Do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nhiều nông hộ đang tích cực chuyển đổi sang loại vật nuôi khác nhằm ổn định sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, đặc biệt là dịp cuối năm. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các ngành chức năng, nông dân không nên tái đàn tự phát và chạy theo phong trào bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ mất cân đối cung - cầu…
Để không bị trống chuồng và dần ổn định sản xuất, nhiều hộ chăn nuôi ở các huyện, thị xã của Hà Nội đang chủ động chuyển sang nuôi đại gia súc (ăn cỏ), gia cầm, thủy cầm... Ông Đôn Văn Đặng ở xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai) - chủ hộ chăn nuôi vừa phải tiêu hủy 30 con lợn bởi bệnh Dịch tả lợn châu Phi - cho biết, sau đợt dịch, gia đình ông chuyển sang nuôi ngan thương phẩm.
“Ngan là đối tượng dễ thích nghi, có thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn, quay vòng vốn nhanh, phù hợp với chuyển đổi tạm thời. Hơn nữa, việc cải tạo chuồng trại từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia cầm cũng đơn giản, chi phí thấp”, ông Đặng chia sẻ.
Do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nhiều nông hộ đang tích cực chuyển đổi sang loại vật nuôi khác nhằm ổn định sản xuất
Tương tự, bà Đặng Thị Minh, ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), cho biết: “Sau hơn 2 tháng đàn lợn hàng chục con bị tiêu hủy vì bệnh Dịch tả lợn châu Phi, gia đình tôi vừa vệ sinh chuồng trại, vừa tìm hiểu về mô hình nuôi vịt thương phẩm để "lấy ngắn, nuôi dài". Hiện, gia đình tôi đã gia cố chuồng trại, làm tầng để nuôi vịt. Loài này dễ nuôi, chỉ sau 3 tháng chăm sóc là có thể bán. Gia đình tôi đang có 500 con vịt, dự kiến thời gian tới sẽ nhập thêm để nuôi 1.000 con. Với giá bán hiện nay 40.000-42.000 đồng/kg, mỗi con vịt lãi 15.000-20.000 đồng. Như vậy, mỗi lứa nuôi 1.000 con sẽ lãi khoảng 20 triệu đồng".
Thực tế, chăn nuôi là sinh kế của nhiều hộ dân nên việc chuyển đổi sang vật nuôi khác sẽ giảm gánh nặng về kinh tế, tạo nguồn thu tạm thời cho nông hộ. Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, căn cứ điều kiện từng nơi, huyện khuyến khích các xã vùng trũng, nhiều ao hồ chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản kết chăn nuôi tập trung, như: Cấn Hữu, Sài Sơn; phát triển gà thả vườn ở các xã vùng đồi gò như: Đông Yên, Tân Phú, Hòa Thạch; chăn nuôi bò sữa ở Phượng Cách, Cộng Hòa... Tuy nhiên, người dân cần nuôi theo đúng quy hoạch của huyện, không nên tái đàn với số lượng lớn nếu chưa có đầu ra ổn định.
Để chuyển đổi vật nuôi bảo đảm hiệu quả kinh tế và an toàn, theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nội định hướng tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.
Theo đó, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các địa phương hướng dẫn cơ sở sản xuất giống, doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Những nơi có ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày mà bảo đảm an toàn sinh học; khi kiểm tra môi trường xung quanh cho thấy điều kiện đáp ứng, có doanh nghiệp liên kết tiêu thụ... thì có thể tái đàn. Tuy nhiên, khi tái đàn, người dân không nên nuôi quá 10% số lượng cũ nhằm kiểm soát chất lượng và bảo đảm đầu ra...
Về lâu dài, Sở NN&PTNT Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tái cấu trúc ngành chăn nuôi trên địa bàn thành phố bảo đảm phát huy lợi thế, tiềm năng từng vùng. Sở yêu cầu các đơn vị thống kê, tổng hợp số lượng đàn vật nuôi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng, cơ cấu vật nuôi hằng tháng trên địa bàn từ nay đến cuối năm nhằm cân đối cung - cầu thực phẩm.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, đối với vùng trũng, các địa phương cần hướng người dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi tập trung; vùng đồi gò nên phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ... Đối với các hộ khi nuôi gia cầm hay vật nuôi khác, cần nắm chắc kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh khu vực chăn nuôi; các địa phương cần tăng cường vận động hộ dân tham gia hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể... nhằm chủ động bao tiêu sản phẩm trước khi tái đàn.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)