Thành phố Hà Nội có hệ thống sông, hồ khá dày đặc; cùng với nhiều ao, ruộng trũng nên nguồn lợi thủy sản khá phong phú và đa dạng. Trong đó có các hệ thống sông, hồ lớn như: sông Đà, sông Hồng, sông Đáy, sông Tích, hồ Đồng Mô, hồ Suối Hai,... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản trên địa bàn Thành phố có dấu hiệu bị suy giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau; các mối đe dọa và xung đột trong bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có những đặc trưng riêng và cần có sự chung tay của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản:
1. Những mối đe dọa đến nguồn lợi thủy sản trên địa bàn Hà Nội:
Thực tế cho thấy, nguồn nước tại các thủy vực cũng ngày càng bị ô nhiễm do nước xả thải từ các làng nghề, khu công nghiệp, khu dân cư,… chứa nhiều hóa chất, độc tố (hóa chất khử trùng, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học,…)chưa được xử lý tốt, làm cho chất lượng nước xấu đi, không đảm bảo cho đời sống của nhiều đối tượng thủy sản. Việc ngăn sông làm đập thủy lợi, thủy điện làm mất đường di cư của các loài thủy sản bản địa cũng làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
Bên cạnh đó, việc khai thác quá mức và khai thác sử dụng các phương pháp hủy diệt như xung điện, các loại lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn qui định là một trong những nguyên nhân làm cho nguồn lợi thủy sản không chỉ tại các sông, hồ lớn mà ngay cả nguồn lợi thủy sản nội đồng tại các kênh, mương nhỏ cũng giảm sút một cách nghiêm trọng. Mặc dù vấn đề này đã được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, cảnh báo song nhiều người dân vì lợi ích trước mắt mà chưa tuân thủ theo quy định.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, có một bộ phận người nuôi chưa có ý thức nên vẫn sử dụng các loại hóa chất không theo quy định dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm do để lại tồn dư trong nước; nước ao nuôi có thủy sản chết do bệnh được xả trực tiếp ra môi trường khiến lây lan dịch bệnh cho động vật thủy sản ngoài tự nhiên,...
2. Những xung đột trong công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản tại Thành phố Hà Nội
a. Xung đột giữa khai thác, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
Đối với Hà Nội, việc lấy khai thác thủy sản là nghề mưu sinh chính của người dân còn rất ít, các làng nghề khai thác thủy sản phần lớn đã chuyển đổi sang các nghề khác, chỉ còn một số hộ dân sống ven các sông, hồ còn có hoạt động này. Tuy nhiên trong các khu vực nội đồng việc khai thác cá, tôm bằng xung điện; các công cụ khai thác như đơm, đụt, lưới bát quái (có kích thước mắt lưới quá nhỏ) còn diễn ra làm hủy diệt các loài thủy sinh vật, tiêu diệt các đối tượng kế cận làm suy giảm quần thể nghiêm trọng, mất cân bắng sinh thái,...
Việc phát triển nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch sẽ phá vỡ môi trường tự nhiên, thu hẹp môi trường sống của các loài thủy sản bản địa dẫn tới mất cân bằng sinh thái; việc phát triển lồng bè trên các sông hồ một phần để phát triển kinh tế nhưng cũng dẫn đến nguy cơ phá vỡ nơi cư trú tự nhiên của một số loài thủy sản; việc khai thác con giống ngoài tự nhiên để đưa vào nuôi, trong khi khâu sản xuất giống nhân tạo các đối tượng thủy sản này chưa tốt dẫn đến suy giảm số lượng cá thể ngoài tự nhiên,...
b. Xung đột giữa sản xất nông nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học các loài thủy sinh vật
Trong sản xuất lúa và rau mầu người dân dùng một lượng tương đối lớn các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật với chủng loại, liều lượng chưa được kiểm soát tốt, mặt khác một bộ phận người dân chưa ý thức hết tác hại của chúng nên vỏ bao bì, chai lọ còn tồn dư các chất độc hại này không được người dân thu dọn chúng sẽ theo trời mưa và theo nguồn nước chảy xuống các ao, hồ, sông suối từ đó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của các loài thủy sinh vật cũng như môi trường sinh thái.
