Kết quả Nội bật sau 2 năm thực hiện Quyết định 2801/QĐ-UBND về Phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư được các cấp các ngành, người dân ghi nhận.
Về phát triển chăn nuôi bò sữa hình thành rõ nét và phát triển ổn định được 10/15 xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm gồm xã Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Minh Châu (Ba Vì); Phù Đổng, Dương Hà, Trung Màu (Gia Lâm); Phượng Cách (Quốc Oai); Vĩnh Ngọc (Đông Anh); Phương Đình (Đan Phượng). Tại các xã này, số lượng đàn bò sữa, sản lượng sữa và quy mô chăn nuôi bò sữa tăng nhanh. Tổng đàn bò sữa tại thời điểm ở 10 xã này là 9.084 con (tăng 1.312 con), số hộ chăn nuôi bò sữa là 2.450 hộ (tăng 70 hộ), quy mô đạt 3,69 con/hộ; Sản lượng sữa đạt 74 tấn/ngày. So với tổng đàn bò và sản lượng sữa toàn Thành phố thì đàn bò tại 10 xã trọng điểm chiếm 79,8%, sản lượng sữa tươi chiếm 79,2%; trong gần 2 năm triển khai tổng đàn bò sữa tại 10 xã đã triển khai tăng thêm được 1.494 con, tốc độ tăng đàn đạt 13%/năm; Số hộ tăng lên thêm 149 hộ, quy mô chăn nuôi tăng từ 3,1 con/hộ lên 3,69 con/hộ. Sản lượng sữa tăng thêm đạt 16 tấn/ngày. Như vậy tại các xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm, giá trị từ sữa và bò sữa tăng lên ước đạt 100 tỷ đồng. Đây là nguồn thu nhập chính của các hộ chăn nuôi và cũng là sinh kế, công cụ để các hộ chăn nuôi bò sữa vươn lên làm giàu.
Chăn nuôi bò thịt tập trung phát triển được 10 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm gồm xã Lệ Chi, Văn Đức (Gia Lâm); Tự Lập (Mê Linh); Minh Trí (Sóc Sơn), Lam Điền (Chương Mỹ); Kim An (Thanh Oai), Đông Yên (Quốc Oai), Minh Châu (Ba Vì), Thượng Cốc (Phúc Thọ), Đồng Tâm (Mỹ Đức) với 14.865 con bò thịt, bò sinh sản, chiếm 11,4% tổng đàn bò thịt toàn Thành phố. Ở những xã này chất lượng đàn bò được cải thiện rõ rệt mang lại lợi ích kinh tế cao, hơn nữa đây là những vùng sản xuất giống bò hướng thịt cung cấp cho Hà Nội và những vùng lân cận. Công tác cải tạo đàn bò, đưa giống mới có chất lượng tốt, năng suất cao (Brahman và Droughtmaster, BBB) thông qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo được triển khai có hiệu quả. Đã xây dựng một mạng lưới cán bộ kỹ thuật (Dẫn tinh viên) với 90 người được đào tạo cơ bản và đào tạo nâng cao hàng năm để thực hiện công tác TTNT bò tại các cơ sở. Xây dựng 16 điểm cấp phát tinh, vật tư kèm theo phục vụ cho công tác TTNT tại các vùng phù hợp với số lượng đàn bò theo từng vùng. Thành phố đã tập trung đưa 3 giống chất lượng cao Droughtmaster, Brahman, BBB vào thực tiến sản xuất. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trước năm 2011 là 22 %, năm 2012 đạt trên 34 % đàn bò cái trong diện sinh sản. Nét nổi bật là Bê sinh ra từ phương pháp lai TTNT có chất lượng, giá trị kinh tế cao, được người chăn nuôi rất ưa chuộng. Hàng năm đã có gần 20 ngàn bê giống chất lượng cao sinh ra (trong đó 10 xã trọng điểm là trên 2000 con), tính riêng giá trị của 02 giống bê lai này cao hơn với giống lai Sind trên địa bàn Hà Nội từ 2 triệu – 2,5 triệu thì giá trị từ bê sinh ra tăng lên từ 30 tỷ đến 50 tỷ đồng/năm. Do làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật đến nay người chăn nuôi bò thịt đã thay đổi hẳn tập quán chăn nuôi đó là chú trọng nuôi bò giống chất lượng cao mà tập trung là 3 giống bò nêu trên.
