Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Lở mồm long móng gia súc
Trong 5 năm 2008- 2012 dịch LMLM gia súc thường tái phát tập trung vào tháng 1 - tháng 3, tuy nhiên chủ yếu xẩy ra trên đàn lợn; rất ít gặp trên đàn trâu bò. Qua kiểm tra, Typs vi rút gây bệnh LMLM trên địa bàn Hà Nội thuộc typs O, phù hợp với chủng Vắc xin đang tiêm phòng hiện nay. Từ 2012 đến nay, dịch LMLM trên đàn lợn, kết quả xét nghiệm cho thấy đa số ghép vi khuẩn Tụ cầu khuẩn, Liên cầu khuẩn, Tụ huyết trùng ...gây chết tỷ lệ cao đối với lợn thương phẩm, nhất là ở đầu ổ dịch. Vì vậy nếu không quản lý chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, có thể Liên cầu khuẩn sẽ lây nhiễm sang người, nhất là người giết mổ, ăn tiết canh, ăn thịt chưa nẫu chín ( ăn tái)...

 Để chủ động phòng chống dịch bệnh Lở mồm long móng gia súc, khống chế không để dịch lây lan rộng. Chi cục Thú y hướng dẫn các Trạm Thú y các quận, huyện, thị xã khi nghi có dịch LMLM gia súc tổ chức phòng, chống dịch theo quy trình sau:

1. Chỉ đạo Ban Thú y cơ sở, phân công Thú y viên phối hợp với Trưởng thôn, cụm dân cư kiểm tra, giám sát dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi; hướng dẫn các biện pháp vệ sinh tiêu độc môi trường, biện pháp nuôi dưỡng chăm sóc, Hàng ngày thực hiện chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh, kết quả tiêm phòng về Trạm Thú y theo quy định.

2. Tr­ường hợp kiểm tra phát hiện gia súc có biểu hiện nghi mắc bệnh LMLM gia súc , Trạm Thú y phân công cán bộ trực tiếp kiểm tra, điều tra dịch tễ và lập biên bản xác minh dịch bệnh, sơ bộ có kết luận chẩn đoán:

          Khi kiểm tra phát hiện ( hoặc Ban Thú y cơ sở, chủ hộ chăn nuôi... báo cáo ) có gia súc ốm,  với các triệu chứng, bệnh tích nghi mắc bệnh LMLM phải thực hiện ngay các bước sau:   

2.1. Lâý  mẫu xét nghiệm chủng vi rút gây bệnh: Lấy mẫu bệnh phẩm trong trường hợp gia súc mắc bệnh có triệu chứng nặng, lây lan nhanh, diễn biến dịch phức tạp ( Khi có ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chi cục ).

 Mẫu bệnh phẩm là niêm mạc lưỡi, lợi, da mụn nước ở chân, mõm, dịch mụn nước….Bảo quản mẫu bệnh phẩm đúng quy cách, gửi kèm theo phiếu gửi bệnh phẩm, bệnh phẩm gửi đến Trung tâm chẩn đoán Thú y TW càng nhanh càng tốt.

Phải lưu ý: Đối với cán bộ thú y kiểm tra ổ dịch, hướng dẫn chăm sóc điều trị phải có bảo hộ lao động, khi ra khỏi chuồng nuôi gia súc bệnh phải sát trùng để tránh làm lây lan dịch bệnh. Cấm Thú y từ các xã khác đến điều trị tại xã có dịch.

          2.2. Tiến hành điều tra dịch tễ ( Ghi đầy đủ các thông tin theo mẫu biểu Phòng Dịch tễ đã hướng dẫn ) . Trong đó cần điều tra rõ:

- Kiểm tra xác minh truy tìm nguồn gốc phát sinh bệnh, như  mua từ đâu, có giấy kiểm dịch ? tiêm phòng vắc xin gì?

- Các thông tin về chủ hộ có gia súc mắc bệnh:

          + Họ tên chủ hộ, địa chỉ

          + Loại gia súc mắc bệnh :

          + Lứa tuổi, tính biệt

          + Tổng đàn gia súc mắc bệnh ( số ốm, số chết, số đã huỷ, số bán, nếu bán thì bán đi đâu ..)

          + Tổng đàn có nguy cơ mắc bệnh ( Các loài gia súc có khả năng nhiễm bệnh LMLM của chủ hộ )

          + Tình hình tiêm phòng ( đã sử dụng vắc xin gì ? thời gian sử dụng )

          + Diễn biến dịch bệnh: Ngày xuất hiện triệu chứng đầu tiên; tình trạng bệnh, mức độ lây lan, triệu chứng, bệnh tích....)

