tác quản lý. Cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chế biến sâu còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Định hướng tái cơ cầu ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thời gian tới là xác định vật nuôi, nuôi trồng thủy sản chiến lược của thành phố, phù hợp với vùng sinh thái, giảm chăn nuôi, nuôi trồng trồng thủy sản quy mô nhỏ lẻ trong khu dân cư, hạn chế chăn nuôi thương phẩm để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Tập trung đầu tư cho đối tượng vật nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ lực, phù hợp với vùng sinh thái, vùng chăn nuôi trọng điểm; tập trung cho công tác sản xuất giống vật nuôi, nuôi trồng thủy sản đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn dịch; Xây dựng, phát triển sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng năng suất, chất lượng cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh học đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường. Tổ chức sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm đầu mối, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Giải pháp chính thời gian tới để tái cơ cấu ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản là tập trung quản lý chất lượng, năng suất giống vật nuôi, nuôi trồng thủy sản: Tiếp nhận, nhập bổ sung một số giống mới, chất lượng cao. Ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý giống, thực hiện bình tuyển đánh số, gắn chíp ghi chép theo dõi và đánh giá chất lượng; Chuyển đổi đối tượng vật nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ lực phù hợp vùng, miền sinh thái: Rà soát từng đối tượng vật nuôi, nuôi trồng thủy sản để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu phát triển cho từng vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, phù hợp các quy mô, các sản phẩm chủ lực phù hợp nhu cầu thị trường; giảm chăn nuôi, nuôi trồng nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ gần khu dân cư không đáp ứng Luật Chăn nuôi, Luật Nuôi trồng thủy sản; Khuyến khích áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng VietGahp, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi sinh thái tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; Phát triển các chuỗi khép kín và chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tạo sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường. Chăn nuôi, nuôi trồng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, cụ thể khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý quy trình chăm sóc nuôi dưỡng xây dựng hệ thống chuồng kín, có hệ thống điều tiết về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, hệ thống máng ăn, máng uống tự động, bán tự động;
Về công tác Thú y và phòng chống dịch bệnh thủy sản, củng cố hệ thống thú y từ Thành phố tới cơ sở. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh với phương châm phòng là chính, phát hiện nhanh, xử lý kịp thời, triệt để không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất. Tổ chức xây dựng các vùng an toàn dịch, cơ sở an toàn dịch, tập trung ở các xã, vùng trọng điểm, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại. Giải pháp về thức ăn và môi trường tập trung sử dụng thức ăn công nghiệp không sử dụng thuốc tăng trọng, chất tạo màu, hạn chế sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; Đẩy mạnh khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong xử lý chất thải trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản như sử dụng chế phẩm vi sinh, sinh học, đệm lót khử mùi và xử lý môi trường trong chăn nuôi lợn, bò, gia cầm; sử dụng vi sinh, sinh học trong nuôi trồng nuôi trồng thủy sản. Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh, thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh và liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt liên kết chặt chẽ với 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng trong việc cung cấp sản phẩm cho Hà Nội và các tỉnh thành. Tăng cường hợp tác với các tổ chức Quốc tế, cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT thực hiện các dự án phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, an toàn thực phẩm hướng tới xuất khẩu sản phẩm.
Giải pháp về cơ chế chính sách, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sơ chế, chế biến sản phẩm được hưởng chính sách của Trung ương và Thành phố. Tiếp tục rà soát, đề xuất về các chính sách phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhằm thúc đẩy tái cơ cấu theo định hướng trong từng giai đoạn. Thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền, tham vấn cho các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tái cấu trúc ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tập trung phát triển giống chủ lực, phù hợp quy hoạch, phù hợp vùng sinh thái; bố trí nguồn kinh phí, tạo điều kiện về đất đai hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sơ chế, chế biến sản phẩm. Chắc chắn với các giải pháp trên được các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo, người chăn nuôi, tiêu dùng đồng thuận, ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của Hà Nội tiếp tục có bước chuyển biến tích cực.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)