Hiệu quả chăn nuôi bò sữa nông hộ tại Phượng Cách – Quốc Oai
Đến thăm mô hình chăn nuôi bò sữa tại gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở Phượng Cách (huyện Quốc Oai – Thành phố Hà Nội) chúng tôi thật ngỡ ngàng khi thấy hiệu quả sau 6 năm của ông Hùng với nghề chăn nuôi bò sữa tại nông hộ.

 Nhìn đàn bò sữa với 32 con tung tăng nô đùa tại tại “sân vận động” ở buổi ban chiều, chúng tôi mừng và khâm phục với một con người lao động thực thụ với nghề bởi tôi cũng là người chứng kiển ông  buổi ban đầu khởi sự chăn nuôi bò sữa vào cuối năm 2007. Ngồi trao đổi với ông, nhớ lại cái ngày “khởi sự” vô vàn khó khăn bởi chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu vốn, thiếu kiến thức. Bên cạnh đó nhìn rộng ra xung quanh, tình hình chăn nuôi bò sữa vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng (thời điểm 2004 – 2006) trên địa bàn không có nơi thu mua sữa ổn định, giá sữa quá thấp, một lít sữa chỉ tương đương với một lít nước khoáng. Với những khó khăn ấy ông chỉ dám bắt về 02 con gọi là “nuôi thử”.  Đây cũng chính là điều “khởi sự” trong nghề mà ông nhớ mãi như lời ông tâm sự. Cũng may khi bước vào nghề, thời điểm đó ông được Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Tây (nay lầ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội) quan tâm tạo điều kiện cho ông đi đào tạo nghề tại Thanh Oai, Ba Vì, Gia Lâm. Ông được tham gia chương trình Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa Việt Bỉ cùng sự đam mê với nghề chịu khó học thầy, học đồng nghiệp, dần dần ông vỡ ra là chăn nuôi bò sữa không đơn giản như người ta nghĩ. Ông đi tìm hiểu cả những người thất bại và thấy rằng thất bại khi chăn nuôi bò sữa một phần do điều kiện khách quan song cái chính vẫn là thiếu kiến thức vì chăn nuôi bò sữa đỏi hỏi phải thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật, làm trái sản lượng sữa thấp, bò ốm, thậm trí bò chết.

Lấy ngắn nuôi dài sau hơn một năm có kinh nghiệm ông quyết định tăng đàn lên 3 con rồi 5 con và trên 10 con vào năm 2009. Cùng với sự tăng đàn đòi hỏi diện tích đất để xây chuồng trại và trồng cỏ phải tăng lên, ông đề nghị xã cho chuyển ra khu đất đấu thầu với diện tích 3,3 mẫu (3.300 m2), ông chuyển ra khu đất này và gắn bó với con bò coi như một nghiệp sống. Những ngày đầu mới ra cũng vô cùng gian nan, vất vả nào xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải, hầm bioga, đồng cỏ. Tính toán làm sao để cân đối với số bò nuôi và hệ thống chuồng trại, đất trồng cỏ, số lượng thức ăn. Cũng may ở thời điểm đó ông luôn được cán bộ Dự án Việt Bỉ, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội hướng dẫn chi tiết cả về hach toán kinh tế trong chăn nuôi bò sữa và các quy trình kỹ thuật. Ông thực hiện một cách nghiêm túc nên có bước trưởng thành trong nghề, ông tăng đàn một cách hợp lý phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như về đất đai, chuồng trại. Không nóng vội vì ông luôn hiểu nghề chăn nuôi bò sữa nếu phát triển nhanh thiếu cơ sở, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật sẽ thất bại. Sau hơn 6 năm thực hiện, bắt đầu từ 02 con giờ đây ông có tổng đàn là 32 con trong đó trên 20 con vắt sữa, 10 con bê, bò kế tiếp làm hậu bị. Ông cũng trao đổi thêm về công tác giống, ông làm chủ được về giống, số bò sinh ra trong mấy năm gần như ông giữ lại làm giống luôn để đảm bảo tăng đàn một cách hợp lý, hạn chế tối đa rủi ro về dịch bệnh khi nhập bò từ nơi khác về.

