Phòng bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc
Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, bệnh lở mồm long móng trên gia súc đã xuất hiện trở lại, khiến cho cơ quan chuyên môn và các hộ chăn nuôi hết sức lo ngại vì nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, bệnh sẽ dễ lây lan thành dịch trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ chăn nuôi và cả ngành Nông nghiệp.

 Bệnh lở mồm long móng trên gia súc là loại bệnh nhiễm trùng do một loại virut chuyên gây bệnh cho động vật gây nên. Bệnh xảy ra ở những loài động vật có móng chẵn như lợn, trâu bò, dê cừu. Bệnh được xếp vào nhóm lây lan nhanh và gây thiệt hại nghiêm trọng. Hiện, bệnh lở mồm long móng trên gia súc đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành của cả nước và chúng đang có xu hướng lây lan ra nhiều địa phương khác. Bệnh lây lan rất nhanh nên chỉ cần một vài con mắc bệnh, thì các con khác trong đàn sẽ bị lây nhiễm bệnh liền sau đó.

Triệu trứng của bệnh lở mồm long móng trên gia súc rất dễ nhận biết. Khi con vật bị virut xâm nhập vào cơ thể, 2 đến 3 ngày sau đó, con vật sẽ bị sốt cao trên 40 độ C; kém ăn, hoặc bỏ ăn, giảm tăng trọng; miệng và lưỡi cũng như móng chân của gia súc có những mụn nước và lở loét; miệng chảy nhiều nước bọt và bị viêm dạng mụn nước ở lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng… Khi các mụn nước này vỡ ra, con vật sẽ bị lở loét mồm tổn thương móng, đi lại rất khó khăn. Nếu chỗ bị bong móng bị viêm mủ do nhiễm trùng thứ phát, có trường hợp, con vật bị sứt cả móng chân.

Bệnh lở mồm long móng do loại virut có sức đề kháng cao gây nên và virut này có thể sống nhiều ngày, nhiều tháng ngoài môi trường. Vì thế, bệnh phát triển rất nhanh và mạnh trên diện rộng. Có 2 phương thức lây lan: con đường trực tiếp từ con vật bị nhiễm bệnh truyền sang con khỏe hoặc gián tiếp thông qua môi trường, dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, nước uống, phân thải có chứa mầm bệnh.

Nếu đàn gia súc bị mắc bệnh lở mồm long móng người chăn nuôi sẽ thiệt hại lớn về kinh tế. Nếu bệnh phát triển mạnh, khoảng 5 – 7 ngày, thì con vật sẽ yếu ớt, khó thở, không ăn uống được và dẫn đến tử vong. Bệnh này sẽ làm chết thú non, gây sẩy thai đối với thú có mang và làm giảm khả năng sản xuất thịt, sữa đối với thú nuôi thịt và lấy sữa.

Hiện nay, bệnh lở mồm long móng trên gia súc chưa có thuốc đặc trị cho nên, gia súc bị bệnh nên được cách ly, nhốt riêng trong chuồng khô ráo để theo dõi và cho ăn thức ăn mềm, xử lý các mụn loét bằng thuốc sát trùng nhẹ, có thể dùng kháng sinh điều trị để chống phụ nhiễm. Ngoài ra, để ngăn chặn bệnh này, người chăn nuôi nên thực hiện công tác phòng bệnh là chính, cần tăng cường và cải thiện điều kiện nuôi dưỡng, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh trên vật nuôi và vacxin lở mồm long móng cho gia súc, phải đảm bảo khu vực chăn nuôi sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc chuồng trại và môi trường định kỳ bằng các loại thuốc sát trùng, giám sát chặt chẽ sức khỏe của gia súc nuôi để phát hiện nhanh những biểu hiện bất thường và có biện pháp đối phó kịp thời.Việc phòng bệnh lở mồm long móng bằng vacxin nên được thực hiện định kỳ 2 lần/năm và một số đợt bổ sung. Nếu ở vùng chưa có dịch, lợn nên được tiêm chủng lần đầu lúc 4 tuần tuổi và đối với trâu bò là lúc 4 tháng tuổi. Còn ở vùng có dịch, tiêm chủng được thực hiện sớm hơn, lúc con vật 2 tuần tuổi, sau đó chủng lần 2 cách lần đầu 1 tháng, tái chủng cách 5 – 6 tháng/ lần.

Bên cạnh công tác tiêm phòng, người chăn nuôi lưu ý nên áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, ngăn chặn mầm bệnh lây lan vào chuồng trại; phải đổi mới phương thức chăn nuôi tập trung theo qui trình khép kín và chủ động tiêm phòng cho đàn gia súc đủ liều với tỷ lệ 100%; chọn con giống có nguồn gốc khỏe mạnh và sạch bệnh; thức ăn và các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ bảo hộ lao động và người vào chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo không có mầm bệnh; thường xuyên vệ sinh và sát trùng chuồng trại để ngăn chặn virus từ bên ngoài xâm nhập vào.

Khi phát hiện gia súc bị nhiễm bệnh, người nuôi phải báo ngay cơ quan thú y để có biện pháp phòng trị và ngăn chặn kịp thời. Khi vật nuôi chết, phải tiến hành tiêu hủy và thực hiện tiêu độc, sát trùng chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh tránh lây nhiễm ra xung quanh./.

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1324
Tổng lượng truy cập: 25357476