- Các thông tin về thôn, xã có dịch:

          + Tổng đàn gia súc có khả năng mắc bệnh

          + Số hộ kinh doanh buôn bán, giết mổ gia súc.

          + Số gia súc đã tiêm phòng, số gia súc chưa tiêm phòng vắc xin LMLM.

          2.3. Lập biên bản xác minh dịch bệnh, đề nghị UBND xã, phường, thị trấn và chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn tại mục 3.

          2.4. Báo cáo tình hình dịch bệnh và tham mưu với UBND quận, huyện, thị xã các văn bản chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

          2.5. Trạm Thú y có văn bản hướng dẫn cụ thể các biện pháp kỹ thuật chống dịch, phân công cán bộ trực tiếp theo dõi tại ổ dịch.

          2.6. Trạm Thú y phân công cán bộ trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện các biện pháp chống dịch tại các xã có dịch.

3. Các biện pháp kỹ thuật:

3.1. Tiêu huỷ gia súc mắc bệnh:

          - Tiêu huỷ bắt buộc các loại gia súc sau: Lợn đực giống, Lợn thương phẩm dưới 2 tháng tuổi, lợn con theo mẹ mắc bệnh với triệu chứng lâm sàng điển hình, không phải chờ kết quả xét nghiệm.

 Đối với lợn nái, lợn thương phẩm trên 3 tháng tuổi, trâu bò được giữ lại chăm sóc điều trị, nuôi cách ly, đánh dấu và quản lý theo dõi. Chỉ tiêu huỷ trong trường hợp mắc bệnh nặng, không có khả năng hồi phục.

- Trường hợp  xét nghiệm có kết quả dương tính với các týp  vi rút mới, tại ổ dịch đầu tiên tiêu huỷ toàn bộ gia súc mắc bệnh.

- Phương pháp tiêu huỷ : có thể áp dụng phương pháp đốt hoặc chôn, hoặc kết hợp giữa đốt và chôn. Vị trí chôn huỷ phải đảm bảo xa khu dân cư, xa nguồn nước, xa trục đường giao thông, không gây ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh.

- Biên bản tiêu huỷ chỉ xác nhận số gia súc trực tiếp đem tiêu huỷ có sự chứng kiến của Cơ quan Thú y và chính quyền địa phương, không xác nhận số gia súc đã chết, tiêu huỷ trước đó do Chủ hộ khai báo.

- Hỗ trợ thiệt hại: thực hiện theo quyết định số 4380/ 2009/QĐ-UBND ngày 25/8/2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc quy định mức kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

3.2. Vệ sinh tiêu độc môi trường :

          Phải thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc môi trường theo 2 bước :

          a. Vệ sinh cơ giới:

- Thu gom toàn bộ phân, rác, chất độn chuồng, ... đốt ngay trên nền chuồng nuôi, hoặc đem ủ theo phương pháp nhiệt sinh học.

          - Tại lối ra, vào chủ hộ có gia súc ốm: rắc vôi bột tại lối đi, có túi vôi bột đặt tại rãnh thoát nước sinh hoạt trước khi đổ ra ngoài.

          - Tại lối ra, vào ngõ, xóm có dịch, thôn có dịch: rắc vôi bột ngang đường đi, chiều dài 3- 4 m, đế sát trùng tất cả các phương tiện vận chuyển, người ...qua lại.

          b. Tiêu độc bằng hoá chất:

- Sau khi đã  vệ sinh cơ giới xong, tiến hành phun thuốc sát trùng lên toàn bộ bề mặt nền, tường, trần nhà..... quá trình phun đảm bảo làm ướt toàn bộ bề mặt vật được sát trùng ( Nồng độ pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất, liều lượng phun 80 - 100 ml thuốc đã pha/ m 2 diện tích )

- Đối với hộ có gia súc bệnh phun thuốc sát trùng ngày 1 lần; thôn có dịch phun 2 lần / tuần, xã có dịch 1 lần / tuần, cho đến khi hết dịch.

- Các xã vùng bị uy hiếp tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc môi trường 1 lần.

