Ngày 8-11, Sở NN&PTNT Hà Nội ban hành Báo cáo số 604/BC-SNN, về diễn biến và kết quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn thành phố (tính đến 17h, ngày 7-11-2019).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 ngày (từ ngày 4-11 đến 7-11), bệnh DTLCP đã phát sinh tại 90 hộ, cơ sở chăn nuôi thuộc 15 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 796 con lợn với trọng lượng 49.701kg. Đến ngày 7-11, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 32.766 hộ chăn nuôi (chiếm 40,6% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 2.385 thôn, tổ dân phố ở 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 541.911 con lợn (chiếm 28,9% tổng đàn) với trọng lượng 37.045 tấn. Tổng số lợn nái, lợn đực giống phải tiêu hủy là 70.827 con, chiếm 13% tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn thành phố.
Đến ngày 7-11, có 262 xã, phường (chiếm 58% tổng số xã, phường có dịch) và 6 quận (Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Long Biên) đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh DTLCP.
Theo Sở NN&PTNT nguyên nhân tái phát sinh bệnh dịch này là do bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Trong khi, đường lây truyền và cách thức lây truyền của vi rút DTLCP rất phức tạp. Tại Việt Nam và trên thế giới chưa có nghiên cứu, thông báo cụ thể nào về vấn đề này. Theo thông tin mới nhất của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), bệnh DTLCP đã xảy ra ở nhiều quốc gia. Mặt khác, trên địa bàn thành phố, tổng đàn lợn lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng còn chiếm tỷ lệ cao. Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc động vật lớn (từ 800 đến 1.000 tấn/ngày) trong khi việc kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn.
Luật Thú y không có quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh, nên việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật ở các địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh; các tổ chức, cá nhân dễ dàng hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật. Việc chỉ tiêu hủy lợn ốm, chết và có kết quả xét nghiệm dương tính đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã gây khó khăn trong kiểm soát, triệt tiêu nguồn bệnh và gây nguy cơ cao lưu hành vi rút.
Từ thực tiễn và diễn biến bệnh DTLCP, thời gian tới, cùng với triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của trung ương, của thành phố, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách và tổ chức, triển khai phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các địa phương tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý bệnh theo quy định.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)