Nói về thu nhập kinh tế với số bò trên ông nói cũng không tính toán nhiều hàng ngày mà ông chỉ tính toán theo từng tháng nghĩa là làm phép tính đơn giản lấy thu trừ chi để thấy hiệu quả. Ông nói bình quân hàng tháng hiện tại ông có tổng thu trên 60 triệu đồng từ nguồn bán sữa, bê sữa, sau khi trừ chi phí về thức ăn, đầu tư cho trồng cỏ, điện nước hết khoảng trên 50 % tổng thu ông còn lãi trên dưới 30 triệu. Số tiền này ông lại tiếp túc đầu tư vào đàn bò, đồng cỏ và giữ lại một phần để chủ động trong sinh hoạt gia đình. Ông cũng nói luôn về lao động ông không phải thuê ngoài mà chủ yếu lấy từ nguồn lao động trong gia đình (vợ con ông), với 3 lao động chính trong gia đình và hàng tháng ông có tổng thu khoảng 30 triệu, chia bình quân là gần 10 triệu đồng/người/ tháng. Đây quả thật là một nguồn thu nhập trong mơ đối với người dân lao động từ nghề chăn nuôi. Thành quả mà ông đạt được đến ngày hôm nay ông rất mừng nhưng ông cũng phải thừa nhận đã mất bao mồ hôi nhỏ xuống trên mảnh đất này, những đêm thức trắng, mất ăn mất ngủ khi đàn bò có con hắt hơi sổ mũi, ốm đau hoặc có đêm trực bỏ đẻ phải mất cả đêm đến khi \"mẹ tròn con vuông\"  mới yên lòng đi ngủ.

Về kinh nghiệm với nghề, ông cũng bộc bạch vớ chúng tôi và những đồng nghiệp đó là phải có tâm với nghề, găn bó với con bò hàng ngày để nó luôn khỏe và sạch. Phải đảm bảo có đồng cỏ hoặc tranh thủ nguồn thức ăn từ các hộ làm nông nghiệp xung quanh như thân cây ngô, cây họ đậu. Nuôi bò sữa phải đảm bảo có vốn vì con bò đẹp bây giờ khoảng 50 - 70 triệu và thực hiện nghiêm các quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó một yếu tố rất quan trong không được chủ quan là thực hiện thật nghiêm quy trình vệ sinh phòng bệnh, về việc này cần đảm bảo làm tốt ngay từ khâu chọn giống, đến kỹ thuật xây dựng chuồng trại, sân vận động đến chế độ dinh dưỡng cho bò. Nếu không làm tốt, đồng bộ các quy trình cũng đồng nghĩa với thất bại. Một điều ông chia sẻ thêm là giờ đây người dân rất yên tâm đầu tư cho bò sữa bời đầu ra cho bò sữa bây giờ rất yên tâm, ngay trên địa bàn Thành phố đã có tới 05 Công ty lớn sản xuất và chế biến sữa nên không lo việc phải đi bán sữa lẻ như trước đây nữa.

Thuận lợi và hiệu quả là vậy song ông Hùng cũng không ít những băn khoăn lo lắng về giá bò giống giờ đây là quá cao trong khi đó giá thức ăn, chi phí vận chuyển, đầu vào cao mà giá sữa thu mua từ các Công ty không tăng theo biến động này. Bên cạch đó, thời tiết khí hậu có diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi cũng như việc tiêu  thụ sữa đặc biệt trong việc phòng chống dịch bệnh. Là một người chăn nuôi ông cũng rất mừng giờ đây thành phố Hà Nội đã có chính sách để khuyến khích phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư để chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả. Xuất phát từ đây mà những năm qua ông đã mạnh dạn tăng đàn, mạnh dạn đầu tư và dành cả công sức cho con bò sữa. Định hướng trong năm 2013 đến cuối năm  ông tăng lên 40 con làm tiền để để tăng trên 50 con vào năm 2015. Bên cạnh đó ông tập trung nâng cao về chất lượng đàn bò để đạt khoảng 4800 - 5000 kg/chu kỳ (hiện đàn bò của ông đạt khoảng 4500kg/chu kỳ). Ông cũng đang là người đi đầu trong các hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Phượng Cách và cùng mọi người tham gia Chi hội phát triển chăn nuôi bởi ông luôn nghĩ phải có nhiều hộ chăn nuôi giống như gia đình Ông thì vùng chăn nuôi ở khu vực mới phát triển bền vững và mang lại hiệu quả cao

Hy vọng hộ chăn nuôi ông Hùng là một điểm sáng về phát triển chăn nuôi nông hộ để mọi người phát triển chăn nuôi bò sữa học hỏi kinh nghiệm góp phần đẩy nhanh chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa ở Thành phố đạt mục tiêu 15 ngàn con vào năm 2015.

                                                                     Nguyễn Ngọc Sơn-Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội

 

Trung tâm Phát triển chăn nuôi

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 3451
Tổng lượng truy cập: 22313801