Dịch cúm A(H7N9) bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ 3/2013 với 5 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 5 diễn ra từ tháng 10/2016 tới nay là đợt dịch lớn nhất từ trước tới nay cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan tạo thành đợt dịch thứ 5 với 541 trường hợp mắc. Dịch đạt đỉnh vào tháng 2/2017 với khoảng 50-60 trường hợp mắc mới/tuần, sau đó từ tháng 3 đến nay có xu hướng giảm dần với khoảng 18-34 trường hợp mắc mới/tuần. Từ 3/2017 đến nay đã ghi nhận thêm 3 địa phương thuộc khu vực Cam Túc, Tây Tạng và Thiểm Tây có trường hợp bệnh mới. Như vậy trong đợt dịch thứ 5 đã ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9) tại 17 tỉnh của Trung Quốc.
Để chủ động ngăn chặn dịch cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác xâm nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố. Chi cục Thú y Hà Nội đã chủ động tham mưu kịp thời và tổ chức, triển khai đồng bộ Kế hoạch ứng phó với vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác trên địa bàn Thành phố.
Một số kết quả chính được tóm tắt như sau:
Thứ nhất: Công tác tham mưu và chỉ đạo, điều hành
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, Chi cục Thú y Hà Nội đã chủ động tham mưu UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp & PTNT kịp thời, có hiệu quả về việc chỉ đạo, quản lý và tổ chức triển khai các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm. Đến thời điểm hiện nay, về cơ bản Thành phố đã ban hành đầy đủ các văn bản quan trọng chỉ đạo các Ban, ngành và các địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn sự xâm nhiễm của các loại vi rút cúm nói chung và vi rút cúm A/H7N9 nói riêng.
Thứ hai: Quản lý, giám sát dịch bệnh
Đây là giải pháp quan trọng giúp cảnh báo về tình hình dịch bệnh, cũng như làm cơ sở khoa học quan trọng để đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc quyết định lựa chọn từng chủng loại vắc xin phù hợp trong từng giai đoạn. Hàng năm, Chi cục Thú y đểu chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp cùng các chương trình, dự án ( FAO, CDC…) tổ chức giám sát sự lưu hành của virus cúm gia cầm tại các chợ kinh doanh gia cầm đầu mối trên địa bàn Thành phố. Tính đến thánh 4/2017, tổng số mẫu đã lấy là 2.965 mẫu swab đơn (593 mẫu swab gộp). Kết quả chưa có mẫu nào dương tính với vi rút cúm A/H7N9.
Cùng với đó, công tác giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc và duy trì chế độ báo cáo hàng ngày về đường dây nóng của Chi cục. Chỉ đạo hệ thống Thú y cơ sở giám sát chặt chẽ biến động đàn, giám sát diễn biến dịch bệnh tới hộ chăn nuôi nhằm phát hiện, báo cáo kịp thời để khoanh vùng, xử lý không để lây lan diện rộng.
Thứ ba: Tiêm phòng vacxin cúm gia cầm
Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có tốc độ lây lan nhanh, với tỷ lệ chết cao trong đàn gia cầm nhiễm bệnh do các phân týp (subtype) của nhóm virus cúm A gây ra. Đặc biệt nguy hiểm, nhóm virus cúm A có 16 phân type HA (H1 - H16) và 9 phân type NA (N1 - N9) có khả năng tái tổ hợp để tạo nên hàng trăm phân type khác nhau về độc tính và khả năng gây bệnh. Virus cúm gia cầm thể độc lực cao (HPAI) vẫn đang là mối đe dọa cho chăn nuôi, sức khỏe cộng đồng và hiện nay chưa có vacxin phòng chống cúm gia cầm A/H7N9.
Do vậy, tiêm phòng là giải pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật. Trên địa bàn Thành phố, công tác tiêm phòng vacin cúm gia cầm được triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, hàng tháng, các đơn vị đều triển khai tiêm phòng bổ sung vắc xin cúm cho đàn gia cầm mới nhập, hết miễn dịch. Tiêm phòng đại trà đợt 1/2017, Thành phố đã hỗ trợ 12.521.424 liều vắc xin cúm gia cầm cho đối tượng là đàn gia cầm sinh sản. Kết quả: tiêm được 9.711.950 lượt con, đạt 98,7% KH 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đócác đơn vị thường xuyên khuyến cáo, hướng dẫn người dân tự mua vacxin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm không thuộc đối tượng hỗ trợ của Thành phố, kết quả tiêm vắc xin tự mua được 593.690 lượt con.
Thứ tư: Vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường
Từ đầu năm đến nay, toàn Thành phố đã thực hiện 03 đợt vệ sinh tiêu độc định kỳ và hưởng ứng phát động tháng vệ sinh tiêu độc của Bộ Nông nghiệp& PTNT với tổng số hóa chất đã sử dụng 120.592 lít, kg. Trong thời điểm nguy cơ cao, Chi cục đã đề nghị UBND các quận huyện thị xã chủ động hỗ trợ hoặc đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ bổ sung hóa chất thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc 2 ngày/lần tại các chợ kinh doanh, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm. Phân tách riêng khu vực bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm; vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực bán và giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm sau mỗi buổi chợ; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển, chứa đựng gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Ngoài ra UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn hỗ trợ thêm 698,1 tấn vôi bột; kinh phí hỗ trợ: trên 686 triệu đồng.
