Những năm qua, ngành chăn nuôi của Thành phố phát triển cả về số lượng và chất lượng, tổng đàn gia súc và gia cầm lớn, tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 50% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp. Riêng đối với chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn trên 1,4 triệu con (lợn nái 211.424 con, lợn đực giống 2.636 con, lợn thịt trên 1,2 triệu con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 330.674 tấn. Trong vòng 2 năm trở lại đây, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khủng hoảng về từ tháng 10/2016 khi giá lợn hơi thấp dưới giá thành sản xuất. Trong tình hình đó, nhiều trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn Thành phố đã áp dụng chương trình quản lý trang trại theo hướng an toàn sinh học. Đây được xem là một giải pháp bền vững để các trang trại phát triển đáp ứng yêu cầu về thực phẩm an toàn và tối ưu hóa năng suất chăn nuôi hiện nay.
Chăn nuôi lợn an toàn sinh học có thể được hiểu một cách khái quát là đưa ra các biện pháp kỹ thuật (từ việc cải tạo cơ sở, các hạng mục liên quan tới chăn nuôi, kỹ thuật mới,...) để đạt mục đích hạn chế tối đa sự lây nhiễm các dịch bệnh, tác nhân sinh học tự nhiên hoặc do con người tạo ra làm ảnh hưởng tới sức khỏe, năng suất của đàn lợn, mất cân bằng hệ sinh thái.
Trong quá trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học cần đáp ứng các nguyên tắc và yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt một cách đều đặn hàng ngày như:
(1) Bảo vệ vật nuôi trong môi trường an toàn (khu sát trùng, hố sát trùng, hệ thống xử lý nguồn phân, nước thải sau bioga, hệ thống làm mát, thoát khí độc từ trong chuồng nuôi,...);
(2) Khu vực chăn nuôi nên xa khu vực chăn nuôi súc vật khác và các hộ gia đình (khoảng cách khu dân cư tốt nhất từ 500m);
(3) Chuồng trại, khu vực chăn nuôi cần có rào chắn để tránh thú dữ, vật lạ; Đảm bảo sự yên tĩnh hạn chế người đi lại khu vực chăn nuôi;
(4) Thiết kế các hố sát trùng ở mỗi dãy chuồng trại để tránh lây ô nhiễm chéo (tránh lây nhiễm chéo bởi sự qua lại của công nhân, kỹ thuật,... từ chuồng lợn chửa; lợn đẻ, nuôi con và lợn thịt);
(5) Chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý vật nuôi hiệu quả: Đảm bảo đầy đủ lượng thức ăn đạt chất lượng; nguồn nước sạch; Thực hiện theo đúng quy tắc, mật độ chăn nuôi hợp lý;
(6) Định kỳ tiêm phòng các loại vaccin phòng chống dịch (Lịch tiêm phòng Vaccin tới từng loại lợn nái chửa, nái đẻ, lợn con, lợn thịt và đực giống);
(7) Xử lý, thu gom các chất thải (Vệ sinh sạch sẽ mọi vật dụng chăn nuôi, nước uống gia súc)
Hiện nay, tình hình chăn nuôi lợn rất khó khăn thì việc áp dụng quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học đâu đó tại một số trại đã có sự lơ lỏng, không thực hiện đảm bảo đúng, đủ các tiêu chí về chăn nuôi an toàn. Song, đa số các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn các huyện/thị xã của Thành phố vẫn áp dụng áp dụng quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học một cách hiệu quả, để duy trì, giảm thiểu rủi ro gây mất năng suất và hiệu quả kinh tế.