3.3. Quản lý việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, sản phẩm gia súc:

          Thành lập các chốt kiểm dịch ra, vào thôn, xã có dịch, để kiểm soát:

- Cấm bán chạy, giết mổ gia súc bệnh. ( yêu cầu các hộ chăn nuôi có gia súc bệnh có cam kết )

- Tạm dừng việc xuất, nhập, giết mổ, buôn bán gia súc và sản phẩm gia súc trong thời gian có dịch.( Yêu cầu các hộ kinh doanh vận chuyển, buôn bán, giết mổ có cam kết thực hiện )

- Cấm đưa gia súc đi chăn thả, kể cả gia súc chưa mắc bệnh cho đến khi hết dịch và bãi chăn thả đã được tổng vệ sinh tiêu độc.

3.4. Tiêm phòng vắc xin bao vây:

          Khi xảy ra dịch, Trạm thú y phải khoanh vùng dịch, xác định vùng khống chế để tiêm phòng bao vây ổ dịch:

          - Đối với vùng khống chế: là các xã tiếp giáp với xã có dịch và các thôn chưa có dịch trong xã đó.

          - Vùng nguy cơ cao: Là các thôn xung quanh chợ buôn bán gia súc và nơi giết mổ gia súc; các xã có điểm trung chuyển, tập kết gia súc; các xã có ổ dịch LMLM gia súc trong vòng 2 năm gần đây; các thị trấn, thị tứ có đường quốc lộ đi qua.

          - Vùng đệm: là các xã tiếp giáp bên ngoài với vùng khống chế.

          - Đối tượng tiêm phòng bao vây: tất cả trâu, bò, dê tại các vùng nêu trên. Đối với lợn tiêm phòng  toàn bộ lợn nái, lợn đực giống, lợn bột ở các thôn xung quanh thôn có dịch thuộc vùng khống chế; còn lại chỉ tiêm phòng cho lợn nái và lợn đực giống.

          Nguyên tắc là tiêm phòng từ ngoài vào trong. Sau khi gia súc được tiêm phòng tại vùng khống chế đã có miến dịch ( Đủ 14 ngày sau khi tiêm) tiến hành tiêm phòng cho trâu bò, lợn, dê thôn có dịch ( Trừ số gia súc mắc bệnh đã khỏi về triệu chứng lâm sàng).

3.5. Thông tin tuyên truyền: Phối hợp với đài truyền thanh quận, huyện, thị xã và Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch, các chính sách của nhà nước trong công tác phòng chống dịch LMLM gia súc để nâng cao nhận thức của cộng đồng.

3.6. Biện pháp chăm sóc, điều trị gia súc mắc bệnh:

          Bệnh LMLM gia súc không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi gia súc mắc bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho con vật để tránh hiện tượng nhiễm trùng, kế phát các bệnh khác.

- Miệng: Khi gia súc chảy rãi, có mụn nước cần rửa hàng ngày bằng các chất chua, như Chanh, Khế, dấm.

-  Chân: rửa sạch chân bằng xà phòng, dung dịch sát trùng nhẹ như thuốc tím 0,1 %, dung dịch Virkon pha nồng độ 0,1 %....sau đó bôi Xanhmethylen. Không để gia súc dẫm lên phân, chuồng trại phải đảm bảo sạch sẽ, khô ráo tránh nhiễm trùng.

- Vú: Rửa sạch bằng nước xà phòng, sau đó bôi  Xanhmethylen hoặc thuốc mỡ Tetracyclin

- Ngoài ra khi con vật sốt cao có thể dùng thuốc giảm sốt, kháng sinh để tránh nhiễm trùng kế phát. Tiêm thuốc trợ sức, trợ lực như Cafein, B.Comlex, .....Đối với lợn khi bị què không đi lại được, nên trở mình hàng ngày vài lần để tránh hoại tử da.      

          Đối với các ổ dịch đầu tiên thường có tỷ lệ chết cao, nhất là lợn thương phẩm; Cần lưu ý khi trong đàn có hiện tượng chết nhanh, nguyên nhân chủ yếu do kế phát tụ huyết trùng hoặc Tụ cầu khuẩn, Liên cầu khuẩn...khuyễn cáo người chăn nuôi tiêm kháng sinh để chống kế phát, kết quả kiểm tra kháng sinh đồ cho thấy các loại kháng sinh sau có hiệu quả cao như Rìfammycin, Ampicilline, Cephalosporin.

                                                                                                                                Cấn Xuân Bình- Chi cục Thú y Hà Nội

Chi cục Thú y

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1371
Tổng lượng truy cập: 25357476