Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác Thú y, trong 9 tháng đầu năm 2017 ngành Thú y Hà Nội đã tham mưu cho cấp chính quyền và trực tiếp thực thi chức năng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Những điểm nhấn được ghi nhận đó là: Chi cục Thú y phối hợp cùng Đội Nông nghiệp – An ninh kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) và đoàn liên ngành huyện Chương Mỹ kiểm tra, xử lý 03 xe chở lợn không rõ nguồn gốc với số lượng 307 (khoảng trên 2.000 kg) con có biểu hiện của bệnh LMLM. Chi cục đã tiến hành lấy mẫu gửi Trung tâm chẩn đoán thú y xét nghiệm. Các mẫu đã lấy đều có kết quả dương tính với bệnh LMLM type O. Từ kết quả này làm căn cứ để UBND huyện Chương Mỹ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ hàng và tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh trên theo quy định.
Để chủ động phòng chống dịch Cúm A/H7N9 Chi cục Thú y đã tham mưu UBNFD thành phố thành lập 04 đoàn Kiểm tra (do đại diện Lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT, Công An, Công Thương, Y tế) kiểm tra công tác phòng chống Cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác tại tất cả các quận, huyện thị xã. Trong đó tập trung kiểm tra việc chỉ đạo của các quận huyện và trực tiếp kiểm tra tại các chợ đầu mối buôn bán gia cầm. Qua kiểm tra đã giúp cho chính quyền địa phương các cấp chủ động thực hiện kế hoạch phòng chống cúm gia cầm. Từ kết quả này nên 9 tháng đầu năm 2017 Hà Nội không để dịch cúm A/H7N9 xảy ra, đây là dịch bệnh nguy hiểm lây nhiễm bệnh sang người đã xảy ra tại Trung Quốc với tỷ lệ tử vong ở người khá cao (trên 40 %).
Phối hợp cùng Công an thành phố, Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm tại các nhà hàng, hoạt động giết mổ động vật trên địa bàn các huyện Đông Anh, Thường Tín. Kiểm tra các kho lạnh bảo quản sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đông lạnh nhập khẩu tại khu Công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Kho của Công ty An Việt Hà Nội, kho của Công ty ETC. Tham gia tiểu ban chỉ đạo và 02 đoàn kiểm tra của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389/TP Hà Nội kiểm tra liên ngành về việc kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu trên địa bàn TP Hà Nội.
Về lĩnh vực An toàn thực phẩm Chi cục Thú y Hà Nội tham gia 04 đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1114/QĐ-SNN ngày 23/6/2017 của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội về việc thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn toàn Thành phố. Chi cục Thú y đã tiến hành thanh, kiểm tra việc thực hiện công vụ tại trạm Thú y Long Biên, Ba Vì, Đông Anh và Đội KDĐV lưu động. Công tác quản lý vật tư, hóa chất, vắc xin trong hoạt động thú y tại các huyện, thị xã. Thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành Pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Trường Phát Việt Nam.
Lĩnh vực Quản lý An toàn thực phẩm, đã kiểm tra, xếp loại 43 cơ sở trong đó có 3 cơ sở xếp loại A, 31 cơ sở xếp loại B, 6 cơ sở xếp loại C. Kiểm tra định kỳ 9 cơ sở, trong đó có 8 cơ sở xếp loại B, 01 cơ sở xếp loại C. Cấp 34 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở giết mổ, sơ chế. Kiểm tra chất cấm, vi sinh vật, sử dụng xe chuyên dụng; lấy mẫu thịt, nước tiểu tại các chợ, cơ sở giết mổ và hộ chăn nuôi với tổng số mẫu đã lấy là 4.705 mẫu.
Trong quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, ngành Thú y đã thực hiện thống kê, rà soát các cơ sở chăn nuôi, số lượng đực giống trong đó 38 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có đăng ký kinh doanh do Thành phố cấp; Lợn đực nuôi phối giống trong dân 2.298 con; Lợn đực nuôi phối giống tại các trang trại 1.642 con; Lợn đực nuôi sản xuất tinh nhân tạo 838 con; Bò đực nuôi phối giống trực tiếp 156 con; bò đực sản xuất tinh nhân tạo 90 con. Ngành Thú y đã tổ chức hướng dẫn, triển khai, kiểm tra công tác quản lý tinh miễn phí tại các huyện, thị xã để triển khai đến các hộ dân trong chương trình hỗ trợ giống của Thành phố. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi có giấy đăng ký kinh doanh do thành phố cấp là 99 cơ sở. Chi cục Thú y đã tổ chức kiểm tra, đánh giá phân loại 32 lượt cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, 03 cơ sở chăn nuôi, lấy 25 mẫu thức ăn chăn nuôi gửi kiểm tra đánh giá chất lượng, các chỉ tiêu an toàn. Kết quả có 14 cơ sở xếp loại A, 15 cơ sở xếp loại B và 06 cơ sở không đủ điều kiện xếp loại do tạm ngừng sản xuất. Kiểm tra các cơ sở buôn bán thuốc thú y trên tổng số cơ sở buôn bán thuốc thú y trên địa bàn là 735 cơ sở, trong đó có 555 cơ sở đăng ký kinh doanh. Số cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y là 437 cơ sở (đạt 78,9%). Trong đó đã kiểm tra, xếp loại 18 cơ sở (5 cơ sở xếp loại A, 12 cơ sở xếp loại B, 01 cơ sở xếp loại C). Cấp 208 chứng chỉ hành nghề, 168 giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y.
