THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ GIA SÚC GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thành phố Hà Nội hiện có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước với 1,377 triệu con lợn, 23,2 triệu con gia cầm (trong đó gà 14,5 triệu con; vịt, ngan ngỗng 4,9 triệu con...) và khoảng trên 170 nghìn con trâu bò (trong đó bò sữa 12.500 con). Về hoạt động của các cơ sở giết mổ hiện tại việc đảm bảo cung cấp đa số các sản phẩm của giết mổ cho người tiêu dùng hàng ngày là hệ thống các cơ sở giết mổ đặt trên địa bàn Thành phố; có 3 loại hình chính gồm cơ sở giết mổ công nghiệp, giết mổ tập trung và giết mổ thủ công nhỏ lẻ

           Hà Nội có 07 Cơ sở giết mổ công nghiệp với công suất thiết kế giết mổ cung cấp 112 tấn thịt gia cầm, 82 tấn thịt gia súc/ngày; hiện tại có tới 5 cơ sở tạm ngừng hoạt động và 2 cơ sở hoạt động với số lượng giết mổ cung ứng 15,4 tấn thịt gia cầm (đạt 13,75% công suất thiết kế) và 4,1 tấn thịt gia súc mỗi ngày (đạt 5% công suất thiết kế). Có 08 khu giết mổ tập trung với công suất thiết kế giết mổ, cung cấp 37 tấn thịt gia cầm, 212 tấn thịt gia súc/ngày; hiện 8 khu này hàng ngày giết mổ, cung ứng 10 tấn thịt gia cầm và 140,5 tấn thịt gia súc. Các cơ sở giết mổ công nghiệp và tập trung (khi hoạt động hết công suất), hàng ngày có thể sản xuất, cung ứng tới 88,7% nhu cầu thịt gia cầm và 59,8% thịt lợn của toàn Thành phố. Song thực tế mới chỉ giết mổ, cung ứng 15% nhu cầu thịt gia cầm và 29,4% thịt lợn. Hiện còn tới 100%  thịt trâu bò, 85% thịt gia cầm và 70,6% thịt lợn được cung ứng từ 1.860 cơ sở, điểm giết mổ và hộ kinh doanh giết mổ theo kiểu mùa vụ, số cơ sở giết mổ này chưa được kiểm soát theo qui định.

 Hoạt động của các cơ sở giết mổ trên địa bàn Thành phố hiện có nhiều khó khăn do chăn nuôi qui mô nhỏ, nuôi phân tán, sản phẩn cung cấp không đồng đều chưa phát triển vùng chăn nuôi cung cấp nguồn vào cho cơ sở giết mổ công nghiệp ổn định. Các cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ, nguồn cung tới gần 80% thịt các loại, qui mô nhỏ, số lượng lớn còn chưa được kiểm soát theo qui định sẽ là nguy cơ rất lớn đối với đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh cho người và động vật.

Một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do các cơ sở giết mổ công nghiệp hoạt động cầm chừng, các cơ sở này được thiết kế, xây dựng với mục đích xuất khẩu, có trang thiết bị hiện đại, nhưng hiện nay không có đầu ra, chuyển sang tiêu thụ nội địa,vì vậy không gắn với nguồn nguyên liệu, chưa phù hợp nhu cầu thị trường. Sự vào cuộc của cấp chính quyền cơ sở chưa quyết liệt, thiếu chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm. Các cơ quan chuyên môn chưa tập trung tham mưu, hướng dẫn triển khai xây dựng các mô hình điểm. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm chưa đồng bộ, thật sự phát huy hiệu quả. Nhận thức thói quen của người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đã trực tiếp tiếp tay cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền về sản phẩm giết mổ an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng chưa thực hiện được nhiều hoặc đã làm nhưng phương pháp thông tin tuyên truyền chưa được cải tiến.

