Ngày 24/9, Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn Tầm nhìn và Đối thoại Đối tác công tư (PPP) ngành hàng Chăn nuôi với chủ đề “Thách thức và tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa và sản phẩm sữa”.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành chăn nuôi đã và đang có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Từ năm 2005 đến nay, sản lượng thịt các loại tăng trên 3 lần (từ 1,6 triệu tấn lên 5,3 triệu tấn), trứng tăng 3,9 lần (từ 3,0 tỷ quả lên 11,8 tỷ quả), sữa tươi tăng 18,6 lần (từ 51,5 ngàn tấn lên 960 ngàn tấn), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 4,8 lần (từ 4,3 triệu tấn lên 21,5 triệu tấn), đáp ứng nhu cầu cơ bản của hơn 95 triệu dân Việt Nam.
Đối với ngành chăn nuôi, chăn nuôi bò sữa đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trong những năm qua, chăn nuôi bò sữa của nước ta đang phát triển tốt. Năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đạt 109.000 tỷ đồng (khoảng 4.781 triệu USD). Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa. Sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam được người tiêu dùng trong nước và nhiều nước trong khu vực tin dùng, nhất là thị trường Trung Quốc và các nước Trung Đông.
Quang cảnh Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Ngành chăn nuôi, đặc biệt là ngành sữa có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển do nhu cầu tiêu dùng trong nước về sản phẩm chăn nuôi ngày càng tăng (dân số Việt Nam từ 95 triệu dân năm 2019 lên khoảng 100 triệu dân vào năm 2025). Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo ra những cơ hội cho ngành chăn nuôi tiếp cận công nghệ giống mới, sản phẩm mới, phương thức tổ chức sản xuất và quản lý tiên tiến. Các Hiệp định song phương, đa phương, Hiệp định thương mại tự do có tác động mạnh đến khả năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành chăn nuôi cũng như ngành sữa còn gặp phải những khó khăn và thách thức đang hạn chế tiềm năng phát triển của ngành. Điển hình là việc Việt Nam hiện có 10 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung ứng một nửa sản lượng thịt tiêu thụ trong cả nước, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng thịt, sữa và sản phẩm sữa khá cao để phục vụ tiêu dùng trong nước; năng suất chăn nuôi trong nước có xu hướng giảm, giá thành vẫn còn cao.
Chính vì vậy, đòi hỏi đặt ra là cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi, và cần chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương. Phát triển chăn nuôi gắn với chế biến đa dạng hóa, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi, hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin thêm, tháng 4/2019, Bộ NN&PTNT đã thành lập Nhóm công tác PPP về Chăn nuôi gồm 4 tiểu nhóm bò sữa, heo, gia cầm, TĂCN trong khuôn khổ PSAV (theo Quyết định số 1322/QĐ-BNN-HTQT ngày 22/4/2019). Nhóm do khối công (Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) và khối tư (các Công ty) làm đồng chủ trì.
Sự hợp tác chặt chẽ theo hình thức đối tác Công - Tư được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi bò sữa nói riêng theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. “Bộ NN&PTNT cam kết đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với các với doanh nghiệp để nắm bắt những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện chính sách. Qua đó, tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là ngành chăn nuôi” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)