Hiện nay, sau những ngày rét đậm, rét hại tại các vùng nuôi trồng thủy sản đã bắt đầu có hiện tượng cá bị bệnh. Hiện tượng cá bị bệnh phổ biến xuất hiện trên hầu hết các loài cá nuôi. Tuy nhiên, bệnh xuất hiện nhiều trên những loài cá có nguồn gốc nhiệt đới: diêu hồng, rô đầu vuông, rôphi, trê, lóc bông, cá chim trắng... Đây là những loài cá có nguồn gốc nhiệt đới nên khả năng chịu lạnh kém hơn những loài cá bản địa.
Trong những ngày rét đậm vừa qua nhiệt độ môi trường nước có ngày xuống tới 12, 130C và thấp hơn ở những ao đầm có mặt thoáng rộng. Khi nhiệt độ xuống thấp cá thường không ăn hoặc ăn rất ít, nếu như trước đó việc cho ăn không đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ làm cho cá yếu hơn, sức đề kháng với môi trường cũng giảm theo. Cá thường tập trung xuống đáy hoặc dạt sát vào bờ ao tránh rét. Tại đáy ao nơi môi trường nước luôn trong tình trạng bất lợi cho cá: thiếu oxy hòa tan, nhiều khí độc gây hại: H2S, CH4, NH3…đồng thời đáy ao luôn là nơi trú ẩn của các vi sinh vật gây bệnh: vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng…Do vậy khi cá tránh rét sẽ gặp phải hàng loại các yếu tố bất lợi, ảnh hưởng đến sức khỏe và sức đề kháng. Cá thường ít bơi lội nên đây cũng là cơ hội tốt cho các vi sinh vật ký sinh. Nấm sẽ là ký chủ đầu tiên bám vào da, mang chúng phát triển dần thành các chùm và mức độ phát triển ngày một nhanh hơn trong những ngày ấm áp trở lại. Các động vật ký sinh cũng nhờ nấm mà bám vào da, mang và gây hoại tử da, mang gây nên hiện tượng viêm và cuối cùng là vi khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập qua da gây bệnh bên trong cơ thể cá. Dấu hiệu bệnh thường thấy trong thời gian này sẽ là các đốm đỏ xuất hiện trên da cá và trên đó xuất hiện các đám nấm mọc tựa như những túm bông. Trong thời gian 3-5 ngày khi bệnh xuất hiện nếu không phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời cá sẽ bị hoại tử nơi những đám nấm mọc. Cá sẽ chuyển bệnh thành hội chứng lở loét và mức độ lan truyền bệnh trong ao hồ sẽ tăng mạnh hơn khi mầm bệnh trong đó ngày một tăng.
Để khắc phục hiện tượng cá bị mắc bệnh trong mùa đông người nuôi thủy sản cần thực hiện các biện pháp sau:
Thực hiện phòng chống rét cho cá cần tiến hành từ tháng 11 hàng năm.
Đảm bảo môi trường ao nuôi luôn sạch bằng cách bón vôi định kỳ với lượng 2kg/100m2ao.
Cần cho cá ăn đầy đủ trong những ngày trước khi rét đậm xảy ra và trong những ngày nắng ấm cần tiếp tục cho cá ăn để nâng cao sức đề kháng cho cá. Cho ăn tăng cường thêm Vitamin C với lượng 30-50g/kg thức ăn, B1 với lượng 20g/kg thức ăn.
Trước mùa đông nên gom cá lại trong các ao nhỏ có diện tích từ 2-3 sào, kín gió, nằm ngang với hướng gió bắc, dễ che chắn và kiểm soát môi trường.
Nâng mực nước trong ao đạt tối thiểu đạt 1,5 m.
Ao cần được che bớt mặt thoáng 2/3 diện tích mặt ao bằng bèo tây hoặc khi thời tiết rét đậm kéo dài dùng tre làm giàn trên mặt ao che phủ nilon kín để tăng khả năng giữ nhiệt độ cho ao.
Đáy ao cần được xử lý bằng các chất khử trùng dạng viên sủi, khi đưa các viên đó xuống ao chúng sẽ chìm xuống đáy, tan ra và diệt khuẩn trong đáy ao. Các chất khử trùng nên dùng: vôi bột, thuốc tím, TCCA, Iodine, BKC, SDK, Vicato... Đối với vôi nên dùng 2 kg/100 m3 nước, thuốc tím 5mg/ m3 và các loại khác xem trên hướng dẫn bao bì của các sản phẩm. Dùng những loại chế phẩm xử lý môi trường đáy trong những ngày nắng ấm (lưu ú khi dùng chế phẩm sinh học phải tiến hành sục khí cho ao liên tục 3-4 giờ sau khi dùng.
Khi xuất hiện cá chết cần phải vớt ngay khỏi ao để giảm sự phát tán mầm bệnh. Nếu tỷ lệ xuất hiện bệnh tới 10% cần gom cá lại bằng lưới vây, dùng Iodine với lượng 20 mg/ l và té xuống trong thời gian 15 phút mới tiến hành thả cá ra ao đồng thời khử trùng toàn bộ ao nuôi bằng một số chất đã nêu trên (chỉ định dùng nên xem trên bao bì sản phẩm). Khi dùng thuốc phải theo dõi các phản ứng của cá để có biện pháp ứng phó kịp thời, nên thả cá ra khi thấy cá có biểu hiện không bình thường: có nhiều cá thể bơi không định hướng, lổi đầu hoặc ngửa bụng...
Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, tuần để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Trong quá trình triển khai nếu gặp những vấn đề khó khăn người nuôi trồng thuỷ sản có thể liên hệ theo các số diện thoại để được tư vấn trực tiếp tại phòng Kỹ thuật - Trung tâm giống Thuỷ sản Hà Nội: 0433975073.
Ths Nguyễn Khắc Lâm - PGĐ Trung tâm giống Thuỷ sản Hà Nội