Giá thịt lợn tiếp tục tăng cao khiến nhiều hộ, trang trại đều muốn tái đàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa chấm dứt hoàn toàn, các địa phương cần phải rà soát, siết chặt việc tái đàn ở các hộ, trang trại chăn nuôi, kiên quyết không để tái đàn thành… tái dịch.
Thời gian gần đây, có một số hộ chăn nuôi đã tái đàn lợn, nhưng do chất lượng con giống chưa bảo đảm và không báo cáo với chính quyền địa phương nên lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy. Ông Đặng Văn Chiến ở xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Do bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nên gia đình tạm ngừng nuôi, nhưng đến tháng 10-2019, khi thấy dịch bệnh giảm, tôi đã nhập 60 con lợn giống về nuôi để bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, do lúc mua chưa tìm hiểu rõ về chất lượng con giống nên chỉ vài ngày sau, lợn bị mắc bệnh nên đã phải tiêu hủy...”.
Trong khi nhiều hộ dân chưa bảo đảm các điều kiện cần thiết để chăn nuôi trở lại thì nhiều trang trại nuôi lợn an toàn sinh học đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Đình Tường - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), hiện nay trang trại có 400 con lợn thương phẩm nuôi theo hướng an toàn sinh học, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 0,5 tấn thịt lợn nhãn hiệu “Thịt lợn sinh học Quốc Oai”. Chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới, Hợp tác xã nâng tổng đàn lên 500 con để có thêm sản phẩm cho người tiêu dùng.
Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại hơn 30% tổng đàn của thành phố (khoảng 550.000 con), nên giá thịt lợn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Do vậy, các trang trại, hộ chăn nuôi đều nóng lòng muốn tái đàn. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thực tế kiểm tra việc tái đàn ở các địa phương đã chứng minh, những hộ chăn nuôi chưa bảo đảm về chuồng trại, mua con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất dễ bị dịch bệnh trở lại. Còn những trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm các điều kiện về chuồng trại, con giống, thức ăn thì đàn lợn vẫn phát triển ổn định.
“Toàn thành phố có khoảng 3.500 hộ chăn nuôi lợn đã tái đàn với 290.000 con. Các cơ quan chức năng phát hiện 196 hộ tái đàn nhưng không báo cáo với chính quyền địa phương (khoảng 7.500 con) và đã xử phạt với số tiền gần 30 triệu đồng” - ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội thông tin.
Từ thực tiễn ở địa phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc khẳng định, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là biện pháp đem lại hiệu quả cao nhất trong việc phòng, chống dịch bệnh, do vậy, huyện sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, nếu bảo đảm an toàn dịch bệnh mới cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo đảm an toàn dịch bệnh động vật, để cho các hộ phát triển tổng đàn.
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường thì phải tái đàn nhưng cần có sự kiểm soát chặt về nguồn gốc, cùng như phải đảm bảo được các yêu cầu an toàn dịch bệnh. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc tái đàn; kịp thời phát hiện các hộ nhập đàn, tái đàn không báo cáo hoặc điều kiện tái đàn không bảo đảm theo quy định của Bộ NN&PTNT để xử lý nghiêm, kiên quyết không để tình trạng tái đàn thành... tái dịch, cũng như hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây ra.
Mặt khác, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc khuyến khích người dân chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm (gà thả vườn, vịt), gia súc (ăn cỏ)... để thay thế thịt lợn; đồng thời phối hợp với các tỉnh để đưa lợn sạch có kiểm soát về bán trên địa bàn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)