Chiều 24/10, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đánh giá kết quả thực hiện “Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040” khu vực phía Bắc.
Toàn cảnh hội thảo
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi, phần lớn các nội dung định hướng phát triển và mục tiêu chính của chiến lược đã được thực hiện đạt yêu cầu đề ra, góp phần quan trọng duy trì vị thế của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và hướng ra xuất khẩu.
Chăn nuôi Việt Nam thực sự trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn. Cụ thể năm 2018, sản ượng thịt các loại đạt trên 5,3 triệu tấn. Trong đó, thịt lợn đạt trên 3,8 triệu tấn, thịt gia cầm 1,2 triệu tấn, trên 11,5 tỷ quả trứng… Chăn nuôi chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại, công nghiệp chiếm trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng. Đã hình thành nhiều ngành công nghiệp nền tảng cho phát triển chăn nuôi thời gian qua và những năm tiếp sau, trong đó công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến sữa đứng đầu trong các nước năng suất chăn nuôi.
Tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi luôn giữ mức cao trong nhiều năm qua, trung bình 5 – 6%/năm, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, đã hình thành nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi, dưới các hình thức chăn nuôi gia công, hợp tác xã chăn nuôi, DN và nông dân cùng làm… Kiểm soát các loại dịch bệnh đã có những tiến bộ đáng kể, nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế trong phạm vi vùng hẹp bảo đảm sản xuất chăn nuôi và lưu thông thực phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Dương cũng thừa nhận, ngành chăn nuôi sản xuất tốt nhưng dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, liên kết và kết nối sâu, công nghiệp chế biến còn yếu. Đặc biệt, tình trạng “được mùa mất giá” vẫn diễn ra. Mục tiêu và định hướng phát triển chăn nuôi trong Chiến lược chưa đánh giá hết được vai trò quan trọng của yếu tố thị trường đối với sự phát triển của ngành hàng thịt lợn và yếu tố đất đai dành cho không gian chăn thả với chăn nuôi trầu, bò thịt.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nhau đóng góp ý kiến về định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040. Theo đó, định hướng đến năm 2030 phần lớn các sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất theo mô hình trang trại và mô hình chăn nuôi chuyên nghiệp. Sản phẩm chăn nuôi bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chí về bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi, chi phí sản xuất thấp có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đến năm 2030 đạt trên 40%. Kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Xây dựng hệ thống vùng chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, kiểm soát tốt môi trường.
Đóng góp ý kiến tại buổi thảo luận, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, cần đánh giá cao vai trò của các DN trong việc phát triển ngành chăn nuôi. Bởi, kết quả thành công có vai trò quan trọng của DN. Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi nên đầu tư phát triển giống, bởi con giống quyết định đến năng suất chăn nuôi. Ông Sơn kiến nghị thêm: Tới đây triển khai Luật Chăn nuôi cần chỉ đạo quyết liệt hơn, để Luật đi vào cuộc sống.
Với góc nhìn của một DN, ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T Hòa Bình cho rằng, chiến lược phát triển chăn nuôi không cần nặng nề về mặt số liệu, bởi chăn nuôi chúng ta cần phải thực hiện theo mệnh lệnh của thị trường. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện, tháo gỡ rào cản, khó khăn cho DN, đề xuất khuyến khích các DN đầu tư công nghệ xử lý môi trường vào chăn nuôi, khuyến khích những mô hình mới để nhân rộng.
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam kiến nghị: Công ty CP đã đầu tư vào Việt Nam đã 26 năm. Hiện nay công ty đang đẩy mạnh chế biến phục vụ thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay khâu kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ ở nước ta đang kiểm soát chưa được chặt chẽ. Việc này ảnh hưởng và thiếu công bằng đối với những DN đầu tư bài bản. Bởi chi phí đầu tư một dây chuyền giết mổ chi phí rất cao. Ngoài ra, rủi ro của ngành chế biến này cũng rất lớn. Ông Tuấn kiến nghị, Nhà nước cần kiểm soát chặt khâu giết mổ, quan tâm khuyến khích đến truy xuất nguồn gốc.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, chăn nuôi cần sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng các loại nhu cầu thực phẩm cho thị trường tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu. Điều chỉnh lại cơ cấu các sản phẩm chăn nuôi gắn với sức tiêu dùng của thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Trong đó, tập trung xuất khẩu những sản phẩm có thị trường tiêu thụ lớn như thịt lợn, gia cầm, trứng và các sản phẩm chế biến.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)