Trên địa bàn huyện Thanh Oai, mô hình điển hình của việc áp dụng quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học và hiệu quả là trang trại chăn nuôi lợn của HTX Hoàng Long (do 05 thành viên sáng lập, giám đốc điều hành là ông Nguyễn Trọng Long). Trang trại được đầu tư từ năm 2007, nằm cách xa khu dân cư trên 500m. Đến năm 2016 trang trại được cải tạo thiết kế mới hoàn thiện khá bài bản và hợp lý với quy mô trên 4.000 con lợn (Lợn nái 600 con, lợn thịt từ 3.600 con). Trên diện tích 2,18 ha trang trại thiết kế 2 khu chuồng nuôi được ngăn cách bởi một diện tích ao và hệ thống đường nằm giữa (khoảng 0,5 ha) và 01 khu xử lý môi trường chăn nuôi tách biệt bên ngoài (khoảng 3 ha) để xử lý nguồn nước thải sau Bioga, nhằm đảm bảo môi trường chăn nuôi tối ưu nhất để khai thác đàn lợn tại trại. Một bên khu chuồng được xây dựng theo kiểu chuồng một dãy, đây là khu chuồng có hệ thống làm mát và lưu thông không khí trong chuồng thiết kế khá đặc biệt. Đối diện bên kia là một khu chuồng nuôi gồm 4 dãy trong đó 3 dãy chuồng 2 tầng và 01 dãy chuồng 3 tầng trông giống như căn hộ chung cư (đã đưa vào sử dụng từ đầu năm 2012). Bố cục giữa các dãy, ô chuồng luôn được sát trùng bằng vôi bột và phun thuốc khử trùng định kỳ để đảm bảo tránh sự lây nhiễm chéo lợn giữa các lứa tuổi, lợn nái, lợn thịt, lợn đực giống và khu chuồng cách ly. Đối với riêng từng loại lợn (Nái chửa, nái đẻ, lợn con, lợn thịt, hậu bị và đực giống) thì sẽ có riêng từng quy trình quản lý chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và khai thác chi tiết riêng biệt đảm bảo vấn đề an toàn sinh học để cho năng suất cao nhất.
Ông Long cho biết từ khi thành lập HTX đầu tư cho chăn nuôi lợn thì vấn đề an toàn sinh học luôn được quan tâm hàng đầu – đây là vấn đề sống còn của trang trại quyết định năng suất cùng hiệu quả kinh tế cả HTX. Thực tế việc không xảy ra dịch bệnh từ khi thành lập trang trại của HTX đã là một minh chứng rõ nét. Khi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học là hàng năm trang trại ông đã cung cấp ra thị trường gần 800 tấn lợn hơi và hàng ngàn con giống các loại, đạt doanh thu gần 50 tỷ đồng. Định hướng của trang trại ông trong những năm tới là tiếp tục tập trung vào việc nâng cao năng suất đàn nái (sử dụng giống lợn nái Gene+ nguồn gốc từ Pháp để làm đàn nái ông bà) và tự sản suất giống bố mẹ; Phát triển chăn nuôi đàn lợn nái năng suất cao ổn định từ 300-600 con; Nâng sản lượng thịt lợn hơi đạt 900 – 1000 tấn. Đồng thời tập trung xây dựng và hoàn thiện chuỗi tiêu thụ sản phẩm khép kín từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng. Qua sự tư vấn hỗ trợ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội từ năm 2013, tới nay sản phẩm thịt lợn của HTX đã được giết mổ, pha lóc, chế biến đảm bảo ATTP, được bao gói hút chân không với các sản phẩm thịt lợn sinh học cùng giò, chả,...với nhãn hiệu “Thực phẩm an toàn A-Z” đã cung cấp ra thị trường và được đánh giá có chất lượng thơm ngon phù hợp thị hiếu túi tiền người tiêu dùng; Sản lượng thịt lợn và các sản phẩm chế biến của HTX hiện nay đã tiêu thụ chiếm 30% tổng sản lượng toàn trại
Như vậy, chăn nuôi lợn an toàn sinh học luôn đóng vai trò tiên quyết đảm bảo năng suất hiệu quả trang trại. Đồng thời giúp người chăn nuôi giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí, tăng cao thu nhập tiến đến tích lũy làm giàu và tạo ra nguồn nguyên liệu ATTP dồi dào là tiền đề để phát triển các chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm đảm bảo ATTP trên địa bàn toàn Thành phố./.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)