Trong chăn nuôi, chất thải của các loài động vật nuôi phổ biến của các trang trại chăn nuôi như: lợn, gà, trâu, bò,... không được kiểm soát gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, chúng theo nguồn kênh rạch chảy ra các con suối sông nhỏ gây ra tình trạng ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm hóa học nghiêm trọng mà một số vùng chăn nuôi gặp phải hiện nay đang gặp phải, từ đó môi trường sống của các loài tôm, cá bản địa cũng bị suy giảm nghiêm trọng do ô nhiễm nguồn nước.
c. Xung đột giữa thủy sinh vật ngoại lai và các loài thủy sản bản địa
Các đối thủy sản được nhập về Việt Nam để phát triển kinh tế, làm cảnh,... sau đó do thiếu sự kiểm soát đã tràn ra môi trường tự nhiên, cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn, nơi ở. Một số loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại, đe dọa đến môi trường sống của các loài thủy sinh vật như: Ốc bươu vàng, tôm càng đỏ, rùa tai đỏ, ... cũng là mối nguy hại với đa dạng sinh học và sự tồn tại của các loài thủy sinh bản địa trên địa bàn Hà Nội.
d. Xung đột giữa phát triển đô thị và ô nhiễm nguồn nước
Thành phố Hà Nội với khoảng 10 triệu dân (bao gồm cả khách vãng lai), việc phát triển đô thị là điều tất yếu để đảm bảo nơi ở và sinh sống cho người dân, tuy nhiên do công tác quy hoạch chưa đảm bảo nên việc san lấp ao, hồ làm nhà ở; việc thiếu các nhà máy xử lý nước thải; việc xả thải trực tiếp ra các ao hồ, sông, suối dẫn tới ô nhiễm nguồn nước trong các khu vực nội đô, các vùng đô thị ngày càng nghiêm trọng. Các sông, hồ từng một thời có rất nhiều các loài thủy sản sinh sống và là nguồn sống của người dân thì hiện nay đang bị ô nhiễm và suy giảm nghiêm trọng như: Sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy,...
đ. Xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường
Cùng với tốc độ đô thị hóa, tốc độ phát triển công nghiệp cũng diễn ra mạnh mẽ, đem lại công ăn, việc làm và đẩy mạnh phát triển kinh tế cho thành phố, tuy nhiên mặt trái của phát triển công nghiệp là ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước diễn ra ngày một nghiêm trọng. Tại một số vùng phát triển mạnh về làng nghề tiểu thủ công nghiệp (Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên,...) hệ thống các kênh rạch, ao, hồ,…bị ô nhiễm nghiêm trọng, các loài tôm, cá xuất hiện ở đó rất ít.
3. Nâng cao công tác Bảo vệ và phát triển nguồn lợi Thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội:
Ngày17/9/2015, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 178/KH-UBND thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020 đây là cơ sở để các Sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố. UBND thành phố đã ban hành văn bản số 1791/UBND-NNNT ngày 28/3/2016 về tăng cường quản lý ngăn chặn chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản,... Ngoài ra, theo sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp&PTNT, hàng năm Chi cục Thủy sản đều có những văn bản hướng dẫn, đôn đốc tới cấp huyện về công tác Bảo vệ và phát triển nguồn lợi Thủy sản trên địa bàn.
Theo nhiệm vụ được giao, trong những năm qua Chi cục Thủy sản đã tiến hành công tác tuyên truyền tới đông đảo người dân về công tác này dưới nhiều hình thức như: Mít tinh, Tờ rơi, Phát thanh, Phóng sự truyền hình,…; tiến hành thả cá tái tạo nguồn lợi và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tình hình sử dụng xung điện để khai thác thủy sản trên địa bàn Thành phố.
Để góp phần giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn nguồn lợi thủy sản cần làm tốt một số nội dung như: nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội về bảo vệ môi trường nguồn nước tại các thủy vực, bảo tồn nguồn lợi thủy sản; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư, các đối tác phát triển trong thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường nguồn nước, bảo tồn nguồn lợi thủy sản; tiến hành thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản,…
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)