Đi đôi với việc phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt, chăn nuôi lợn được phát triển mạnh, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lợn giống lợn thịt như ở Cổ Đông thị xã Sơn Tây, xã Vạn Thái, Sơn Công huyện Ứng Hòa xã Phúc Lâm, Hợp Thanh huyện Mỹ Đức xã Liên Hà huyện Đông Anh … Đến nay toàn Thành phố với 722 trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư với, trong đó 467 hộ (có quy mô lợn nái từ 20 con, lợn thịt từ 100 con/hộ trở lên), tổng đàn lợn năm 2012 là 337.719 con tăng 182.719 cong so với năm 2010. Tốc độ tăng đàn đạt 118%. Nét nổi bật của phát triển chăn nuôi lợn là tập trung chuyển từ chăn nuôi chuồng hở sang chuồng kín, đến nay đã nâng cấp từ chuồng hở sang chuồng kín cho 30.280 m2 chuồng nuôi, tăng công suất từ 104.000 con lên 396.500 con.
Các mô hình chăn nuôi lợn theo quy mô lớn ngoài khu dân cư cũng được đầu tư hỗ trợ và phát huy hiệu quả. Hiện có 416 hộ chăn nuôi với tổng đàn là 234769 con và quy mô đạt 20 lợn nái/ hộ, 100 lợn thịt/hộ. Ngoài ra còn nhiều khu chăn nuôi lợn tập trung ngoài khu dân cư đang phát triển ổn định, có hiệu quả như khu chăn nuôi xã Tân Ước huyện Thanh Oai có 12 hộ với diện tích 27ha; khu chăn nuôi tập trung tại Ứng Hòa có 9hộ/32ha; khu chăn nuôi tập trung xã Cấn Hữu huyện Quốc Oai có 11hộ/34ha ...
Về phát triển chăn nuôi gia cầm, hình thành và phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn tại các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Đông Anh, Sơn Tây, Quốc Oai. Qua khảo sát đã xác định phát triển chăn nuôi gia cầm ở 11 xã trọng điểm nằm trong 5 vùng chăn nuôi với tổng số trại là 548 trại/2.700.064 con. Cụ thể vùng chăn nuôi gia cầm xã Ba Trại, Cẩm Lĩnh huyện Ba Vì với 209 trại/896.900 gà thịt; Vùng chăn nuôi gia cầm xã Cổ Đông thị xã Sơn Tây với 92 trại/727.000 con, Vùng chăn nuôi gia cầm xã Cấn Hữu huyện Quốc Oai với 28 trại/116.500 con Vùng chăn nuôi gia cầm xã Thanh Bình, Lam Điền, Tốt Động, Tiên Phương, Đại Yên huyện Chương Mỹ với 185 trại/857.864 con, Vùng chăn nuôi gia cầm xã Đại Mạch, Tiên Dương huyện Đông Anh với 34 trại/101.800 gà đẻ. Trong đó, các xã chăn nuôi trọng điểm là: Lam Điền có 210.000con/48hộ, Thanh Bình (Chương Mỹ) có 278.000con/61hộ, Ba Trại (Ba Vì) có 681.400 con/143 hộ, Cổ Đông (Sơn Tây) có 537.000 con/63 hộ.
