Giữ gìn và phát huy nhãn hiệu Gà đồi Ba Vì
Phát huy lợi thế nằm trong vùng bán sơn địa, có vùng trung du đồi gò lớn, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong xây dựng nhãn hiệu, chuỗi sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm,… những năm gần đây,  huyện Ba Vì đã phát triển mô hình chăn nuôi gà đồi chất lượng vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Chị Phùng Thị Đông – xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì - Hội viên Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì cho biết: Trang trại gà của gia đình chị luôn duy trì tổng đàn từ 4.000 – 5.000 con, có thời điểm cao nhất chị chăn nuôi 10.000 con. Hiện tại, 2.000 con đang trong thời kỳ cho xuất bán, với giá bán 95.000 đồng/kg gà trống,  91.000 – 92.0000 đồng/kg gà mái. Theo như chị Đông thì giống gà chủ yếu được nuôi ở đây là giống gà ri lai mía. Nhờ lợi thế địa hình đồi gò và khí hậu mát mẻ, rất thích hợp để chăn nuôi gà thả đồi, gà sinh trưởng và phát triển rất tốt. Trước đây, gà chủ yếu được nuôi theo hộ gia đình, nhỏ lẻ, tự phát nên giá cả không ổn định. Từ khi tham gia Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, được thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ thuật, được tham quan học tập kinh nghiệm, được hỗ trợ tiêu thụ đầu ra,… chị Đông đã phát triển trang trại gà rất ổn định, thu nhập trung bình hàng năm trên 200 triệu đồng.

Hướng tới lợi ích chăn nuôi lâu dài, UBND huyện Ba Vì đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Gà đồi đồi Ba Vì”. Ngày 08/03/2017, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 13969/QĐ-SHTT cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Gà đồi đồi Ba Vì”. Với nhãn hiệu này, gà đồi Ba Vì có thêm những điều kiện thuận lợi để phát triển thương hiệu, đồng thời đây cũng là cơ hội để người dân địa phương nâng cao giá trị hàng hóa và thu nhập.

Ông Trần Đình Thành - Chủ tịch Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì cho biết: Từ 40 hộ thành viên ban đầu, đến nay Hội có 64 hội viên. Các hội viên tham gia chủ yếu là các hộ nông dân trực tiếp chăn nuôi, tiêu thụ gà đồi tại các xã trọng điểm nuôi gà của huyện là Thụy An, Cẩm Lĩnh và các hộ chăn nuôi, ấp nở và tiêu thụ sản phẩm gà thịt trên địa bàn huyện. Gà đồi Ba Vì được nuôi thả tự nhiên trên những vùng đất đồi gò rộng có bóng mát của cây cối, được tự do bay nhảy trong vườn, nên thịt gà có độ dai, chắc, thơm đặc trưng và cho tỷ lệ nạc cao. Thời gian qua, Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì đã liên kết các hộ chăn nuôi với nhau tạo thành chuỗi sản xuất. Quy trình chăn nuôi từ khâu chọn lựa con giống, chọn thức ăn, nuôi thả đến vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho gà đều được các hộ chăn nuôi thành viên thực hiện theo đúng kỹ thuật. Nhờ đó, đàn gà của các hộ chăn nuôi trên địa bàn luôn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, giữ được tổng đàn từ khi đưa vào ấp cho đến khi xuất bán.Hiện nay, tổng đàn gà của Hội đạt khoảng 192.000 con. Nhờ được nuôi và chăm sóc theo đúng quy trình, giá bán gà dao động từ 90.000 - 110.000 đồng/kg (tùy thời điểm), mang lại thu nhập ổn định cho người nuôi. Gà đồi Ba Vì chủ yếu đang được bán cho thương lái, các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Để giữ gìn và phát triển triển thương hiệu “gà đồi Ba Vì”, trong thời gian tới, Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì sẽ tiến hành đeo khuyên tai cho gà nhằm quản lý chặt chẽ đàn gà theo đúng quy trình chăn nuôi an toàn. Đồng thời, đề xuất Sở NN&PTNT, UBND huyện hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm qua sơ chế có dán tem, nhãn truy xuất nguồn gốc. Qua đó, khẳng định chất lượng của sản phẩm và giữ vững nhãn hiệu Gà đồi Ba Vì.

Bà Phan Thị Xuân Hương - Trạm phó phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế từ chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn, thực hiện sự chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, hàng năm Trạm khuyến nông huyện đã triển khai  mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Các hộ tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ con giống, thức ăn cho gà, được tập huấn kỹ thuật và thăm quan mô hình trước khi triển khai. Mô hình khuyến nông đã giúp cho người chăn nuôi áp dụng các TBKT mới trong chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tạo ra môi trường chăn nuôi an toàn, không phát sinh dịch bệnh và làm thay đổi tập quán chăn nuôi trước đây. Bên cạnh đó, thông qua nguồn vốn Quỹ Khuyến nông thành phố, Trạm cũng đã tăng cường hỗ trợ các hộ chăn nuôi gà đồi được tiếp cận nguồn vốn để phát triển và mở rộng quy mô đàn gà trên địa bàn huyện.

          Chăn nuôi gà đồi tại Ba Vì đang đóng góp đáng kể vào việc nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô và các vùng lân cận. Vị trí của chăn nuôi gà đồi ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế của huyện và góp phần quan trọng vào việc phát triển chăn nuôi gà thả vườn của Hà Nội.

Lưu Thị Phượng - Phòng Thông tin tuyên truyền & XTTM - TTKN Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7698
Tổng lượng truy cập: 28234112