Thành phố Hà Nội hiện có 749 cơ sở, điểm giết mổ gia súc gia cầm, so với cùng kỳ 2018 giảm khoảng 25 % chủ yếu ở các cơ sở điểm giết mổ nhỏ lẻ. Trong đó 220 cơ sở giết mổ lợn, 61 cơ sở giết mổ trâu bò, 456 cơ sở giết mổ gia cầm. Một số cơ sở giết mổ công nghiệp, tập trung lớn trên địa bàn thành phố như cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc (Thanh Trì) giết mổ bình quân 1800 - 2000 con/ngày; cơ sở Minh Hiền (Thanh Oai) giết mổ từ 600 - 800 con/ngày; 03 cơ sở tại huyện Chương Mỹ (tại xã Tốt Động, Hồng Phong, Thị trấn Chúc Sơn) giết mổ bình quân 600 - 800 con/ngày. Số lợn giết mổ tại các cơ sở trên khoảng gần 60 % nhập từ các tỉnh, thành phố khác chuyển về; Cơ sở giết mổ trâu, bò như Công ty Đông Thành (Đông Anh) giết mổ 50-60 con/ ngày; 03 cơ sở tại Hải Bối (Đông Anh) và 01 cơ sở tại Kim Lan (Gia Lâm) giết mổ bình quân khoảng 12-15 con/ngày. Cơ sở giết mổ chủ hộ ông Khắc (Phú Xuyên) khoảng 20 – 30 con/ngày. Cơ sở giết mổ gia cầm có Công ty Lan Vinh (Gia Lâm) giết mổ khoảng 2.500 – 3.000 con/ngày; Thành Lợi (Gia Lâm) giết mổ khoảng 1.000 con/ ngày; cơ sở ông Nguyễn Hữu Tùy (Ứng Hòa) giết mổ khoảng 700 con/ngày. Với số lượng cơ sở giết mổ trên trong 06 tháng đầu năm đã có số lượng kiểm soát khá lớn với trâu, bò là 30.011 con, lợn 575.497 con, gia cầm 5.758.754 con; Với các cơ sở công nghiệp, thời gian qua chỉ có cơ sở giết mổ Vinh Anh (Thường Tín) tiếp tục được duy trì hoạt động giết mổ gắn với việc xây dựng mô hình liên kết chuỗi liên kết các cơ sở chăn nuôi nên có số lợn giết mổ tăng và ổn định khoảng 150-200 con/ngày.
Điểm nhấn trong những tháng đầu năm về công tác kiểm soát giết mổ là sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền, tăng cường kiểm tra nhằm giảm các cơ sở nhỏ lẻ (so với cùng kỳ đã giảm khoảng 25 %). Các quận huyện đã và đang ra soát lại các điểm giết mổ để bổ sung trình UBND thành phố phê duyệt mạng lưới giết mổ. Từ quy hoạch sẽ tiến tới thực hiện giải pháp xây dựng cơ sở giết mổ tập trung giống như huyện Thanh Trì đã làm, không còn để cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn huyện. Với các cơ sở tập trung đã và đang được đầu tư nâng cấp về trang thiết bị, sàn giết giết mổ, hệ thống nước bằng lò hơi, dụng cụ chích ngất gia súc nhằm hạn chế tiếng ồn và đảm bảo chất lượng sản phẩm động vật. Đặc biệt tất cả các cơ sở đều chú ý cải tạo, nâng cấp xử lý hệ thống môi trường, thoát nước thải, nước thoát sàn trước, trong và sau khi giết mổ. Một số cơ sở xây mới (như tại Tốt Động – Chương Mỹ) việc đầu tiên đều chú ý là hệ thống xử lý môi trường. Việc kiểm soát gia súc gia cầm nhập về để giết mổ đã được các cơ sở quan tâm chú trọng, nhất là nhập từ ngoại tỉnh về cơ sở phải đảm bảo đầy đủ giấy kiểm dịch vận chuyển theo quy định của cơ quan thú y. Các cơ sở giết mổ tập trung đều được hệ thống thú y kiểm soát hàng ngày với quy trình trước, trong và sau khi giết mổ. Việc vận chuyển động vật sau giết mổ đã từng bước được cải thiện rõ rệt, nhiều cơ sở đã đầu tư xe chuyên dụng (có hệ thống làm mát) để vận chuyển gia súc gia cầm đi phân phối cho các cơ sở, các chợ đầu mối, các cửa hàng tiện ích. Trường hợp không có xe chuyên dụng các cơ sở, người tiêu dùng đã đầu tư thùng chứa có hệ thống làm mát, hệ thống che chắn, che đạy gia súc gia cầm sau giết mổ trong quá trình vận chuyển từ cơ sở giết mổ đến nơi tiêu thụ.
