CÁC GIẢI PHÁP CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM TẠI HÀ NỘI

Bệnh Cúm gia cầm là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do Virut gây nên, hiện nay do biến đổi khí hậu, môi trường chăn nuôi bất lợi nên Viruts cúm gia cầm đã ở trạng thái biến chủng, nhiều chủng mới phát sinh, phát triển. Đã có nhiều chủng gây bệnh trên gia cầm (như Cúm A/H5N1, H5N6, H5N8 ….), nguy hiểm hơn có chủng Virut cúm gia cầm lây nhiễm sang người và có khả năng gây tử vong ở người (như chủng Cúm A/H7N9). Dịch bệnh xảy ra sẽ làm ảnh hưởng, thiệt hại lớn đến kinh tế, lưu thông vận chuyển, tốc độ phát triển chăn nuôi, đặc biệt ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Đường lây truyền của bệnh thì rất rộng, lây trực tiếp giữa con khỏe con ốm, có thể lây truyền gián tiếp qua không khí, thức ăn, nước uống, quần áo, dụng cụ chăn nuôi và các loài gặm nhấm. Bên cạnh đó các chủng Virut Cúm gia cầm còn có thể xâm nhiễm vào nhiều loại động vật khác nhau (như chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và con người …) hoặc có thể gây nhiễm trên thức ăn, nước, dụng cụ và quần áo, tốc độ lây truyền thường nhanh, mạnh, rộng ra các vùng miền khác nhau.

Hà Nội hiện có tổng đàn gia cầm đứng tốp đầu cả nước khoảng 31 triệu con, có chợ Hà Vĩ (thuộc huyện Thường Tín) là chợ buôn bán gia cầm sống lớn nhất khu vực Phía Bắc, hàng ngày xuất nhập khoảng 50 - 60 tấn gia cầm, thủy cầm sống (khoảng 25-30 ngàn con). Số lượng trên từ ở khắp các tỉnh thành trên địa bàn cả nước đổ về, kể cả từ các tỉnh Miền Nam, Miền Trung. Mặt khác khi bệnh Dịch tả lợn Châu phi xảy ra người tiêu dùng sử dụng lượng thịt gia cầm thủy cầm nhiều hơn bù đắp cho việc thiếu hụt thịt lợn nên số lượng gia cầm, thủy cầm thời gian qua trên thị trường có chiều hướng gia tăng mạnh. Dự báo từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên Đán (Canh Tý) lưu lượng vận chuyển gia súc gia cầm ra vào Thành phố là rất lớn, đặc biệt là gia cầm, thủy cầm (kể cả gia cầm thương phẩm và gia cầm giống).

Mặc dù chăn nuôi gia cầm có số lượng lớn song phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ nên kéo theo hệ lụy là giết mổ nhỏ lẻ, trên địa bàn thành phố hiện có tới 456 cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ. Hơn nữa do tập quán vẫn sử dụng gà tươi nên ở các chợ truyền thống, chợ trong khu vực nội thành còn nhiều trường hợp giết mổ ngay tại nơi bàn (khoảng 1-2 con) làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Từ thực trạng trên nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia cầm thủy cầm tại Hà Nội thời gian tới, nhất là bệnh Cúm gia cầm là rất cao.

Để chủ động phòng chống bệnh Cúm gia cầm, người chăn nuôi cần tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể như sau:

Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia cầm, trong đó có vắc xin cúm gia cầm (cúm A/H5N1). Đây là giải pháp quan trọng nhằm tạo miễn dịch chủ động để phòng chống bệnh cúm gia cầm. Một số lưu ý khi tiêm phòng các loại vắc xin và vắc xin cúm là phải tiêm thời điểm gia cầm khỏe mạnh (trừ trường hợp khi có dịch cán bộ chuyên môn có thể cho phép tấn công vắc xin thẳng vào ổ dịch). Tốt nhất nên tiêm phòng vào thời điểm sáng sớm và chiều tối không nên tiêm vào thời điểm nắng nóng, nhất là những ngày có nhiệt độ cao. Sử dụng vắc xin đảm bảo một số nguyên tắc cơ bản như vắc xin còn hạn sử dụng, tiêm đúng liều, có thể cho phép tiêm cùng với một hai loại vắc xin khác (newcatstle, gumboro …) nhưng phải tiêm khác vị trí.

Khử trủng tiêu độc chuồng nuôi, môi trường xung quanh, một giải pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn mầm bệnh, xử lý ngăn chặn mầm bệnh. Để làm tốt điều này cần xử lý nhiều loại thuốc sát trùng để tránh trường hợp nhờn thuốc. Hiện tại đang có nhiều loại thuốc sát trùng sử dụng trong môi trường chăn nuôi và xử lý môi trường, kể cả việc sử dụng thuốc sát trùng khi chuồng nuôi đang có gia cầm nhưng vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe đàn gia cầm. Nên chọn lựa loại thuốc phù hợp với lứa tuổi gia cầm và những loại thuốc an toàn đối với gia cầm non.