Tại các quận huyện, ngành Thú y đã tham mưu và trực tiếp tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của quận, huyện. Tăng cường kiểm tra trên 03 lĩnh vực về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, kinh doanh thuốc thú y. Kết quả với tổng số kiểm tra là 3.756 buổi, số lượt cơ sở được kiểm tra là 14.274 lượt cơ sở. So với cùng kỳ năm 2016 số lượt kiểm tra giảm 3,1%, nhưng số lượt cơ sở được kiểm tra cao hơn 26,7%; Số trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý tăng 10,7% (số trường hợp xử phạt hành chính cao 45,1%), tập trung chủ yếu trong lĩnh vực thuốc thú y, kiểm dịch, vệ sinh thú y, sản xuất thức ăn chăn nuôi và an toàn thực phẩm. Hình thức xử phạt chủ yếu là phạt tiền và phạt cảnh cáo. Tổng số các trường hợp xử lý vi phạm là 1.182 trường hợp. Đã xử lý bằng hình thức cảnh cáo 280 trường hợp; tiêu huỷ 259 trường hợp bao gồm lợn 08 con; gia cầm lông 2.481 con; thịt bò 1768,7 kg; thịt lợn 2819 kg; thịt gia cầm 1344,8 kg; Sản phẩm động vật khác dùng làm thực phẩm 4062,8 kg; sản phẩm động vật khác không làm thực phẩm 930 kg; thuốc thú y 209 gói. Phạt tiền 562 trường hợp với tổng số tiền 2.033.633.000 đồng (hai tỷ không trăm ba mươi ba triệu sáu trăm ba mươi ba nghìn đồng). Trong đó liên ngành các quận huyện xử phạt 643 trường hợp (1.988.008.000 đồng); Chi cục Thú y ra quyết định xử phạt 09 trường hợp (45.625.000 đồng).
Có thể nói việc tăng cường thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra trong công tác thú y đã đưa các hoạt động về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, an toàn thực phẩm vào nề nếp theo quy định của Pháp luật, bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Kịp thời chấn chính hành vi gian lận thương mại, sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi, từng nước hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được công tác thanh tra kiểm tra cũng gặp không ít khó khăn phức tạp do hành vi chốn tránh, gian lận thương mại ngày càng tình vi. Đặc biệt hoạt động giết mổ chưa được chính quyền địa phương cho phép, giết mổ nhỏ lẻ còn quá nhiều nên việc kiểm soát của chính quyền và cơ quan chuyên môn gặp quá nhiều khó khăn. Việc xử lý vì phạm, gian nận thương mại có cơ sở còn chốn tránh chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Sau một năm thực hiện Luật Thú y việc bỏ kiểm dịch nội tỉnh, bỏ kiểm dịch trứng gia cầm cơ quan chuyên ngành thú y và các cơ quan liên ngành gặp nhiều vướng mắc trong việc quản lý dịch bệnh, xử lý vi phạm.
Thành phố Hà Nội hiện có có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn đứng ở tốp đầu cả nước với đàn trâu bò 169 077 con, lợn 2 255 612 con, chó mèo 412 751 con gia cầm 26 789 364 con. Nhu cầu sử dụng thịt gia súc gia cầm là rất lớn khoảng 900 tấn/ngày vì vậy công tác thanh tra kiểm tra cần được tăng cường để đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phâm, Trong thời gian tới ngành Thú y Hà Nội tiếp tục tham mưu cho chính quyền các cấp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để trực tiếp đi kiểm tra công tác chỉ đạo về công tác Thú y tại các địa phương và trực tiếp các cơ sở liên quan đến hoạt động Thú y để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thú y, các Thông tư hướng dẫn triển khai Luật Thú y của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đặc biệt tập trung tuyên truyền Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ ngày, 15/9/2017 để người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thú y.
Chắc chắn với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người tiêu dùng, người chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, công tác thú y sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng./.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)