Mô hình hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo: Ý nghĩa lớn, hiệu quả cao

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số miền núi và hộ nghèo trên địa bàn thành phố. Đến nay, sau 3 năm triển khai, mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, có ý nghĩa to lớn đối với các hộ nghèo trong việc cải thiện cuộc sống.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản trên địa bàn huyện Thạch Thất đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hộ gia đình chị Đinh Thị Miên ở thôn 4, xã Ba Trại (huyện Ba Vì) là một trong các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được nhận bò sinh sản miễn phí để chăn nuôi theo mô hình do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai từ năm 2017.

Chị Miên chia sẻ, chồng chị bị mất sức lao động, một mình chị là lao động chính với nghề nông nên cái nghèo cứ đeo bám. Sau khi chị nhận được con bò giống của mô hình về chăm sóc, không bao lâu đã sinh ra bê con.

Về hiệu quả của mô hình, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại (huyện Ba Vì) Hoàng Văn Chuyển cho hay: "Mô hình này phù hợp với trình độ chăn nuôi và điều kiện kinh tế của nhân dân địa phương, mở ra hướng đi mới cho người dân, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập... Nhờ vậy, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã từ trên 5,1% năm 2017, xuống còn 2% năm 2019".

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, năm 2017, 2018, triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản quy mô 170 con (mỗi hộ 1 con) theo phương châm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi khó khăn trên địa bàn các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai đã có hiệu quả tích cực. Năm 2019, trung tâm tiếp tục triển khai mô hình với quy mô 80 con tại 5 xã miền núi thuộc 3 huyện: Thạch Thất, Ba Vì, Mỹ Đức. Qua 3 năm triển khai, số bê con sinh ra từ mô hình hỗ trợ đều sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu nhập từ 7 đến 12 triệu đồng mỗi con bê đực.

Đặc biệt, tại huyện Ba Vì, bò cái sinh sản phối tinh bò BBB sinh ra bê đực đã bán được 18 triệu đồng/con, đối với bê cái còn có giá trị cao hơn từ 3 đến 5 triệu đồng/con. Mô hình được đánh giá là một trong 3 mô hình khuyến nông chăn nuôi tiêu biểu, đại diện cho 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam và Hà Giang được nhận Giải thưởng Vietstock 2018 tại hạng mục “Mô hình khuyến nông chăn nuôi hiệu quả nhất”.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: "Mô hình chăn nuôi bò sinh sản do trung tâm thực hiện đã triển khai đến đúng đối tượng nên được nhân dân, các địa phương, đơn vị đánh giá cao. Tại đợt trao bò hỗ trợ sinh sản năm 2019 mới đây tại huyện Mỹ Đức, ngoài phần hỗ trợ trong mô hình của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, huyện Mỹ Đức và Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội còn hỗ trợ thêm mỗi hộ 4 triệu đồng. Điểm mới này đã tạo hiệu ứng tích cực, thu hút đông đảo đơn vị, lực lượng xã hội tham gia hỗ trợ hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số...".

Biểu dương tính tích cực của mô hình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, mô hình có sức lan tỏa lớn không chỉ giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập mà còn góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của thành phố và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Tuy nhiên, triển khai mô hình năm 2019, việc thu nộp kinh phí đối ứng 30% đối với các hộ nghèo còn khó khăn. Do đó, Sở đề nghị UBND các huyện, cơ quan, đoàn thể của địa phương tiếp tục hỗ trợ kinh phí, giúp đỡ các hộ nghèo...

Nguồn: Hanoimoi.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 928
Tổng lượng truy cập: 25504145