Bên cạnh đó công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động giết mổ được các quận huyện quan tâm hơn thông qua nhiều hình thức như hệ thống truyền thanh, truyền hình, tờ rơi, ký cam kết thực hiện nghiêm về hoạt động giết mổ. Đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm, tiêu hủy động vật không đủ điều kiện vào cơ sở giết mổ nhất là thời gian diễn ra bệnh Dịch tả lợn Châu phi. Từ đó ý thức của các hộ hành nghề kinh doanh đã được nâng lên, cải thiện theo chiều hướng tích cực góp phần nâng cao chất lượng động vật sau giết mổ được đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, trong hoạt động kiểm soát giết mổ trên địa bàn Thành phố vẫn còn quá nhiều khó khăn, bất cập. Cơ sở sơ chế sản phẩm động vật có 385 trong đó có 253 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm và 88 cơ sở được cấp mã số kiểm tra vệ sinh thú y. Trong 220 cơ sở, điểm giết mổ lợn, chỉ có 47/220 cơ sở (chiếm 22 %), số còn lại chủ yếu là nhỏ lẻ không được kiểm soát, số lượng lợn giết mổ có kiểm soát đạt khoảng trên 60 %. Tại 61 cơ sở giết mổ trâu, bò, trong đó có 11 cơ sở được cấp mã số kiểm soát giết mổ (chiếm 18 %) với số lượng bình quân 150 con trâu bò/ngày được kiểm soát, nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (1-2 con/ngày) chưa được kiểm soát. Trong 456 cơ sở giết mổ gia cầm có 39 cơ sở giêt mổ lớn, tập trung được kiểm soát với số lượng bình quân 35 ngàn – 40 ngàn con/ngày, số còn lại giết mổ nhỏ lẻ không được kiểm soát. Riêng với giết mổ gia cầm vẫn còn nhiều trường hợp giết mổ nhỏ lẻ ngay tại các chợ trong quận nội thành, các chợ truyền thống trực tiếp cho người tiêu dùng (khoảng 1-2 con). Thực tế hoạt động này rất khó kiểm soát do tập quán, thói quen của người dân, người tiêu dùng sử dụng gà tươi, gà làm lễ (vào các ngày lễ, ngày rằm, ngày giỗ ..). Tập quán thói quen này cần phải có thời gian, hoạt động tuyên truyền mạnh hơn để người dân thay đổi.
Giái pháp quản lý hoạt động giết mổ những tháng cuối năm, nhất là thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên Đán (năm Canh Tý). Về mục tiêu, tiếp tục giảm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nâng tỷ lệ các cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát. Nhiệm vụ cụ thể là tham mưu UBND Thành phố phê duyệt “Mạng lưới giết mổ trên địa bàn thành phố”, từ đây sẽ là cơ sở để nâng cao tỷ lệ số cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát, giảm đáng kể cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không kiểm soát. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực giết mổ, nhất là ở các huyện có chăn nuôi lớn (Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên ...). Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, trang trại, gia trại xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm để chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững và cũng chính là để kiểm soát được hoạt động giết mổ. Tiếp tục tham mưu để Thành phố có chính sách khuyến khích hỗ trợ các chủ hộ, trang trại, gia trại đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ và chuỗi liên kết chăn nuôi. Tăng cường kiểm tra kiên quyết xử lý các vi phạm về giết mổ nhỏ lẻ, giết mổ trong khu dân cư không có kiểm soát. Tăng cường công tác kiểm dịch đầu vào đảm bảo gia súc gia cầm rõ nguồn gốc đưa vào các cơ sở giết mổ. Phối hợp với các tỉnh, thành để trao đổi chia sẻ thông tin việc xuất nhập gia súc gia cầm vào các cơ sở giết mổ.
Về công tác tuyên truyền, tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phối hợp với các cơ quan truyền thông tập trung truyên truyền sâu rộng về mạng lưới giết mổ sau khi được Thành phố phê duyệt. các cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp các cơ sở có điều kiện đầu tư cho hoạt động giết mổ. Đồng thời nâng cao năng lực mạng lưới thú y cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn tại cơ sở theo quy định.
Chắc chắn với các giải pháp trên được các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo sự đồng tình của người tiêu dùng, người chăn nuôi đồng thuận, hoạt động quản lý giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn Hà Nội tiếp tục có bước chuyển biến góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng./.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)