Thứ năm: Phối hợp giữa TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc trong công tác Thú y
Đến nay, Hà Nội đã ký kết với 24 tỉnh thành phố phía Bắc trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật. Hàng năm đều tổ chức tổng kết, đánh giá và triển khai phương hướng, kế hoạch thời gian tới. Qua đó đã giúp: (1) Phối hợp kiểm soát động vật, sản phẩm động vật được lưu thông, tiêu thụ từ Hà Nội tới các tỉnh và ngược lại từ các tỉnh vào Hà Nội; (2) Nâng cao trách nhiệm quản lý của Hà Nội và các tỉnh, trong phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; (3) Mở rộng thị trường tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật đảm bảo an toàn thực phẩm của các tỉnh và thành phố tại Hà Nội; nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi…..
Thứ sáu: Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, đủ điều kiện vệ sinh ATTP
Chi cục đã chủ động tham mưu cấp trên đôn đốc quy hoạch các điểm, khu chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển chăn nuôi, giết mổ an toàn sinh học và an toàn thực phẩm.
Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đầu tư cơ sở, trang thiết bị hạ tầng, mặt bằng, con giống…đảm bảo đủ điều kiện để dần đưa vào xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và mở rộng thành vùng an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đến nay, trên địa bàn Thành phố vẫn còn duy trì trên 40 cơ sở an toàn dịch bệnh các loại.
Thứ bảy: Thanh tra, Kiểm tra
Công tác thanh kiểm tra đã được đẩy mạnh, bám sát chủ trương chỉ đạo của cấp trên và Chi cục: Phân công Lãnh đạo, cán bộ tham gia đầy đủ, nghiêm túc việc kiểm tra theo Quyết định số 1736/QĐ-UBND ngày 15/03/2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc Thành lập 04 Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố tổ chức kiểm tra Công tác phòng, chống vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác trên địa bàn thành phố Hà Nội; Chi cục chủ động ban hành Quyết định thành lập 04 Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác do Lãnh đạo Chi cục làm trưởng đoàn.
Thứ tám: Truyền thông và tập huấn
Diễn tập quy trình ứng phó cúm gia cầm: Chi cục Thú y phối hợp với Cơ quan Y tế tổ chức diễn tập chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 tại Thường Tín với các biện pháp phòng, chống cúm A/H7N9, bao gồm: cách ly khu vực chợ gia cầm, lập chốt kiểm soát, đóng cửa chợ, tổ chức tiêu hủy gia cầm, tiêu độc khử trùng khu vực chợ Hà Vỹ, phong tỏa khu vực nhà người bệnh, tổ chức điều tra dịch tễ ca bệnh, tiêu độc khử trùng khu vực xung quanh nhà người bệnh, cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Thường Tín, cách ly bệnh nhân và tiến hành các biện pháp xử lý y tế theo quy định. Qua công tác diễn tập đã giúp nâng cao năng lực tổ chức, chỉ đạo và điều hành của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các cấp và các cấp chính quyền, các tổ chức, hội đoàn thể của địa phương trong công tác huy động lực lượng tham gia chống dịch tại địa phương. Huấn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn của cơ quan thú y, y tế trong việc triển khai các biện pháp tổ chức bao vây, khống chế và dập tắt dịch, tổ chức tốt công tác tiêm phòng bao vây và các biện pháp kỹ thuật chống dịch tại địa phương. Kết quả diễn tập đã được Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao về nội dung, chất lượng.
Tập huấn về phòng chống cúm gia cầm A/H7N9: Chi cục đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, đại diện phòng kinh tế và toàn bộ nhân viên kỹ thuật thú y cấp xã trên địa bàn Thành phố. Đợt tập huấn đã được triển khai nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời đảm bảo các nội dung theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về tinh hình, các biện pháp ứng phó, phòng chống dịch Cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác.
Thông tin truyền thông: Chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông của Trung ương, địa phương thông tin tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh, chính sách hỗ trợ của nhà nước, quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh.... để cộng đồng chủ động khai báo khi có dịch, không dấu dịch, không bán chạy và giết mổ gia cầm bệnh; tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Thực hiện trực 24/24h tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng tại Chi cục.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt đượccũng còn những khó khăn, bất cập, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới:
Các địa phương cần quy hoạch được các điểm chăn nuôi, giết mổ tập trung, xa khu dân cư, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cộng đồng về kinh doanh, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ gia cầm – sản phẩm gia cầm. Tăng cường phối hợp liên ngành thanh, kiểm tra việc tổ chức, triển khai các giải pháp phòng chống dịch tại cơ sở và kinh doanh, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ gia cầm - sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về lĩnh vực Thú y. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hệ thống thú y xã, phường. Các địa phương chủ động hỗ trợ kinh phí tổ chức, triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
Mở rộng diện tích đối với mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa(25/10/2012)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm(27/03/2013)
Những lưu ý khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm(16/10/2012)
Nghiêm chỉnh thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm(16/10/2012)
Nuôi cá rô đầu vuông: Thời gian ngắn, hiệu quả cao(25/10/2012)