Các giống gà được nuôi tại các trang trại rất đa dạng, phù hợp với nhu cầu và năng lực cũng như tập quán tại các vùng sản xuất. Ngoài các giống gà công nghiệp, gà thả vườn, gà đẻ được nuôi tại các trang trại, các vùng thì ngành chăn nuôi Hà Nội còn chủ trương khôi phục và nhân rộng các giống đặc sản như gà Mía (Đường Lâm – Sơn Tây), vịt cỏ Vân Đình (Ứng Hòa). Có thể nói, chăn nuôi gà đặc biệt là chăn nuôi gà thương phẩm hiện đang là nghề chính của các hộ chăn nuôi tại các xã trọng điểm. Chính vì vậy khâu tiêu thụ sản phẩm đang rất được các hộ quan tâm. Để hỗ trợ các hộ chăn nuôi đồng thời thực hiện nhiệm vụ chương trình, ngành Nông nghiệp (trực tiếp là Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội) đã triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, tập trung xây dựng các chuỗi tiêu thụ sản phẩm nghĩa là từ người sản xuất đến người tiêu dung. Năm qua đã xây dựng chuỗi tiêu thụ trứng gà tại huyện Chương Mỹ với mà nhãn hiệu trứng gà sạch Tiên Viên là một điển hình. Đây là một trong những tín hiệu khả quan cho ngành chăn nuôi phát triển mang tính hiệu quả, bền vững. Thực hiện được các hoạt động này, các doanh nghiệp sẽ tìm được hướng đi đúng cho quá trình tiêu thụ sản phẩm – một khâu quan trọng của quá trình chăn nuôi.
Có thể khẳng định, Chương trình phát triển chăn nuôi tại các xã, vùng chăn nuôi trọng điểm trong giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả quan trọng, đặt nền móng cho sự củng cố và phát triển của chương trình trong các năm tiếp theo. Số lượng đàn gia súc, gia cầm tại các xã, vùng trọng điểm có sự chuyển biến rõ rệt cả về số lượng và chất lượng, đời sống các hộ nông dân được nâng cao. Đồng thời trong cộng đồng cư dân nông thôn Thủ đô xuất hiện không ít các “ông chủ - đại gia” chăn nuôi. “Chất và lượng” trong quá trình triển khai đã khuyến khích được một số huyện, xã quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng, khu trọng điểm và mở rộng, nâng quy mô đối với hộ chăn nuôi ngoài khu dân cư theo nhu cầu và tiềm lực kinh tế của xã, huyện mình.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chương trình cũng bộ lộ những khó khăn, hạn chế như việc quy hoạch chăn nuôi tại các huyện thị xã chưa được đồng bộ, thời tiết khí hậu có diễn biến phức tạp, môi trường ô nhiễm, giá thức ăn chăn nuôi, vật tư phục vụ chăn nuôi biến động, tăng cao làm ảnh hưởng nhiều đến tốc độ phát triển chăn nuôi. Đặc biệt trong chăn nuôi lợn, gia cầm năm qua giá đầu ra không ổn định, thị trường biến động khá mạnh, nhiều thời điểm giá xuống quá thấp làm người chăn nuôi không yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Về công tác giống đã được cải tiến đáng kể song chưa đáp ứng với tốc độ phát triển, nhất là trong chăn nuôi bò sữa, bò thịt, tỷ lệ bò thuần, bò cao sản còn thấp (dưới 20 %). Những khó khăn, hạn chế trên đã trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư trên địa bàn Thành phố.
Định hướng và những giải pháp trong thời gian tới của Thành phố Hà Nội là tập trung Quy hoạch các vùng chăn nuôi theo xu hướng tận dụng lợi thế, tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất giống, tăng cường công tác thụ tinh nhân tạo, đảm bảo an toàn dịch bênh, vệ sinh môi trường; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hợp tác với các tỉnh, thành để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức các hội chợ và làm tốt công tác tuyên truyền nhằm quáng báo giới thiệu hình ảnh chăn nuôi Hà Nội. Hy vọng với những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của các cấp các ngành, sự đồng thuận của người dân chăn nuôi của Hà Nội sẽ có bước tiến mới mạng đậm nét của một Thủ Đô ngàn năm văn hiến.
Sau gần 2 năm tổ chức triển khai thực hiện, với sự cố gắng nỗ lực của các cấp các ngành và các hộ chăn nuôi đã đạt được kết quả trên. Tại Hội nghị đã có 22 tập thể và cá nhân được Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tặng Bằng khen và Giấy khen về những thành tích đã đạt được.
Hà Nội, ngày 13/01/2013
Người viết: Nguyễn Ngọc Sơn
PGĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)