Từ thực trạng trên thành phố Hà Nội đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và giao Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ trì triển khai các hoạt động quản lý giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn Thành phố. Thời gian qua Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các Sở, Ngành liên quan và UBND các quận huyên thị xã để triển khai có hiệu quả hoạt động giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn. Mục tiêu thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2016 là khôi phục 6-8 cơ sở giết mổ công nghiệp hiện đại hoạt động. Hình thành mới các cơ sở giết mổ tập trung tại các huyện, xây dựng mới 10-15 cơ sở giết mổ tập trung giai đoạn 2013-2016. Giảm 50% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hiện tại vào năm 2016, hình thành hệ thống các cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm an toàn rộng khắp trong nội thành, nội thị. Đến năm 2016, hoạt động của các cơ sở giết mổ công nghiệp, giết mổ tập trung đáp ứng 50% nhu cầu giết mổ trâu bò, 70% nhu cầu giết mổ lợn và 60% nhu cầu giết mổ gia cầm.

Những giải pháp tập trung chỉ đạo triển khai hoạt động quản lý giết mổ gia súc gia cầm trong thời gian tới là:

- Thực hiện quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm. Xây dựng lộ trình và phát triển cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, công nghiệp trên địa bàn quản lý, thực hiện theo Quy hoạch và Kế hoạch của UBND Thành phố phê duyệt, mục tiêu đến năm 2016 giết mổ tập trung đáp ứng 50% nhu cầu thịt trâu, bò, 70% thịt lợn và 60% thịt gia cầm.

          - Xây dựng thí điểm mô hình quản lý giết mổ gia súc, gia cầm sau tổng kết nhân rộng mô hình. Phối hợp UBND huyện Đan Phượng làm thí điểm mô hình quản lý giết mổ tại huyện Đan Phượng từ Quý III/2013 đến hết năm 2014, mục tiêu 80% sản phẩm giết mổ trên địa bàn được thực hiện ở cơ sở giết mổ đảm bảo vệ sinh môi trường và nâng công suất giết mổ của Công ty Cổ phần XNK Foodex đạt 90% công suất. Giao UBND huyện Đan Phượng xây dựng váo cáo UBND Thành hố phê duyệt để thực hiênh

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, qua hệ thống thông tin, truyền thông: giới thiệu, biểu dương cơ sở sản xuất, lưu thông, giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật đảm bảo an toàn thực phẩm; công bố, phê bình các cơ phẩm. Tập trung xây dựng các chuyên đề phù hợp về an toàn thực phẩm trong sản xuất, lưu thông, giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để định kỳ tuyên truyền trên truyền hình, báo chí, pano, tờ rơi … phổ biến đến người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng.

- Tăng cường công tác quản lý, có chính sách thu hút đầu tư, tham mưu để Thành phố ban hành các quyết định có tính đặc thù để hỗ trợ khôi phục hoạt động của các cơ sở giết mổ công nghiệp đã đi vào hoạt động trước năm 2013. Ban hành các quyết định khuyến khích xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đạt tiêu chuẩn theo quyết định 3410/QĐ-UBND ngày 30/7/2012 để áp dụng chính sách hỗ trợ theo quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 của UBND Thành phố. Ban hành các qui định nhằm quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán  gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Sản phẩm động vật tiêu thụ trong nội thành, nội thị phải có nguồn gốc rõ ràng: có giấy kiếm dịch với lô hàng, có dấu kiểm soát giết mổ trên thân thịt, có tem kiểm tra vệ sinh thú y với sản phẩm đã chia nhỏ, bao gói. Gắn quy hoạch các cơ sở giết mổ với quy hoạch nâng cấp, xây dựng khu bán thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật; hình thành hệ thống các cửa hàng kinh doanh sản phẩm động vật sạch trên địa bàn Thành phố.

- Nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát tăng cường sự phối hợp của lực lượng liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh trái qui định, vi phạm các qui định về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.giết mổ động vật, sản phẩm động vật đưa về Hà Nội cũng như từ Hà Nội đưa đến các tỉnh thành khác.

Với những giải pháp trên được các cấp các ngành triển khai đồng bộ cùng sự đồng thuận của người dân, người hành nghề kinh doanh giết mổ, chắc chắn hoạt động quản lý giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn Thành phố sẽ có chuyển biến rõ nét trong thời gian tới./.

                                                        Nguyễn Ngọc Sơn-PGĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội

Trung tâm Phát triển chăn nuôi

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 2667
Tổng lượng truy cập: 22313801