Đối với các hộ kinh doanh gia cầm sống tại các chợ, cần thực hiện nghiêm những quy định của địa phương trong việc mua bán tại một khu vực riêng trong chợ, tránh việc ngồi buôn bán ở những nơi không đúng quy định để đảm bảo việc khử trùng tiêu độc khu vực bán đúng quy định của địa phương, ban quản lý chợ. Hơn nữa cũng là việc thuận lợi cho người mua bán mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Đối với các chợ lớn như chợ Hà Vĩ (Thường Tín), chợ Hải Bối (Đông Anh) cần thực hiện nghiêm việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ của cơ quan thú y để đảm bảo việc dự báo, kịp thời phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh. Trường hợp khi có dịch bệnh xảy ra chấp hành nghiêm việc đóng cửa chợ trong một thời gian ngắn để thực hiện việc tiêu độc khử trùng toàn khu vực ngặn chặn mầm bệnh phát sinh phát triển. Khi có gia cầm ốm, chết, biều hiện không bình thường cần thực hiện tốt việc tiêu độc và xử lý gia cầm chết theo quy định.

Kiểm soát giết mổ gia cầm, thủy cầm, trên địa bàn Thành phố hiện đang tập trung xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, hạn chế giết mổ nhỏ lẻ để đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Các doanh nghiệp và người chăn nuôi cần có sự phối hợp liên kết để xây dựng các lò giết mổ gia cầm tập trung để kiểm soát nguồn gốc và tình hình dịch bệnh của gia cầm giết mổ, áp dụng dây chuyền giết mổ tự động và đóng gói sản phẩm khi đưa ra tiêu thụ. Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn dịch bệnh góp phần xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phầm.

Đổi mới phương thức chăn nuôi, một trong những giải pháp lâu dài vừa để đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và chăn nuôi có hiệu quả bền vững. Chăn nuôi tập trung, trang trại, cách xa khu dân cư theo qui trình chăn nuôi khép kín là điều kiện hàng đầu trong phòng bệnh. Tuy nhiên, việc nuôi gia cầm theo hướng phát huy giống gia cầm (chủ yếu gà) bản địa (như gà Mía Sơn Tây, gà Mía Lai, gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, vịt cỏ Vân Đình …) các giống gia cầm này mắc Cúm gia cầm với tỷ lệ cũng khá cao nên cần chú ý hơn đến phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật xử lý môi trường, tiêm phòng để đàn gia cầm có sức đề kháng cao với bệnh Cúm gia cầm. Khi phát hiện gia cầm có biểu hiện triệu chứng không bình thường như bỏ ăn, ủ rũ, đứng tụm một góc chuồng cần báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở và chính quyền địa phương để kịp thời có giải pháp phòng chống dịch bệnh tại gia đình và khu vực xung quanh. Trường hợp có gia cầm chết phải thực hiện nghiêm việc tiêu hủy gia cầm chết, tuyệt đối không được vứt xác chết ra môi trường. Đồng thời tiến hành ngay việc xử lý môi trường trong khu vực chăn nuôi để ngăn chặn dịch bệnh.

Bệnh Cúm gia cầm (nhất là Cúm A/H7N9) còn có khả năng lây sang người nên cần chủ động phòng chống bệnh lây sang người, khi tham gia chăn nuôi cần trang bị đầy đủ bảo hộ lao động (như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ, kính bảo hộ mắt, ủng …). Với người tiêu dùng hạn chế tiếp xúc với gia cầm có biểu hiện bệnh, gia cầm chết, hạn chế mua gia cầm sống tự giết mổ, tốt nhất nên mua gia cầm đã giết mổ từ các cơ sở giết mổ chuyên nghiệp qua kiểm dịch thú y, được đóng gói bảo quản có ghi rõ nơi giết mổ và hạn sử dụng. Chỉ ăn gia cầm và sản phẩm gia cầm đã nấu chín, không ăn tiết canh, trứng sống, lưu ý vệ sinh cá nhân trước khi sử dụng sản phẩm gia cầm nhất là gia cầm sống.

Phòng chống bệnh Cúm gia cầm bảo vệ sức khỏe cộng đồng cần có sự quan tâm chỉ đạo hơn nữa của các cấp chính quyền, sự chung tay thực hiện các giải pháp của cả cộng đồng, người chăn nuôi, người tiêu dùng, có như vậy sẽ hạn chế thấp nhất bệnh Cúm gia cầm xảy ra./.

Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 5412
Tổng lượng truy cập: 27967895