Từ cuối năm 2018 đến nay, Dịch tả lợn châu Phi gây tổn thất nặng nề cho ngành chăn nuôi lợn thế giới, nhất là tại châu Á, châu Âu và hiện dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại do chưa có vắcxin.
Sáng 26-11, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) khai mạc hội nghị lần thứ 3 của nhóm chuyên gia thường trực khu vực châu Á về bệnh Dịch tả lợn châu Phi (ASF); kết hợp cùng hội thảo vùng lần thứ 4 về khống chế bệnh trên lợn khu vực châu Á.
Chăn nuôi lợn đóng vai trò quan trọng trong ngành chăn nuôi của thế giới, nhất là tại khu vực châu Á. Chăn nuôi lợn chiếm tỷ trọng rất lớn với số lượng chiếm khoảng 2/3 tổng đàn lợn trên thế giới.
Những năm qua, chăn nuôi lợn gặp nhiều rủi ro, thách thức, nhất là dịch bệnh truyền lây qua biên giới.
Đặc biệt, từ cuối năm 2018 đến nay, Dịch tả lợn châu Phi gây tổn thất nặng nề cho ngành chăn nuôi lợn thế giới, nhất là các nước tại châu Á, châu Âu.
Hiện bệnh dịch này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại vì chưa có vắcxin phòng bệnh; trong khi đó, chăn nuôi an toàn sinh học gặp nhiều khó khăn và virus đường truyền lây rất phức tạp.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, tại Việt Nam, ngay từ khi xuất hiện Dịch tả lợn châu Phi ở các nước láng giềng, nhiều giải pháp phòng chống đã được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, do có đường biên giới chung với nhiều nước và lượng người, phương tiện qua lại giữa Việt Nam cũng như các nước rất lớn nên đầu tháng 2-2019 dịch bệnh đã xuất hiện, lây lan mạnh tại hơn 8.500 xã ở cả 63 tỉnh, thành phố.
Từ tháng 6-2019 đến nay, Dịch tả lợn châu Phi đã từng bước được kiểm soát và giảm rất mạnh. Tuy vậy, đường lây truyền vẫn phức tạp bởi virus gây bệnh có thể tồn tại ngoài môi trường rất lâu.
Do đó, nếu không có giải pháp hữu hiệu, bệnh dịch này có nguy cơ bùng phát trở lại và trở thành thách thức lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, hội nghị lần này là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm về kiểm soát các loại dịch bệnh trên lợn, nhất là Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước hiện nay.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cam kết luôn đồng hành, hợp tác chặt chẽ với tổ chức quốc tế và các nước trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tổ chức triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.
Theo ông Hirofumi Kugita - Trưởng đại diện Tổ chức Thú y thế giới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với mức độ ảnh hưởng lớn của Dịch tả lợn châu Phi đến ngành chăn nuôi trong khu vực châu Á, hội nghị tập trung rà soát, đánh giá và xây dựng kế hoạch phòng chống Dịch tả lợn châu Phi của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, hội nghị có mục tiêu chia sẻ những kết quả đã đạt được về các bệnh trên lợn, bao gồm nội dung về tình hình dịch bệnh, giải pháp phòng chống Dịch tả lợn châu Phi; biện pháp an toàn sinh học; thông tin tuyên truyền và cập nhật những kết quả về tình hình nghiên cứu vắcxin…
Theo kế hoạch, hội nghị diễn ra trong 3 ngày, sẽ kết thúc vào ngày 28-11.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)